Bộ Giao thông Vận tải phấn đấu giải ngân toàn bộ nguồn vốn đầu tư công được bố trí trong kế hoạch 2023 lên tới 94.161 tỷ đồng, cao gấp 1,7 lần kế hoạch năm 2022.
Nhà thầu thi công dự án cao tốc Bắc-Nam đoạn Mai Sơn-Quốc lộ 45. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+) |
Nhận thức rõ việc giải ngân vốn đầu tư công không chỉ là hoàn thành nhiệm vụ của ngành giao thông mà còn có ý nghĩa quan trọng đối với việc phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, ngay từ đầu năm, Bộ Giao thông Vận tải đã khẩn trương rà soát, phân bổ và giao chi tiết kế hoạch cho các nhiệm vụ, dự án đúng quy định, phù hợp với tiến độ thực hiện và khả năng giải ngân, có trọng tâm, trọng điểm, dứt khoát không để dàn trải, manh mún, kéo dài; gắn trách nhiệm người đứng đầu trong việc bảo đảm tiến độ và chất lượng giải ngân.
Đến nay, Bộ Giao thông Vận tải đã giải ngân khoảng 47.905 tỷ đồng, đạt 87% kế hoạch bổ sung, dự kiến đến hết tháng 1/2023 sẽ phấn đấu giải ngân 97% vốn ngân sách Nhà nước được Thủ tướng Chính phủ giao.
Để đạt được các mục tiêu phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đáp ứng nhu cầu phát triển, tạo động lực tăng trưởng cho đất nước, Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục triển khai xây dựng kế hoạch đầu tư và bố trí nguồn vốn có ưu tiên, trọng tâm, trọng điểm, huy động tối đa các nguồn lực của xã hội phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông trên nguyên tắc đảm bảo hài, hợp lý giữa các vùng động lực và vùng khó khăn, lợi ích của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp; kết nối vùng, kết nối các loại hình giao thông.
Bộ Giao thông Vận tải phấn đấu giải ngân toàn bộ nguồn vốn bố trí trong kế hoạch 2023 lên tới 94.161 tỷ đồng, cao gấp 1,7 lần kế hoạch năm 2022 và đây được coi là thách thức rất lớn đối với ngành giao thông.
Tại cuộc họp trực tuyến kiểm điểm tiến độ giải ngân và tiến độ dự án của Bộ Giao thông Vận tải trong thời gian qua, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh kết quả giải ngân của ngành giao thông đóng góp rất quan trọng đối với tăng trưởng của nền kinh tế.
Lưu ý các đơn vị không được phép bằng lòng, tự mãn, Bộ trưởng cho rằng, những dự án lớn phải phấn đấu hoàn thành giải ngân vốn đầu tư công theo kế hoạch. Riêng với 12 dự án thành phần cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2021-2025 khởi công xong, khi tiền đã có đủ, các địa phương cũng phải cố gắng giải phóng mặt bằng càng nhiều, càng nhanh, càng sớm, càng tốt.
Bộ trưởng Thắng khẳng định: “Các địa phương nào có được lòng tin, Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục giao tiếp các dự án mới. Những địa phương ‘đuối’ sẽ không có được điều đó đồng thời tăng cường phân cấp, phân quyền nhưng có nơi có chỗ, nơi nào tập trung làm tốt thì phân cấp.”
Nhìn nhận phải có chế tài xử lý đơn vị không hoàn thành nhiệm vụ giải ngân, Tư lệnh ngành Giao thông Vận tải quả quyết, không thể để người làm tốt như người làm không tốt./.
Theo Việt Hùng/Vietnam+