Chủ đầu tư dự án đắt đỏ nhất Thành phố Hồ Chí Minh The Metropole Thủ Thiêm: Nợ thuế 147 tỷ đồng, khả năng trả nợ yếu

Chủ đầu tư dự án đắt đỏ nhất thành phố Thủ Đức là The Metropole Thủ Thiêm có pháp nhân Công ty Quốc Lộc Phát gây chú ý khi vừa bị “bêu tên” nợ thuế 147 tỷ đồng và rơi vào tình trạng khả năng trả nợ yếu.

Chủ đầu tư dự án đắt đỏ nhất Thành phố Hồ Chí Minh The Metropole Thủ Thiêm: Nợ thuế 147 tỷ đồng, khả năng trả nợ yếu
Chủ đầu tư dự án The Metropole Thủ Thiêm bị Cục thuế Thành phố Hồ Chí Minh “bêu tên” nợ thuế 147 tỷ đồng.

Nợ thuế 147 tỷ đồng

Tại buổi tổng kết công tác thuế năm 2022 và triển khai nhiệm vụ công tác thuế 2023 diễn ra chiều 9/1/2023, Cục Thuế Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, nợ thuế tiếp tục tăng cao trong bối cảnh khó khăn hiện nay.

Tổng số tiền thuế nợ tính đến 30/11/2022 là 43.918 tỷ đồng, tăng 4.622 tỷ đồng, tương ứng 11,76% so với thời điểm 31/12/2021. Công ty Quốc Lộc Phát (thành phố Thủ Đức) cũng bị bêu tên với khoản nợ 147 tỷ đồng. Giá trị 147 tỷ đồng là con số lớn nhưng vẫn khiêm tốn hơn rất nhiều so với khoản nợ thuế của công ty hồi cuối năm 2021.

Cụ thể, tại ngày 31/12/2021, chỉ tiêu Thuế và các khoản phải nộp Nhà nước tại Công ty Quốc Lộc Phát lên đến 471 tỷ đồng, tăng mạnh so với con số 63 tỷ đồng hồi cuối năm 2020.

Trong năm 2021, do lãi lớn, công ty phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp lên đến 551 tỷ đồng, nhưng công ty mới đóng 108 tỷ đồng. Cộng với số dư đầu năm, tới cuối năm 2021, Thuế thu nhập doanh nghiệp phải trả của công ty lên tới 466 tỷ đồng, thuế giá trị gia tăng 5 tỷ đồng.

Năm 2021, Quốc Lộc Phát ghi nhận các chỉ tiêu kinh doanh đều tăng vọt. Doanh thu tăng từ 0 đồng lên 4.094 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 2.091 tỷ đồng, cải thiện mạnh so với con số 15,2 tỷ đồng năm 2020.

Công ty Cổ phần Quốc Lộc Phát thành lập ngày 9/4/2014 tại 19 đường 31B, Khu phố 5, phường An Phú, thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh với người đại diện pháp luật là ông Phạm Quang Hưng. Ngành nghề chính của công ty là “Kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất thuộc chủ sở hữu, chủ sử dụng hoặc đi thuê”.

Công ty Quốc Lộc Phát có nhiều dự án lớn nhưng nổi bật nhất là The Metropole Thủ Thiêm. The Metropole Thủ Thiêm nằm trong phân khúc cao cấp với giá đắt đỏ. Trên mạng xã hội, dự án được rao bán với mức giá lên tới từ 120 triệu đồng/m2 tới 212 triệu đồng/m2.

Cũng tại The Metropole Thủ Thiêm, Quốc Lộc Phát bị nhắc đến với nhiều thông tin thiếu tích cực. Gần đây nhất, sự cố sập sàn bê tông. Trước đó, Quốc Lộc Phát gây chú ý vì được UBND Thành phố Hồ Chí Minh chỉ định đầu tư dự án khu phức hợp Sóng Việt (nay là dự án The Metropole Thủ Thiêm) có tổng mức đầu tư 7.000 tỷ đồng tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Năm 2019, Kết luận của Thanh tra Chính phủ nêu rõ, các dự án Khu phức hợp tháp quan sát và khu phức hợp Sóng Việt được UBND thành phố chỉ định nhà đầu tư nhưng không thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất.

Khả năng trả nợ yếu

Có thể thấy, sau khi được chỉ định làm dự án “hot” The Metropole Thủ Thiêm, Công ty Quốc Lộc Phát đã có trái ngọt. Đó là doanh thu, lợi nhuận khủng trong năm 2021. Năm 2021, công ty đạt tỷ suất lợi nhuận/vốn và lợi nhuận/doanh thu rất cao.

Cụ thể, tại ngày 31/12/2021, vốn chủ sở hữu của công ty đạt 2.642 tỷ đồng. Như vậy, hai tỷ suất kể trên lần lượt là 79,1% và 51%. Đây là những con số rất cao. Thế nhưng, bất chấp kinh doanh khả quan, công ty lại rơi vào tình cảnh âm nặng dòng tiền và khả năng trả nợ yếu.

Cụ thể, hồi cuối năm 2021, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động đầu tư của Quốc Lộc Phát là âm 5.143 tỷ đồng. Dù được bù đắp bởi dòng tiền kinh doanh nhưng tính chung, lưu chuyển tiền thuần trong kỳ của công ty là âm 462 tỷ đồng.

Tiền thu được nhiều nhưng công ty lại mạnh tay đầu tư (trong đó có đầu tư chứng khoán) nên đến cuối năm, tiền và các khoản tương đương tiền giảm sâu từ 1.234 tỷ đồng xuống 772 tỷ đồng; các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn là 114 tỷ đồng. Đáng chú ý, bất chấp tài sản ngắn hạn tăng mạnh, nợ ngắn hạn của công ty còn tăng mạnh hơn.

Hồi cuối năm 2021, tài sản ngắn hạn tại Quốc Lộc Phát tăng 2.263 tỷ đồng, tương đương 32,3% lên 9.263 tỷ đồng. Trong khi đó, nợ ngắn hạn tăng 4.894 tỷ đồng, tương đương 72,2% lên 11.676 tỷ đồng.

Như vậy, hệ số khả năng thanh toán hiện thời (Tài sản ngắn hạn/Nợ ngắn hạn) chỉ là 0,79. Theo lý thuyết kế toán, hệ số này nhỏ hơn 1 thể hiện “khả năng trả nợ của doanh nghiệp yếu, là dấu hiệu báo trước những khó khăn tiềm ẩn về tài chính mà doanh nghiệp có thể gặp phải trong việc trả các khoản nợ ngắn hạn. Khi hệ số càng dần về 0, doanh nghiệp càng mất khả năng chi trả, gia tăng nguy cơ phá sản”.

Theo Ninh Nhi/Báo Xây dựng

Tin Liên Quan