Thị trường bán lẻ Hà Nội quý III/2022 chứng kiến sự chào sân của nhiều thương hiệu quốc tế, phân khúc hạng sang

(Xây dựng) – Trong 9 tháng đầu năm 2022, thị trường bán lẻ tiếp tục đà tăng trưởng và phục hồi mạnh mẽ. Theo Tổng cục Thống kê, tính chung 9 tháng đầu năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng Việt Nam ước đạt 4.170 nghìn tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ năm 2021 và tăng 14,2% so với cùng kỳ năm 2019 – thời điểm trước dịch Covid-19.

thi truong ban le ha noi quy iii2022 chung kien su chao san cua nhieu thuong hieu quoc te phan khuc hang sang
Những lo ngại trong thời gian tới về khó khăn, lạm phát có thể sẽ ảnh hưởng tới sức mua của người tiêu dùng (ảnh minh họa).

Trong quý III/2022, thị trường Hà Nội không ghi nhận nguồn cung mới. Diện tích sàn bán lẻ cho thuê lũy kế 9 tháng đầu năm 2022 giữ nguyên ở mức 1.064.739m2. Về hoạt động thị trường, giá thuê tại thời điểm quý III/2022 ở cả khu vực trung tâm và ngoài trung tâm Hà Nội tiếp tục có mức tăng trưởng đáng kể. Cụ thể, tại khu vực trung tâm, giá chào thuê mặt bằng ở tầng một (không bao gồm thuế GTGT và phí dịch vụ) đạt 144 USD/m2/tháng, tăng 9,0% theo quý và 39,5% theo năm. Đây là mức giá thuê cao nhất ghi nhận được từ trước tới nay ở khu vực trung tâm. Tỷ lệ trống của khu vực trung tâm không biến động nhiều, giảm khoảng 0,6 đpt so với cùng kỳ năm ngoái. Đối với các mặt bằng ngoài trung tâm, giá thuê tiếp tục trên đà phục hồi, đạt 27 USD/m2/tháng, tăng 6,9% theo quý và tăng 14% theo năm. Tỷ lệ trống của các địa điểm ngoài trung tâm tăng nhẹ 0,4 đpt theo năm.

Thị trường bán lẻ Hà Nội quý này chứng kiến sự chào sân của nhiều thương hiệu quốc tế thuộc phân khúc hạng sang, bao gồm Breitling, Marc Jacobs và Berluti. Các thương hiệu trên lần lượt khai trương cửa hàng đầu tiên của mình ở Việt Nam (đối với thương hiệu Marc Jacobs là cửa hàng đầu tiên ở Hà Nội) tại các vị trí đắc địa trên phố Lý Thái Tổ và Tràng Tiền. Bên cạnh đó, các thương hiệu hiện hữu như Aeon MaxValu, Annam Gourmet, Mothercare, Lyn… tiếp tục mở rộng sự hiện diện trên thị trường thông qua việc khai trương các cửa hàng mới tại các mặt bằng bán lẻ và trung tâm thương mại lớn như Lotte Center Hà Nội và các trung tâm thương mại của Vincom.

Dự kiến vào cuối năm 2022, Hà Nội kỳ vọng sẽ có thêm 19.000m2 NLA từ hai dự án The Zei (quận Từ Liêm) và Hinode City (quận Hai Bà Trưng) và sẽ có hơn 300.000m2 NLA từ nhiều dự án trung tâm thương mại lớn khác đến năm 2024. Phần lớn các dự án này tập trung tại khu vực ngoài trung tâm. Trong đó, hai dự án có quy mô lớn là Lotte Mall Hà Nội và Aeon Mall Hoàng Mai dự kiến đi vào hoạt động giai đoạn 2023 – 2024 sẽ cung cấp cho thị trường tổng diện tích NLA hơn 150.000m2.

Về triển vọng thị trường, CBRE kỳ vọng rằng mặt bằng bán lẻ tại các vị trí đắc địa tiếp tục được săn đón nhiều trong thời gian tới với nhu cầu thuê tiếp tục được duy trì, dẫn đến việc giá thuê ở khu vực này sẽ tiếp tục trên đà tăng. Bên cạnh đó, các cửa hàng truyền thống tiếp tục chú trọng nâng cao trải nghiệm người tiêu dùng bằng cách tích hợp các tiện ích tại cửa hàng, tăng khả năng đáp ứng đơn hàng trực tuyến. Tuy nhiên, trong thời gian tới, những lo ngại về khó khăn, sức ép lạm phát có thể sẽ ảnh hưởng tới sức mua của người tiêu dùng, đặc biệt đối với những mặt hàng không thiết yếu, do đó có thể khiến tốc độ phục hồi của thị trường chậm lại.

Kim Oanh/ Baoxaydung

Tin Liên Quan