Thúc đẩy hoạt động tái chế chất thải rắn

(Xây dựng) – Thực tế hiện nay, tình trạng gia tăng dân số nhanh chóng cùng sự tăng trưởng các ngành Kinh tế công nghiệp, Giao thông Vận tải, Xây dựng, làng nghề, Y tế… đã làm phát sinh một lượng lớn chất thải với thành phần ngày càng phức tạp hơn. Có nhiều chất thải nguy hại nhưng cũng có chất thải còn giá trị sử dụng. Thay vì bỏ đi, các chuyên gia môi trường cho rằng, cần phải thay đổi cách ứng xử với chất thải, tận dụng lợi ích của chất thải để giảm gánh nặng xử lý, hạn chế tối đa ảnh hưởng tới môi trường.

Theo các chuyên gia, cần có biện pháp quản lý đồng bộ từ quá trình phát sinh, giảm thiểu, phân loại, thu gom, vận chuyển, tái sử dụng, tái chế, xử lý, tiêu hủy chất thải rắn để giảm sức ép lên môi trường… (Nguồn: Internet).

Chất thải rắn ngày càng gia tăng

Việt Nam hiện có khoảng 500.000 doanh nghiệp công nghiệp, khoảng 283 khu công nghiệp tập trung, hơn 1.700 cụm công nghiệp và 18 khu kinh tế đang hoạt động. Theo thống kê của Tổng cục Môi trường, lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên cả nước khoảng 61.000 tấn/ngày, trong đó khối lượng phát sinh tại khu vực nông thôn là 24.000 tấn/ngày.

Trong khi đó, lượng chất thải rắn công nghiệp thông thường phát sinh hàng năm khoảng 25 triệu tấn, đặc biệt, tại các khu vực có hoạt động công nghiệp phát triển mạnh như Bắc Ninh, Đồng Nai, Bình Dương… Chất thải rắn công nghiệp phát sinh từ các ngành như: Sản xuất giấy, nhiệt điện than, hóa chất, phân bón…. Đối với chất thải nguy hại, lượng phát sinh trên toàn quốc ước tính khoảng 800.000 tấn/năm.

Về lĩnh vực y tế, tổng lượng chất thải rắn phát sinh tại các bệnh viện, cơ sở y tế vào khoảng 450 tấn/ngày, trong đó, có khoảng 47 tấn/ngày là chất thải rắn y tế nguy hại.

Còn lượng chất thải rắn từ hoạt động nông nghiệp phát sinh ước tính khoảng hơn 14.000 tấn bao bì hóa chất bảo vệ thực vật, phân bón các loại và khoảng 47 triệu tấn chất thải chăn nuôi.

Tình trạng chất thải rắn phát sinh ngày càng gia tăng như vậy, theo ước tính của các chuyên gia, đến năm 2020, tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh sẽ tăng 1,7 – 4 lần so với hiện tại. Đến năm 2025, con số này được ước tính đạt 91 triệu tấn/năm, tỷ lệ phát sinh chất thải rắn sinh hoạt tăng từ 10 – 16% người/ngày mỗi năm. Do đó, cần có biện pháp quản lý đồng bộ từ quá trình phát sinh, giảm thiểu, phân loại, thu gom, vận chuyển, tái sử dụng, tái chế, xử lý, tiêu hủy, trong đó, việc xây dựng chính sách để có biện pháp, chính sách để biến chất thải thành tài nguyên lả rất cần thiết.

Tăng cường năng lực quản lý chất thải rắn

Những năm qua, công tác quản lý chất thải rắn luôn được quan tâm, chú trọng, Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản, pháp luật về quản lý chất thải rắn như: Luật Bảo vệ môi trường năm 2014; Chiến lược Bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050 và các văn bản dưới Luật như: Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24/4/2015 của Chính phủ phê duyệt về quản lý chất thải và các Thông tư hướng dẫn…

Mới đây, Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) có nhiều nội dung với mục đích biến chất thải thành tài nguyên. Đó là đưa ra quy định chất thải phát sinh sử dụng trực tiếp làm nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu cho hoạt động sản xuất, được quản lý theo quy định của pháp luật về sản phẩm hàng hóa để hướng tới nền kinh tế tuần hoàn.

Bên cạnh đó, dự thảo Luật (sửa đổi) cũng đưa ra yêu cầu chất thải rắn phải được phân loại để tái sử dụng, tái chế và thu hồi năng lượng để tận dụng tài nguyên; quy định trách nhiệm của các nhà sản xuất, nhà nhập khẩu các sản phẩm thải bỏ phải có trách nhiệm đóng góp kinh phí để thu thu hồi, tái chế các sản phẩm do mình đưa ra thị trường; làm rõ phí bảo vệ môi trường đối với chất thải, thông số ô nhiễm thải ra môi trường; quy định phân loại chất thải sinh hoạt của hộ gia đình thành chất thải rắn có khả năng tái chế (giấy, nhựa, kim loại, cao su, ni lông, thủy tinh).

Một số quy định trên không chỉ góp phần thu gom, tái chế đúng quy định của pháp luật các sản phẩm thải bỏ, mà còn thúc đẩy các nhà sản xuất nghiên cứu để sử dụng các công nghệ, vật liệu mới để đảm bảo chất thải dễ tái chế, giảm thiểu chi phí phải bỏ ra. Qua đó, thúc đẩy việc tái sử dụng chất thải cho các hoạt động sản xuất khác mà không gặp phải các khó khăn thủ tục trong thời gian qua.

Theo Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP), việc quản lý tổng hợp chất thải bao gồm ít nhất 3 loại phối kết hợp, đó là phối kết hợp các chiến lược quản lý chất thải bao gồm phòng ngừa, giảm thiểu, giảm lượng chất thải phát sinh; tái sử dụng, tái chế chất thải, xử lý chất thải có thu hồi năng lượng, cuối cùng là bê tông hóa hoặc chôn lấp; phối kết hợp các khía cạnh kinh tế, xã hội, luật pháp, thể chế, môi trường và công nghệ trong quản lý chất thải; phối kết hợp ý kiến ưu tiên và năng lực cung cấp dịch vụ của các bên liên quan.

Theo khuyến nghị từ phía các nhà hoạch định chính sách môi trường, để thực hiện được việc phối kết hợp đó, cần tăng cường năng lực quản lý tổng hợp chất thải rắn từ cấp Trung ương đến địa phương, trong đó, các đơn vị liên quan cần kết hợp chặt chẽ để hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về quản lý chất thải rắn; hoàn thiện tổ chức, bộ máy, phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu quản lý chất thải rắn.

Mặt khác, tăng cường cơ sở vật chất trang thiết bị, ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý chất thải rắn; tăng cường nâng cao nhận thức cộng đồng trong công tác quản lý chất thải rắn, xây dựng và triển khai có hiệu quả công tác phân loại chất thải rắn tại nguồn…

Nếu thực hiện đồng bộ các giải pháp này, việc quản lý tổng hợp chất thải rắn mới thực sự thúc đẩy lĩnh vực xử lý chất thải, góp phần khai thác tài nguyên chất thải và tạo ra ngày càng nhiều các giá trị gia tăng mới từ chất thải theo hướng phát triển bền vững.

Linh Đan

Tin Liên Quan