(Xây dựng) – Trong những năm gần đây, ngành Vật liệu xây dựng (VLXD) đã chú trọng đầu tư công nghệ tiên tiến, thiết bị hiện đại, tiệm cận các nước lớn trên thế giới nhằm cải tiến chất lượng, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, nâng cao khả năng cạnh tranh trên trường quốc tế. Công suất và sản lượng đều đạt được ở mức cao. Sản xuất không những đáp ứng được nhu cầu sử dụng trong nước mà còn xuất khẩu ra nước ngoài.
Thị trường VLXD những tháng đầu năm 2018 tăng trưởng tốt với các sản phẩm VLXD chủ yếu như xi măng, gốm, sứ, kính xây dựng… đáp ứng được nhu cầu sử dụng trong nước và xuất khẩu.
Xi măng tăng trưởng tốt
Về tình hình thị trường VLXD những tháng đầu năm 2018, Bộ Xây dựng đánh giá thị trường ổn định, tăng trưởng tốt, các sản phẩm VLXD chủ yếu như xi măng, gốm, sứ, kính xây dựng… đều có sản lượng tăng so với cùng kỳ, bảo đảm cân đối cung – cầu và mở rộng thị trường xuất khẩu.
Đối với lĩnh vực xi măng, chỉ tính riêng trong tháng 5/2018, sản lượng tiêu thụ sản phẩm xi măng ở cả thị trường nội địa và xuất khẩu đều tăng mạnh. Những tín hiệu này dự báo trong năm 2018 việc tiêu thụ sản phẩm hoàn toàn có thể đạt và vượt so với kế hoạch đề ra.
Đại diện lãnh đạo Vụ VLXD cho biết, ước sản phẩm xi măng tiêu thụ ở cả thị trường nội địa và xuất khẩu trong tháng 5/2018 đạt khoảng 10,23 triệu tấn, tăng tới 1,46 triệu tấn so với tháng 4, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2017 và đạt 51% kế hoạch năm 2018.
Điều đáng ghi nhận là sản lượng tiêu thụ sản phẩm xi măng ở cả thị trường nội địa và xuất khẩu trong tháng 5 đều tăng mạnh. Trong đó ước sản lượng tiêu thụ tại thị trường nội địa đạt khoảng 7,68 triệu tấn, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2017.
Tiêu thụ sản phẩm xi măng tại thị trường xuất khẩu trong tháng 5/2018 vẫn giữ được đà tăng trưởng mạnh ước đạt khoảng 2,55 triệu tấn, tăng 35% so với cùng kỳ năm 2017; xuất khẩu 5 tháng đầu năm 2018 ước đạt khoảng 13,76 triệu tấn, tăng 31 % so với cùng kỳ.
Như vậy, ước tiêu thụ sản phẩm xi măng trong 5 tháng khoảng 43,05 triệu tấn, tăng 25% so với cùng kỳ năm 2017 và đạt 51% kế hoạch của cả năm 2018.
Với mức tiêu thụ trên, các chuyên gia trong lĩnh vực VLXD cho rằng mục tiêu tiêu thụ từ 83 – 85 triệu tấn sản phẩm trong năm 2018 hoàn toàn có thể đạt và vượt so với kế hoạch đề ra.
Hiện, Bộ Xây dựng đang tiếp tục chỉ đạo, hoàn thành nghiên cứu, lập Quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản làm xi măng đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035; Quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản làm VLXD chủ yếu đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035; Nghiên cứu xây dựng Đề án phát triển vật liệu xây dựng sử dụng cho các công trình ven biển và hải đảo đến năm 2025, định hướng đến năm 2035” và triển khai đề án “Lộ trình dừng sử dụng amiang trắng trong sản xuất tấm lợp tại Việt Nam” sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Gạch ốp lát, kính chinh phục thị trường nội
Cùng với đó, thị trường gạch ốp lát những tháng đầu năm 2018 đã bắt đầu có những biến động về vị thế của các thương hiệu, nhu cầu thị trường, xu thế sử dụng gạch… Sau nhiều năm bị lép vế trên sân nhà, hàng nội đã lấy lại vị thế trước hàng Trung Quốc nhờ các Cty sản xuất đổi mới công nghệ theo hướng chuyên biệt, sáng tạo mẫu mã mới, hạ giá thành sản phẩm.
Điều này được thể hiện khi trong những tháng cuối năm 2017 đầu năm 2018, nhiều thương hiệu gạch ốp lát Việt bật lên giành lại thị phần so với các dòng gạch ốp lát nhập khẩu. Tiêu biểu là top 3 thương hiệu gạch ốp lát chất lượng cao Đồng Tâm, Viglacera và Bạch Mã.
Theo nhận định của lãnh đạo Cty CP Kinh doanh gạch ốp lát Viglacera, hoạt động sản xuất của các đơn vị sản xuất gạch ốp lát cũng đã giảm thiểu những áp lực không đáng có nhưng trình độ sản xuất lại cải tiến theo hướng chuyên biệt, đi sâu tìm tòi sáng tạo mẫu mã mới, hợp lý hóa sản xuất, đầu tư phát triển công nghệ theo chiều sâu, hạ thấp giá thành sản phẩm. Chính sự chuyên nghiệp hóa này là nền tảng để nâng cao sức cạnh tranh cho thương hiệu gạch ốp lát Việt trên thị trường nói chung và gạch ốp lát Viglacera nói riêng.
Đối với lĩnh vực kính, hiện nay đã có nhiều doanh nghiệp tiên phong đầu tư sản xuất kính tiết kiệm năng lượng, kính siêu trong, siêu trắng, siêu mỏng để phục vụ các ngành công nghệ cao như công nghệ làm pin năng lượng mặt trời, công nghệ làm màn hình, cảm ứng.
Điển hình là Tổng Cty Viglacera – CTCP với các dự án đầu tư bổ sung các sản phẩm công nghệ cao, sản phẩm “xanh” như kính siêu trắng, kính tiết kiệm năng lượng, gạch bê tông khí chưng áp, gạch Granite in kỹ thuật số thân thiện với môi trường… Đây là công nghệ tiên tiến mà ở nhiều nước Đông Nam Á còn chưa có.
Phát triển vật liệu không nung đúng định hướng
Lĩnh vực vật liệu xây không nung (VLXKN) cũng đã đạt một số kết quả khả quan. Trong 6 tháng đầu năm 2018, Bộ Xây dựng tiếp tục đôn đốc các địa phương thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng chính phủ về tăng cường sử dụng VLXKN, hạn chế sản xuất và sử dụng gạch đất sét nung và Thông tư số 13/2017/TT-BXD ngày 08/12/2017 của Bộ Xây dựng về hướng dẫn sử dụng VLXKN trong các công trình xây dựng, lộ trình xóa bỏ lò gạch thủ công.
Hầu hết các địa phương đã có những chỉ đạo quyết liệt trong việc xóa bỏ các lò gạch thủ công, thủ công cải tiến và lò vòng sản xuất gạch đất sét nung cũng như khuyến khích phát triển sản xuất và tiêu thụ VLXKN. Đến nay, cả nước sản xuất ước đạt 3,72 tỷ viên (QTC), tăng 10% so với cùng kỳ năm 2017…
Với những kết quả khả quan như vậy, thị trường VLXD năm 2018 được kỳ vọng có sự bứt phá, tăng trưởng bền vững. Tuy nhiên, lĩnh vực VLXD được các chuyên gia nhận định vẫn còn tồn tại một số hạn chế như quy định quản lý không phù hợp, trình độ công nghệ, thiết bị sản xuất VLXD chưa được đầu tư hiện đại, bài bản…
Do đó, để đạt được mục tiêu phát triển thị trường VLXD nhanh, bền vững, các Bộ, ngành liên quan và các địa phương cần tiếp tục xây dựng, hoàn thiện và ban hành các chính sách cụ thể ưu đãi, thu hút đầu tư, khuyến khích phát triển sản xuất những loại VLXD mới, tiết kiệm tài nguyên khoáng sản, tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường, ứng phó, thích ứng với biến đổi khí hậu phù hợp với xu thế phát triển của thế giới hiện nay.
Bên cạnh đó, Chính phủ có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp để phát huy mọi nguồn lực trong xã hội, thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước trong việc đầu tư sản xuất chủng loại VLXD mới, vật liệu xanh, đáp ứng được nhu cầu cho xây dựng trong nước và hướng tới xuất khẩu.