(Xây dựng) – Từ ngày 8-10/8, “Vietnam Manufacturing Expo 2018” – Triển lãm về máy móc và công nghệ cho ngành sản xuất và công nghiệp hỗ trợ đã diễn ra tại Trung tâm triển lãm quốc tế I.C.E Hà Nội. Triển lãm năm nay tập trung vào việc giới thiệu khái niệm và công nghệ nhà máy thông minh cho ngành công nghiệp sản xuất với 200 thương hiệu cùng các chuyên gia hàng đầu trong và ngoài nước tham dự.
Vietnam Manufacturing Expo 2018
Triển lãm có sự tham gia của hơn 200 thương hiệu và chuyên gia hàng đầu trong ngành, 4 gian hàng quốc tế từ Nhật Bản, Singapore, Thái Lan và Đài Loan tập trung cung cấp các công nghệ, giải pháp cũng như kinh nghiệm thực tế về nhà máy thông minh để hỗ trợ các nhà sản xuất Việt Nam vượt qua những thách thức trong giai đoạn đầu chuyển đổi sang ngành Công nghiệp 4.0.
Đột phá công nghệ khi kết hợp giữa trí tuệ nhân tạo với robot thông minh.
Nhà máy thông minh và công nghiệp 4.0 mở ra một kỷ nguyên mới với một loạt các công nghệ sản xuất kết hợp giữa các yếu tố vật lý và kỹ thuật số, với những đột phá về trí tuệ nhân tạo (AI), robot, Internet of Things (IoT), đo lường và in 3D.
Theo cáo cáo mới từ Viện chuyển đổi kỹ thuật số của Capgemini, các nhà máy thông minh có thể đóng góp tới 500 tỷ USD giá trị gia tăng cho nền kinh tế toàn cầu trong 5 năm tới. Công nghệ thông minh mang lại lợi thế cạnh tranh đáng kể cho các nhà sản xuất, chẳng hạn như tăng sản lượng, chất lượng và tăng tính đồng bộ. Tuy nhiên, việc ứng dụng các công nghệ này không hề dễ dàng.
Ông Suttisak Wilanan – Phó Giám đốc điều hành Cty Reed Tradex phát biểu tại họp báo khai mạc.
Ông Suttisak Wilanan cho biết: “76% các nhà sản xuất đang tiến hành xây dựng hoặc bắt đầu đầu tư chuyển đổi thành nhà máy thông minh, chỉ 14% trong số đó hài lòng với kết quả đạt được. Nhà máy thông minh là một sự thay đổi lớn, các nhà sản xuất khó tránh khỏi sự choáng ngợp trong giai đoạn đầu, đặc biệt là đối với quốc gia đang trên đà phát triển sản xuất như Việt Nam. Hành trình này cần được lập trình kĩ lưỡng theo từng bước, tránh việc thay đổi đột ngột.”
Universal Robots tham gia triển lãm với mục tiêu giới thiệu robot đồng hành, hoạt động như một công cụ hỗ trợ thông minh cho các công nhân tại nhà máy.
Nghiên cứu và phát triển là một phần quan trọng trong phát triển sản xuất. Công nghiệp in 3D, hay còn gọi là Công nghệ sản xuất đắp dần (AM) được tạo ra với mục tiêu ban đầu để tạo ra nguyên mẫu hình ảnh & nguyên mẫu chức năng, sao chép không ngừng các bộ phận đòi hỏi độ chính xác tuyệt đối.
Công nghệ in 3D đã phát triển đạt giá trị 6,063 tỷ USD, tăng 17.4% tổng doanh thu toàn cầu vào năm 2016, đồng thời mở rộng ứng dụng vào nhiều ngành công nghiệp.
Công nghiệp in 3D là một nhân tố lớn để hướng tới công nghiệp 4.0
Công nghệ đo lường (metrology) là một công nghệ quan trọng khác được giới thiệu để hỗ trợ cho khái niệm về nhà máy thông minh tại “Vietnam Manufacturing Expo 2018”. Cùng với đó, triển lãm còn diễn ra những hoạt động đặc biệt với vô số kiến thức cùng kỹ năng đào tạo đã sẵn sàng để chờ đón các nhà sản xuất Việt Nam.
Ban tổ chức tiến hành hoạt động “Shows in show” để hướng dẫn khách tham quan dễ dàng tiếp cận các công nghệ, máy móc và giải pháp hiện đại, cho dù là linh kiện, phụ tùng, thiết bị kiểm tra, hàn, công nghệ robot… ngay tại triển lãm. “Cuộc thi hàn” trở lại lần nữa tiếp tục khuyến khích các thợ hàn Việt Nam phát triển kỹ năng hàn của họ, cũng như cập nhật các xu hướng mới trên thị trường.