Ngày 13/12, tại hội trường khách sạn Sheraton, Hà Nội đã diễn ra Hội thảo “Hoàn thiện mô hình hoạt động của doanh nghiệp theo Tiêu chí các Giải thưởng Chất lượng Quốc gia” do Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ) tổ chức.
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ phát biểu tại hội thảo (Ảnh: Báo Tài nguyên Môi trường)
Hội thảo nhằm đẩy mạnh việc áp dụng các tiêu chí của Giải thưởng Chất lượng Quốc gia (GTCLQG), hoàn thiện mô hình hoạt động của doanh nghiệp Việt Nam từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh, vươn đến mô hình hoàn hảo trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, mang đến những sản phẩm và dịch vụ có chất lượng cao cho người tiêu dùng, đối tác và cộng đồng.
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Nguyễn Hoàng Linh – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cho biết: “Tháng 8/1995, tại Hội nghị Chất lượng Việt Nam lần thứ nhất được tổ chức tại Hà Nội, theo sáng kiến của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Phó Chủ tịch Nước Nguyễn Thị Bình đã công bố việc khởi xướng một giải thưởng trong lĩnh vực chất lượng: Giải thưởng Chất lượng Việt Nam nay gọi là Giải thưởng Chất lượng Quốc gia (GTCLQG)”.
Đây là giải thưởng nhà nước cao nhất về chất lượng sản phẩm hàng hóa được Thủ tướng Chính phủ trao tặng và là giải thưởng nằm trong hệ thống giải thưởng chất lượng Quốc tế Châu Á – Thái Bình Dương.
Cho đến nay đã có gần 2000 doanh nghiệp đạt GTCLQG, trong đó có 240 doanh nghiệp đạt Giải Vàng Chất lượng Quốc gia. Và đặc biệt, đến nay Việt Nam đã có gần 50 doanh nghiệp đạt Giải thưởng Châu Á – Thái Bình Dương.
“Những con số trên cho thấy, Chính phủ luôn luôn ghi nhận một cách xứng đáng các doanh nghiệp thành công về năng suất và chất lượng”, ông Nguyễn Hoàng Linh cho biết thêm.
Toàn cảnh hội thảo (Ảnh: Báo Tài nguyên Môi trường)
Để mô hình GTCLQG tiếp tục được áp dụng rộng rãi trong cộng đồng doanh nghiệp, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng đề nghị Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tiếp tục tăng cường tổ chức phổ biến rộng rãi mô hình Giải thưởng Chất lượng Quốc gia tới cộng đồng doanh nghiệp; kết nối và phối hợp với Tổ chức Chất lượng Quốc tế Châu Á – Thái Bình Dương (APQO), Tổ chức Năng suất Châu Á (APO) để tổ chức các hội thảo quốc tế nhận rộng các kinh nghiệm thành công của Giải thưởng chất lượng Châu Á – Thái Bình Dương tới doanh nghiệp Việt Nam.
Thứ trưởng Trần Văn Tùng cũng đề nghị Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng phối hợp chặt chẽ với Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam, các hiệp hội ngành nghề để giúp cho cộng đồng doanh nghiệp tiếp cận và áp dụng mô hình Giải thưởng Chất lượng Quốc gia, Giải thưởng Chất lượng Châu Á – Thái Bình Dương vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, từ đó, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng cường sức cạnh tranh của cộng đồng Doanh nghiệp Việt Nam.
GTCLQG được xây dựng, triển khai trên cơ sở chấp nhận mô hình và các tiêu chí của giải thưởng Malcolm Baldrige. Giải thưởng chất lượng Quốc gia gồm 7 tiêu chí có tính khoa học và toàn diện đánh giá mọi mặt hoạt động kết quả của tổ chức doanh nghiệp.
Việc đánh giá và bình chọn giải thưởng chất lượng quốc gia được tiến hành theo 2 bước: Hội đồng sơ tuyển Bộ ngành, tỉnh, thành phố và Hội đồng quốc gia. Hội đồng quốc gia quyết định danh sách các doanh nghiệp đề nghị Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ trình thủ tướng chính phủ trao tặng GTCLQG. GTCLQG gồm 2 loại: Giải Vàng Chất lượng Quốc gia và Giải thưởng Chất lượng Quốc gia.