Phát triển nhà ở xã hội: Cơ chế đã có, cần giải pháp căn cơ

Ngày đăng: 31-12-2019

(Xây dựng) – Thời gian qua, các chính sách phát triển nhà ở xã hội (NƠXH) đã mang lại nhiều lợi ích cho hàng trăm nghìn hộ gia đình thu nhập thấp có chỗ ở ổn định. Tuy nhiên, sự thiếu hụt về nguồn cung, gói hỗ trợ tài chính cùng những vướng mắc trong thủ tục khi xét mua đang là những rào cản khiến NƠXH ngày càng xa tầm với của những người thu nhập thấp đô thị.

phat trien nha o xa hoi co che da co can giai phap can co
Phát triển NƠXH là chủ trương, chính sách đúng đắn đã mang lại nhiều lợi ích cho hàng trăm nghìn hộ gia đình thu nhập thấp có chỗ ở ổn định.

Một chiến lược nhân văn

Có thể khẳng định Chiến lược phát triển nhà ở Quốc gia đến năm 2020 tầm nhìn 2030 là một chiến lược rất nhân văn, mang lại nhiều cơ hội có nhà ở đúng nghĩa cho người thu nhập thấp. Theo chiến lược này, những thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM và các địa phương có nhiều KCN có nhu cầu về NƠXH rất lớn, khoảng 1 triệu đơn vị nhà ở cho thu nhập thấp.

Khu đô thị Đặng Xá được coi là khu NƠXH tiên phong của Hà Nội và đến nay sau nhiều năm, Đặng Xá với hệ thống hạ tầng khá đồng bộ, từ nhà trẻ, trường mầm non, khu thể thao, dịch vụ, vẫn là mô hình mẫu phát triển cho nhiều khu đô thị dành cho người thu nhập thấp của Thủ đô.

Chị Vũ Thanh Tâm, Tòa D7, cư dân Khu đô thị Đặng Xá, là một trong những người nhận được hỗ trợ từ chính sách NƠXH cho biết: “NƠXH phù hợp với những hộ khó khăn về nhà ở, cán bộ công nhân viên làm việc ở Hà Nội không đủ tiền để mua nhà ở thương mại. Đây là chủ trương hay, người dân được vay, trả nợ dần về lâu dài. Chúng tôi cảm thấy rất vui”.

Theo Bộ Xây dựng, Chương trình phát triển NƠXH tại khu vực đô thị và công nhân KCN đến nay đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng 98 dự án NƠXH tại khu vực đô thị (đang tiếp tục triển khai 153 dự án) và đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng 100 dự án NƠXH dành cho công nhân KCN (đang tiếp tục triển khai 73 dự án). Nhờ các chính sách phát triển dự án NƠXH mà các hộ dân sống trong các dự án này ở nhiều địa phương đều rất hài lòng với cuộc sống là minh chứng cho tính đúng đắn của chủ trương phát triển NƠXH.

Bên cạnh đó, các chương trình NƠXH khác cũng được các cấp, ngành, địa phương tích cực triển khai thực hiện hiệu quả gồm: Chương trình hỗ trợ nhà ở cho người có công theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg; Chương trình hỗ trợ nhà ở cho các hộ nghèo khu vực nông thôn theo Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg; Chương trình hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt theo Quyết định số 48/2014/QĐ-TTg; Chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư ở ĐBSCL… đã giúp cho hàng trăm nghìn gia đình có nơi ăn chốn ở ổn định, an toàn.

Còn khá nhiều vướng mắc

Điểm nổi bật trong Chiến lược phát triển nhà ở Quốc gia đến năm 2020 tầm nhìn 2030 là diện tích nhà ở bình quân toàn quốc đạt khoảng 24 m2 sàn/người, trong đó tại đô thị đạt 26 m2/sàn và tại nông thôn đạt 19 m2 sàn/người; phấn đấu đạt chỉ tiêu diện tích nhà ở tối thiểu 6 m2 sàn/người. Nhưng hiện nay, thị trường nhà ở tại Việt Nam cho thấy vẫn chưa bắt kịp với mức thu nhập của người lao động. Theo số liệu tổng hợp của Bộ Xây dựng, nhu cầu NƠXH trên toàn quốc giai đoạn 2011 – 2020 là khoảng 440 nghìn căn hộ, nhưng đến nay mới chỉ thực hiện được trên 30% kế hoạch. Ðáng lưu ý là chương trình phát triển NƠXH đã được nâng lên thành Luật, trong đó quy định rõ các cơ chế hỗ trợ, cũng như nguồn lực hỗ trợ hàng năm hoặc theo giai đoạn. Tuy nhiên, việc tổ chức triển khai lại không suôn sẻ như mong muốn.

Lãnh đạo Bộ Xây dựng cho biết, thời gian qua đã có một loạt các hành lang pháp lý từ Luật Nhà ở, dẫn chiếu tới các nghị định, thông tư, các chương trình mục tiêu. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng có các gói tín dụng để hỗ trợ cho việc đầu tư xây dựng NƠXH, cũng như hỗ trợ cho người mua, thuê mua NƠXH với lãi suất thấp.

Tuy nhiên, từ khi gói hỗ trợ tín dụng 30 nghìn tỷ đồng hỗ trợ mua nhà dành cho người thu nhập thấp kết thúc thời hạn giải ngân vào năm 2016, các DN BĐS không còn mặn mà đầu tư NƠXH, còn người thu nhập thấp không được tiếp cận với nguồn vốn vay lãi suất thấp. Trong khi đó, với dân số đô thị chiếm hơn 30 triệu người và tăng trưởng dân số đô thị dự kiến hàng năm khoảng 900 nghìn người, vấn đề nhà ở cho người dân tại các đô thị đang ngày càng cấp bách.

Còn theo thống kê của Hiệp hội BĐS Việt Nam, nhu cầu nhà ở bình dân ngày càng bức thiết khi cơ cấu dân số đang bước vào thời kỳ dân số vàng, với 70% dân số trong độ tuổi lao động, sự phát triển của các gia đình trẻ, nhu cầu tách hộ của các gia đình lớn… Đến năm 2020, 40% dân số Việt Nam trên tổng số khoảng 100 triệu dân sẽ sống ở khu vực đô thị. Như vậy, theo tính toán của Bộ Xây dựng, thời điểm hiện nay, tại các khu vực đô thị cả nước có hơn 1,7 triệu người khó khăn về nhà ở và 1,7 triệu công nhân có nhu cầu ổn định chỗ ở.

Nguyên nhân khó khăn nhất trong quá trình triển khai các dự án NƠXH này được chỉ ra đó là, các nguồn vốn hỗ trợ cho người thu nhập thấp từ ngân sách còn hạn chế. Mặc dù, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về NƠXH đã từng bước được bổ sung, hoàn thiện về cơ bản đã hình thành khung pháp lý tương đối đầy đủ và đồng bộ để điều chỉnh việc phát triển NƠXH trong Luật Nhà ở được Quốc hội ban hành năm 2014, nhưng việc phát triển NƠXH, nhất là NƠXH cho công nhân các KCN, nhà ở cho người thu nhập thấp thời gian qua vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế.

Giải pháp căn cơ

Phát triển NƠXH là chủ trương, chính sách đúng đắn, với những đột phá từ quan điểm, tư tưởng, cách thức tiếp cận cho tới giải pháp thực thi, cùng với sự quyết tâm và vào cuộc tích cực của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã đem lại nhiều kết quả quan trọng trong thời gian qua. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, để giải được bài toán NƠXH về lâu dài cần tháo gỡ khó khăn của người mua và chủ đầu tư hiện nay. Về phía người mua, nên thống nhất những quy định về lãi suất cho vay cũng như thời hạn được vay mua NƠXH.

Đối với các DN, cần xem xét lại các quy định pháp luật khi thực hiện đầu tư dự án NƠXH. Rút gọn các thủ tục hành chính và thời gian phê duyệt dự án. Bên cạnh đó, là các chương trình tín dụng hỗ trợ các DN vay vốn ưu đãi để đầu tư xây dựng NƠXH.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng cần nghiên cứu áp dụng hệ thống tài chính nhà ở một cách bền vững, trong đó huy động cả nguồn tài chính xã hội hóa và vốn nước ngoài. Để cải thiện hiệu quả các chính sách NƠXH đòi hỏi phải có số liệu thống kê chính xác nhu cầu thực tế, rà soát các quy định để xác định đúng đối tượng cần hỗ trợ, đảm bảo thực hiện thành công mục tiêu an sinh xã hội của Đảng, Nhà nước. Đẩy mạnh phân khúc NƠXH cho thuê cũng là một trong những định hướng quan trọng, góp phần giải quyết khó khăn về nhà ở cho người thu nhập thấp…

Chiến lược phát triển nhà ở Quốc gia chính thức chạm mốc 2020. Đây sẽ là dấu mốc quan trọng để những nhà hoạch định chính sách nhìn lại những việc đã và đang làm, tiếp tục thực hiện “sứ mệnh” về một chiến lược lớn, nhân văn của đất nước.

Theo https://baoxaydung.com.vn

Linh Anh

 

Tin Liên Quan