Đề xuất cơ chế về tài chính để triển nhà ở xã hội

Ngày đăng: 10-03-2020

(Xây dựng) – Hiệp hội bất động sản thành phố Hồ Chí Minh (Horea) đề xuất một số giải pháp về tài chính nhằm phát triển nhà ở xã hội tại khu vực đô thị.

Một khu nhà ở xã hội vừa túi tiền của nhiều người lao động.

Cấp tín dụng hợp lý

Theo đó, Horea đề nghị Chính phủ bố trí khoảng 1.000 – 2.000 tỷ đồng/năm từ ngân sách Nhà nước để thực hiện chính sách nhà ở xã hội. Bãi bỏ Khoản 2, Điều 33, Nghị định 100/2015/NĐ-CP, để Ngân hàng Chính sách xã hội được cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội vay ưu đãi theo quy định của Luật Nhà ở 2014 và Điều 15 Nghị định 100/2015/NĐ-CP. Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn cơ chế giải quyết trường hợp căn hộ nhà ở xã hội của dự án đã bị chủ đầu tư thế chấp tại ngân hàng thương mại khác, nhưng đối tượng nhà ở xã hội muốn được vay ưu đãi để mua căn hộ nhà ở xã hội này tại Ngân hàng Chính sách xã hội.

Khi Nhà nước chưa bố trí được nguồn vốn ngân sách để thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi nhà ở xã hội, các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội và cả người mua, thuê mua nhà ở xã hội đều phải vay tín dụng thương mại với lãi suất khá cao (khoảng 9%/năm) như thực tế của 03 năm qua. Do đó, đề nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại thực hiện “Chương trình kết nối ngân hàng với doanh nghiệp”, xem xét triển khai hoạt động cấp tín dụng thương mại với lãi suất hợp lý cho chủ đầu tư các dự án nhà ở xã hội và người mua, thuê mua nhà ở xã hội.

Cho phép người có nhu cầu mua, thuê mua nhà ở xã hội có thể lựa chọn thực hiện trước việc gửi tiết kiệm hàng tháng (tối thiểu đủ 12 tháng gửi tiết kiệm), hoặc có thể lựa chọn gửi tiết kiệm hàng tháng kể từ ngày ký hợp đồng tín dụng mua, thuê mua nhà ở xã hội. Thống nhất một chính sách về tiết kiệm nhà ở xã hội và lãi suất vay mua nhà ở xã hội tại Ngân hàng Chính sách xã hội và tại các ngân hàng thương mại do Ngân hàng Nhà nước chỉ định.

Ngân hàng Chính sách xã hội ấn định mức gửi tiết kiệm nhà ở xã hội cố định hàng tháng, có thể ở mức không quá 01 triệu đồng để dễ thực hiện và phù hợp với khả năng tài chính của người có thu nhập thấp đô thị vì với quy định hiện nay khách hàng là hộ gia đình, cá nhân khi vay vốn ưu đãi phải thực hiện gửi tiết kiệm với “Mức gửi hàng tháng tối thiểu bằng mức trả nợ hàng tháng của người vay vốn” sẽ dẫn đến mức gửi tiết kiệm khác nhau do giá mua nhà ở xã hội khác nhau, bởi lẽ có căn hộ 1 hoặc 2 phòng ngủ.

Quy định thời hạn cho vay nhà ở xã hội trong từng thời kỳ, tối thiểu là 20 năm và kiến nghị quy định ân hạn chưa phải trả nợ gốc (hoặc lãi vay), để thực hiện thống nhất tại Ngân hàng Chính sách xã hội và các tổ chức tín dụng được Ngân hàng Nhà nước chỉ định.

Quy hoạch nhà có giá vừa túi tiền

Bên cạnh đó, đề nghị Bộ Xây dựng trình Chính phủ quy định khoản tiền đặt cọc thuê nhà ở xã hội chỉ bằng 01 đến 03 tháng tiền thuê nhà, như thông lệ ngoài xã hội để giảm bớt gánh nặng cho người thuê nhà ở xã hội.

Các Sở Quy hoạch Kiến trúc, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên Môi trường trình UBND thành phố Hồ Chí Minh phê duyệt quy hoạch phát triển nhà ở xã hội, nhà ở thương mại vừa và nhỏ có giá vừa túi tiền (trong đó có khoảng 30% là loại căn hộ nhỏ có diện tích dưới 45m2 ở một số quận ven và các huyện ngoại thành), tại các khu đô thị vệ tinh theo quy chuẩn xây dựng của Bộ Xây dựng dành cho người có thu nhập trung bình, người có thu nhập thấp đô thị và đối tượng thụ hưởng nhà ở xã hội trên địa bàn từng quận, huyện, hoặc cụm nhà ở xã hội theo khu vực có tính liên quận.

Cho phép tất cả các chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại đều được lựa chọn 01 trong 03 phương thức để thực hiện nghĩa vụ nhà ở xã hội: Xây dựng nhà ở xã hội tại dự án; Hoán đổi quỹ đất hoặc quỹ nhà ở xã hội có giá trị tương đương tại vị trí khác; Hoặc thanh toán bằng tiền, tùy theo điều kiện của từng dự án cụ thể do UBND cấp tỉnh xem xét quyết định. Nguồn tiền thu được này sẽ được đầu tư vào các dự án phát triển nhà ở xã hội theo quy hoạch của địa phương.

Sửa đổi, bổ sung chính sách thế chấp, cho thuê, chuyển nhượng nhà ở xã hội sau khi mua, theo đó, người mua, thuê mua nhà ở xã hội được thế chấp nhà sau khi đã có sổ đỏ, được cho thuê lại, cho mượn nhà ở sau khi đã sử dụng nhà tối thiểu 05 năm kể từ ngày được giao nhà. Bãi bỏ quy định “bên bán căn hộ nhà chung cư phải nộp cho Nhà nước 50% giá trị tiền sử dụng đất được phân bổ cho căn hộ đó; trường hợp bán nhà ở xã hội thấp tầng liền kề phải nộp 100% tiền sử dụng đất, tính theo giá đất do UBND cấp tỉnh ban hành tại thời điểm bán nhà ở”, để cho bên bán nhà được hưởng đủ chính sách phúc lợi nhà ở xã hội một lần trong đời, nhất là đối với những trường hợp đã sử dụng nhà ở xã hội tối thiểu 10 năm và đã có sổ đỏ. Sửa đổi, bổ sung Khoản 3, Điều 53, Luật Nhà ở 2014 theo hướng cho phép doanh nghiệp được đầu tư phát triển nhà ở xã hội dạng phòng trọ, nhà trọ để cho thuê.

Trên cơ sở đó, đề nghị Bộ Xây dựng sửa đổi, bổ sung Thông tư 20/2016/TT-BXD theo hướng cho phép doanh nghiệp được đầu tư phát triển nhà ở xã hội dạng phòng trọ, nhà trọ để cho thuê, Bộ Tài chính hướng dẫn việc quản lý, sử dụng nguồn vốn ngân sách thu được từ quỹ đất 20% tại các dự án nhà ở thương mại, chỉ dành để phát triển nhà ở xã hội.

Ngoài ra, Horea cũng đề nghị Chính phủ cho phép UBND thành phố Hồ Chí Minh xem xét, chấp thuận đầu tư tất cả các dự án nhà ở xã hội bởi hiện nay, tất cả dự án nhà ở từ 2.500 căn trở lên, kể cả dự án nhà ở xã hội đều phải trình Bộ Xây dựng, Chính phủ chấp thuận đầu tư.

Thanh Nga

Tin Liên Quan