(Xây dựng) – Quy trình đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án PPP trong Dự thảo Luật PPP gần như đã sao chép lại nội dung một số điều khoản trong Luật Đấu thầu, chỉ thay thế từ “nhà thầu” bằng từ “nhà đầu tư”.
Theo Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA), không cần quy định quy trình đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án PPP trong Dự thảo Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), dự án đổi đất lấy hạ tầng (dự án BT) theo hình thức Hợp đồng BT không thuộc đối tượng điều chỉnh của Luật PPP.
Cần thống nhất với Luật Đấu thầu
So sánh, đối chiếu quy định về đấu thầu lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư giữa Luật Đấu thầu và Dự thảo Luật PPP cho thấy, quy trình đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án PPP trong Dự thảo Luật PPP gần như đã sao chép lại nội dung một số điều khoản trong Luật Đấu thầu, chỉ thay thế từ “nhà thầu” bằng từ “nhà đầu tư”.
Mặt khác, về quy định này, Dự thảo Luật PPP chỉ có 15 điều, trong lúc Luật Đấu thầu có 96 điều nên các quy phạm pháp luật về đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án PPP trong Dự thảo Luật PPP không thể đầy đủ so với Luật Đấu thầu.
Bên cạnh đó, Dự thảo Luật PPP đã loại bỏ “dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP)” ra khỏi Luật Đấu thầu, là không logic và không hợp lý. Bởi, trong quá trình thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án PPP theo Dự thảo Luật PPP, nếu phát sinh những tình huống, sự cố phải vận dụng theo pháp luật về đấu thầu, thì giữa Luật PPP và Luật Đấu thầu sẽ thiếu sự liên thông.
Theo HoREA, Luật Đấu thầu là luật hình thức, luật thủ tục, còn Luật PPP là luật nội dung, thì quy trình đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án PPP áp dụng Luật Đấu thầu là phù hợp. Do đó, HoREA kiến nghị không quy định quy trình đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án PPP trong Dự thảo Luật PPP mà nên thống nhất với các quy định trong Luật Đấu thầu.
Dự án BT không thuộc đối tượng điều chỉnh
HoREA cho biết, dự án BT không hoàn toàn trùng khớp với loại hình dự án PPP. Dự án BT cũng là dự án thực hiện chủ trương xã hội hóa đầu tư bằng hình thức Hợp đồng BT, nhưng có sự khác biệt với các loại hợp đồng PPP khác. Dự án PPP được thực hiện trên cơ sở hợp tác có thời hạn giữa Nhà nước và nhà đầu tư tư nhân.
Trong lúc, dự án BT được thực hiện trên cơ sở nhà đầu tư xây dựng công trình hạ tầng. Sau khi hoàn thành công trình, nhà đầu tư chuyển giao công trình đó cho cơ quan ký kết hợp đồng và được cơ quan ký kết hợp đồng thanh toán bằng quỹ đất, trụ sở làm việc, tài sản kết cấu hạ tầng hoặc quyền kinh doanh, khai thác công trình, dịch vụ để thực hiện dự án khác.
Trong dự án BT, nhà đầu tư bỏ tiền ra trước để thực hiện công trình BT và được Nhà nước thanh toán lại sau, khi công trình BT được nghiệm thu bàn giao, tương tự như kiểu “Hợp đồng nhận thầu trọn gói, Hợp đồng nhận thầu khoán gọn”. Trong dự án BT chỉ có yếu tố “thanh toán”, mà không có yếu tố “hợp tác” như trong dự án PPP.
Trong dự án PPP, Nhà nước và nhà đầu tư là hai đối tác bình đẳng, hợp tác có thời hạn để thực hiện dự án PPP, cùng chia lợi nhuận, cùng chia sẻ rủi ro, nhất là trong trường hợp dự án bị giảm doanh thu trong quá trình khai thác, quản lý vận hành.
Trong dự án BT, Nhà nước thanh toán giá trị Hợp đồng BT cho nhà đầu tư theo nguyên tắc “ngang giá”, theo kiểu “mua đứt bán đoạn”. Nhà đầu tư dự án BT bán công trình BT cho Nhà nước, Nhà nước mua công trình BT và thanh toán cho nhà đầu tư bằng tài sản công, theo phương thức trao đổi hàng hóa thô sơ “vật đổi vật, hàng đổi hàng”.
Việc lựa chọn nhà đầu tư dự án BT đã được quy định tại khoản 4 Điều 44 Luật Quản lý sử dụng tài sản công, “thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu”. Do vậy, Dự thảo Luật PPP quy định quy trình, hình thức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án BT là không thống nhất với Luật Quản lý sử dụng tài sản công.
Theo Thanh Nga/baoxaydung.com