Vừa qua, Công đoàn Xây dựng Việt Nam đã có quyết định chi thăm hỏi, hỗ trợ đoàn viên công đoàn Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (Lilama) bị ảnh hưởng bởi dịch Covid – 19 (đợt 1) với số tiền 294,4 triệu đồng.
Ông Lê Đình Khanh – Chủ tịch Công đoàn Tổng công ty (bên phải) trao số tiền thăm hỏi, hỗ trợ đoàn viên công đoàn cho ông Ngô Anh Đức – Chủ tịch Công đoàn cơ quan Tổng công ty
Công đoàn Tổng công ty Lắp máy Việt Nam tiếp nhận nguồn hỗ trợ của Công đoàn Xây dựng Việt Nam và trao cho công đoàn cơ sở để chuyển đến người lao động đang bị ảnh hưởng bởi dịch Covid -19.
Theo lãnh đạo Công đoàn Xây dựng Việt Nam, đối tượng được hưởng thăm hỏi, hỗ trợ đợt này là đoàn viên công đoàn gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid – 19, không được hưởng chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 68/2021/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính Phủ, Quyết định 23/2021/QĐ-TTg ngày 7/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ, không được hỗ trợ khẩn cấp theo văn bản số 243/CDXD-CSPL ngày 26/5/2021 và văn bản số 346/CDXD-CSPL ngày 16/8/2021 của Công đoàn Xây dựng Việt nam. Cụ thể, đoàn viên công đoàn phải tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương, ngừng việc, làm việc luân phiên; đoàn viên công đoàn đang thực hiện ăn, ở tại nơi tập trung và đưa đón đến nơi làm việc (2 địa điểm một cung đường).
Ông Lê Đình Khanh – Chủ tịch Công đoàn Tổng công ty Lắp máy Việt Nam cho biết: căn cứ văn bản chỉ đạo của Công đoàn Xây dựng Việt Nam, Công đoàn Tổng công ty Lắp máy Việt Nam đã có văn bản triển khai đến công đoàn cơ sở lập danh sách đoàn viên công đoàn cần được hỗ trợ. Theo đó danh sách đợt này có 773 lao động được Công đoàn Xây dựng Việt nam thăm hỏi,hỗ trợ; trong đó số lao động đang làm việc tại Công đoàn Cơ quan Tổng công ty 264 người (BDA điện Long Phú 1 – Lilama, BDA Vân Phong 1 – Lilama, BDA điện Sông Hậu 1 – Lilama, BDA hoá dầu Long Sơn – Lilama, Chi nhánh Công ty ĐTPT Khu công nghiệp Bắc Vinh) và Công đoàn Công ty CP Lilama 18 là 509 người.
Ông Lê Đình Khanh cho biết thêm, từ thời điểm dịch Covid – 19 bùng phát, Công đoàn các cấp đã có nhiều văn bản chỉ đạo và Công đoàn Tổng công ty đã triển khai đến các Công đoàn cơ sở để thực hiện các hoạt động chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đoàn viên, người lao động. Tính đến thời điểm này, hơn 1.000 đoàn viên, người lao động của Tổng công ty Lilama bị ảnh hưởng bởi dịch Covid – 19 đã được hỗ trợ.
Một trong những hoạt động xuyên suốt của Công đoàn Tổng công ty Lilama trong thời gian dịch covid – 19 bùng phát là hỗ trợ nâng cao chất lượng bữa ăn cho đoàn viên công đoàn tại các công đoàn cơ sở thuộc Lilama đang tổ chức sản xuất kinh doanh “3 tại chỗ”.
Vào thời điểm tháng 6/2021, Công ty CP Lilama 69-1 tổ chức hoạt động sản xuất “3 tại chỗ” tại nhà máy chế tạo tại Bắc Ninh. Công đoàn Tổng công ty đã kịp thời hỗ trợ 2 tấn gạo và 100 lít dầu ăn nhằm nâng cao chất lượng bữa ăn cho 175 đoàn viên người lao động đang làm việc tại đây.
Tháng 8/2021, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đã ban hàng quyết định số 3089/QĐ-TLĐ về việc hỗ trợ bữa ăn cho người lao động đang thực hiện “3 tại chỗ”. Trên cơ sở đó, Công đoàn Tổng công ty đã triển khai xuống công đoàn cơ sở để thực hiện. Căn cứ các tiêu chí, đối tượng được hưởng, đến nay Công đoàn Tổng công ty đã duyệt chi hỗ trợ bữa ăn cho 150 đoàn viên người lao động của Công ty cổ phần Lilama 18 đang thực hiện “3 tại chỗ” tại Nhà máy chế tạo kết cấu thép và thiết bị cơ khí, mức chi hỗ trợ 1 triệu đồng/người. Số tiền hỗ trợ này được Công đoàn cơ sở phối hợp với Doanh nghiệp tổ chức bữa ăn cho người lao động theo chính sách chung của doanh nghiệp chứ không chi trực tiếp cho người lao động.
Ngoài ra, Công đoàn Tổng công ty đã hỗ trợ kịp thời cho đoàn viên người lao động bị ảnh hưởng bởi Covid – 19 là F0, F1 theo chính sách chung của Tổng liên đoàn lao động Việt nam.
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid 19, để đảm bảo hoàn thành kế hoạch sản xuất kinh doanh, không làm đứt gãy chuỗi cung ứng sản xuất, đảm bảo sức khỏe và an toàn cho người lao động, các đơn vị của Lilama đã thực hiện nhiều biện pháp hiệu quả như: tổ chức sản xuất 2 tại chỗ, 3 tại chỗ (sản xuất tại chỗ, ăn uống tại chỗ và nghỉ ngơi tại chỗ). Tuyên truyền, phổ biến đến toàn bộ Người lao động về các biện pháp phòng, chống dịch và yêu cầu người lao động tuyệt đối tuân thủ thực hiện biện pháp 5K(đeo khẩu trang, khử khuẩn, không tụ tập đông người, giữ khoảng cách khi tiếp xúc và khai báo y tế) và tiêm Vacxin Covid – 19; bắt buộc đeo khẩu trang nơi công cộng và không tụ tập đông người. Bên cạnh đó, luôn xây dựng, tổ chức biện pháp, dây chuyền thi công phù hợp, đảm bảo công tác phòng, chống dịch; vệ sinh công trường sau mỗi ca làm việc; vệ sinh bề mặt máy móc, thiết bị có tiếp xúc trực tiếp với người sử dụng: tẩy rửa, khử khuẩn… với tinh thần “An toàn mới sản xuất, sản xuất phải ai toàn”.