Thủ tục khai thác đất đắp cho công trình hồ chứa thủy lợi

Ngày đăng: 05-01-2023

(Xây dựng) – Theo phản ánh của ông Đặng Khoa Đãm (Phú Yên), công trình hồ chứa thủy lợi, phục vụ tưới tiêu nông nghiệp, cấp nước sinh hoạt đã được HĐND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đầu tư công, sử dụng vốn đầu tư phát triển của ngân sách Nhà nước.

Thủ tục khai thác đất đắp cho công trình hồ chứa thủy lợi
Ảnh minh họa.

Trong quá trình lập hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi dự án thì đơn vị tư vấn đề xuất xây dựng công trình bằng vật liệu địa phương là đất đắp, đơn vị tư vấn đã tiến hành công tác khảo sát, tìm kiếm nguồn vật liệu đất đắp bảo đảm tiêu chuẩn để đắp đập và kết quả là có các khu vực khai thác đất đủ điều kiện để đắp công trình, cụ thể: Có khu vực đất đắp nằm trong phạm vi lòng hồ, khu tưới, hệ thống kênh; Có khu vực đất đắp nằm ngoài phạm vi công trình chiếm đất vĩnh viễn (ngoài phạm vi lòng hồ và ngoài phạm vi khu tưới, hệ thống kênh).

Khi lập hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi dự án thì diện tích sử dụng đất của dự án gồm 2 loại và được cấp quyết định đầu tư phê duyệt, gồm: Diện tích đất sử dụng vĩnh viễn và diện tích đất sử dụng tạm thời (ngoài phạm vi các công trình chiếm chỗ: Đầu mối, hệ thống kênh).

Ông Đãm hỏi, vậy các khu vực khai thác đất để đắp công trình nêu trên có phải là thực hiện theo Điểm a Khoản 2, Khoản 3 Điều 64 Luật Khoáng sản 2010 hay không? Chỉ cần thực hiện thủ tục đánh giá tác động môi trường của dự án, thực hiện thu hồi đất và đăng ký trữ lượng, công suất thiết bị… đóng thuế, phí tài nguyên và tiền cấp quyền khai thác khoảng sản là đủ điều kiện để thực hiện khai thác đất để phục vụ riêng cho dự án đó có đúng không?

Các khu vực đất đắp nằm ngoài phạm vi công trình chiếm đất vĩnh viễn (ngoài phạm vi lòng hồ và ngoài phạm vi khu tưới, hệ thống kênh) phải thực hiện quy trình quy hoạch, cấp phép thăm dò, cấp phép khai thác khoáng sản theo quy định Luật Khoáng sản để phục vụ cho công trình nêu trên có đúng không?

Bộ Tài nguyên và Môi trường trả lời vấn đề này như sau:

Theo thông tin ông Đặng Khoa Đãm cung cấp, có thể nhận thấy nhận định của ông là đúng.

Theo đó, trường hợp đất đào đắp nằm trong khu vực công trình hồ chứa và chỉ khai thác phục vụ riêng cho công trình thì có thể áp dụng quy định tại Điểm a Khoản 2, Khoản 3 Điều 64 Luật Khoáng sản, trước khi tiến hành khai thác phải đăng ký khu vực, công suất, khối lượng, phương pháp, thiết bị và kế hoạch khai thác tại UBND cấp tỉnh và nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản.

Trường hợp khu vực đất đào đắp nằm ngoài phạm vi dự án nếu lấy đất để cung cấp cho dự án thì phải thực hiện quy hoạch, cấp phép theo quy định của pháp luật về khoáng sản.

Ông có thể tập hợp đầy đủ hồ sơ pháp lý liên quan, làm việc với Sở Tài nguyên và Môi trường địa phương để được hướng dẫn cụ thể.

Theo Khánh Hòa/ Báo Xây Dựng

Tin Liên Quan