Đẩy mạnh phát triển du lịch theo chiều sâu, chuyên nghiệp, hiện đại và bền vững, từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn là mục tiêu được đề ra trong Chương trình hành động số 01-Ctr/TU của Tỉnh ủy Hà Tĩnh thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 – 2025. Để phát triển du lịch, điều quan trọng là phải có nền tảng cơ sở hạ tầng đồng bộ như các điểm phục vụ du lịch, cơ sở lưu trú, hệ thống giao thông hoạt động chất lượng, hiệu quả.
Du khách có thể lựa chọn lên chùa Hương bằng đường bộ (đi xe điện) hoặc đường sông (đi thuyền). |
Với tiềm năng, lợi thế sẵn có, nhiều năm qua, cùng với đẩy mạnh xúc tiến đầu tư tại các khu kinh tế trọng điểm, Hà Tĩnh đã xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển du lịch đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030. Theo đó, tỉnh đã chỉ đạo các ngành, địa phương tích cực thu hút đầu tư, củng cố hạ tầng, tập trung phát triển các loại hình sản phẩm du lịch đủ điều kiện để đón du khách. Cùng với việc mở rộng và nâng cấp các tuyến đường ven biển, quốc lộ, Hà Tĩnh đang “trải thảm đỏ” mời gọi các doanh nghiệp phát triển du lịch và thu hút du khách.
Nỗ lực xúc tiến đầu tư phát triển du lịch của Hà Tĩnh thời gian qua đã hình thành được nhiều khu du lịch có điểm nhấn. Tuy nhiên, kết quả đạt được vẫn còn khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng. Đặc biệt, từ kết quả đầu tư phát triển và thực trạng quản lý khai thác du lịch trên địa bàn thời gian qua cho thấy, hoạt động du lịch của tỉnh vẫn còn nhiều bất cập. Đó là công tác quy hoạch và quá trình xúc tiến đầu tư chưa hài hòa, thiếu đồng bộ, kết cấu hạ tầng du lịch manh mún; chất lượng công trình dịch vụ đơn điệu, môi trường du lịch chưa đáp ứng được nhu cầu của du khách, chưa bắt kịp xu thế phát triển hiện đại của nền công nghiệp không khói.
Theo đó, hoạt động khai thác dịch vụ còn hạn chế, chưa có sự kết nối; vấn đề an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, văn hóa kinh doanh tại các điểm du lịch, nhà hàng, khách sạn, các điểm lưu trú vẫn còn nhiều bất cập… Những hạn chế đó đã ảnh hưởng không nhỏ đến cảnh quan môi trường văn hóa du lịch và việc thu hút du khách.
Tại buổi chất vấn giải trình về việc triển khai các nhiệm vụ về lĩnh vực văn hóa còn chậm trễ; giải pháp phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; việc phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận chưa hiệu quả… ông Bùi Xuân Thập – Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Tĩnh cho biết: “Nguồn kinh phí chính sách phát triển du lịch đã được phân bổ để triển khai thực hiện hiệu quả mục tiêu hỗ trợ phát triển du lịch Hà Tĩnh. Trong đó: Chính sách xúc tiến quảng bá: 14,734 tỷ đồng; chính sách đào tạo, tập huấn nguồn nhân lực 1,913 tỷ đồng; chính sách hỗ trợ xây dựng nhà vệ sinh công cộng 380 triệu đồng (điểm du lịch cộng đồng); chính sách hỗ trợ lãi suất 2,266 tỷ đồng”.
Ông Bùi Xuân Thập cũng cho rằng, việc đầu tư cho du lịch ở Hà Tĩnh vẫn còn thiếu đồng bộ, tiềm năng du lịch của tỉnh là có nhưng chưa đủ để thu hút các nhà đầu tư lớn; cơ sở hạ tầng du lịch còn hạn chế. Thời gian tới, giải pháp cần tập trung trọng tâm đó là phát triển sản phẩm du lịch đặc thù; quan tâm tuyên truyền, xúc tiến quảng bá du lịch; phát triển bền vững tài nguyên và môi trường du lịch; xây dựng nguồn nhân lực chuyên nghiệp; chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ…
Nhiều khu du lịch tại Hà Tĩnh được đánh giá cao về tiềm năng khai thác du lịch, tuy nhiên còn tồn tại các vấn đề về cấp đất, cho thuê đất; một số doanh nghiệp chưa đầu tư hiệu quả, nhiều khu đất, nhiều doanh nghiệp được cấp phép cho thuê đất nhưng không thực hiện đúng cam kết đầu tư là nguyên nhân kìm hãm phát triển du lịch Hà Tĩnh.
Du lịch tâm linh là một thế mạnh của Hà Tĩnh. Tuy vậy, công tác quản lý các hoạt động tâm linh và lễ hội chưa tốt. Vừa qua, chúng tôi có dịp đến tham quan, vãn cảnh một số di tích thắng cảnh chùa, đền… thế nhưng sau mỗi chuyến đi đã để lại trong chúng tôi nhiều trăn trở.
Hệ thống cáp treo ở chùa Hương luôn hoạt động hết công suất để phục vụ nhu cầu đi lại của khách thập phương. |
Tại chùa Hương, thái độ của nhân viên bán vé rất “xấc xược” coi thường khách, đến đây du khách phải xếp hàng qua 3 cửa mua 3 loại vé (vé vào cửa, vé xe điện, vé cáp treo), điều này vừa gây trở ngại cho du khách, vừa lãng phí nguồn nhân lực. Nhân viên kiểm soát vé xe điện có thái độ “bỡn cợt” khách nữ, đẩy trách nhiệm kiểm soát vé cho lái xe còn chửi khách… Ngành Văn hóa, Thể thao & Du lịch đã khởi động tuyên truyền chuyển đổi số, đổi mới phương thức quản lý, nhưng với cách quản lý và điều hành hiện tại thì du lịch Hà Tĩnh khó theo kịp thời đại 4.0.
Qua chuyến thực tế mới thấy rằng, sản phẩm du lịch của tỉnh còn manh mún; hệ thống cơ sở hạ tầng, các công trình phụ trợ đang nghèo nàn; công tác quản lý, an ninh trật tự, môi trường văn hóa du lịch còn nhiều bất cập; về việc nhà hàng, quán ăn tự phát tại khu du lịch tâm linh, vứt rác bừa bãi, gây mất mỹ quan và ảnh hưởng tới sự linh thiêng vẫn còn. Hoạt động kinh doanh dịch vụ “mạnh ai nấy được”; hoặc theo kiểu phong trào kinh doanh theo kiểu “chộp giật”, khai thác dịch vụ chưa chú trọng văn hóa ứng xử, có nơi còn xảy ra tình trạng tranh giành, chèo kéo, ép giá khách, trong một khu du lịch có quá nhiều loại phí rườm rà… Ý thức của người dân kinh doanh, buôn bán và phục vụ tại các khu du lịch chưa đáp ứng yêu cầu làm ảnh hưởng đến chất lượng, đánh mất đi niềm tin và thiện cảm của du khách dành cho du lịch tỉnh nhà, tác động tiêu cực trong việc thu hút du khách. Xung quanh các khu di tích vẫn bày bán la liệt các món ăn đường phố như xiên nướng, khoai nướng, bánh rán… chưa đảm bảo an toàn thực phẩm.
Một thực trạng không thể không đề cập đến đó là nguồn nhân lực cho du lịch ở tỉnh không chỉ thiếu mà còn yếu, nên chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Mặc dù theo báo cáo thống kê thì lượng khách du lịch qua hàng năm đều tăng trưởng, nhưng thời gian lưu trú ngắn nên hệ số doanh thu đạt thấp, mức độ sử dụng các dịch vụ hạn chế do thiếu hạ tầng du lịch và các dịch vụ phụ trợ khác. Do đó, việc thu ngân sách từ hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh ta thời gian qua chưa nhiều, nếu không muốn nói là không đáng kể bởi hiệu quả đưa lại từ hoạt động này rất thấp khi chưa phát huy được tiềm năng, lợi thế nguồn lực du lịch vốn có.
Thiết nghĩ, để khai thác triệt để tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch, trước hết cần phải có các giải pháp đồng bộ trong chỉ đạo thực hiện, quản lý điều hành. Theo đó, quy hoạch tổng thể và quy hoạch chi tiết các khu du lịch trọng điểm phải trên cơ sở khoa học, có tính khả thi cao, đảm bảo tính bền vững; vận dụng đúng đắn các chính sách đã được ban hành, chính sách ưu đãi thu hút đầu tư, huy động mọi nguồn lực phát triển du lịch – dịch vụ theo hướng xã hội hóa; tập trung củng cố hạ tầng kỹ thuật, giao thông, điện, nước, rác thải, viễn thông, các công trình dịch vụ, các điểm vui chơi giải trí, đặc biệt chú trọng phát triển hạ tầng xã hội, đáp ứng toàn diện nhu cầu vật chất và tinh thần.
Đồng thời, để xây dựng du lịch Hà Tĩnh thành du lịch văn hóa cần phải làm tốt công tác quản lý, giám sát hoạt động khai thác dịch vụ, giá cả, văn hóa phục vụ. Tại các điểm du lịch, nên huy động công đức theo kiểu tập trung, áp dụng phương án thu phí trọn gói công khai, minh bạch, tránh thất thoát nguồn thu. Đặc biệt, kịp thời tăng cường kiểm soát, chấn chỉnh việc chấp hành các quy định của Nhà nước về vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, đảm bảo an ninh trật tự, phòng chống tệ nạn xã hội và tăng cường bảo vệ môi trường du lịch, tránh xảy ra những sự việc đáng tiếc.
Mong rằng, thời gian tới, hoạt động du lịch sẽ được sắp xếp, chấn chỉnh và tiếp tục được đầu tư, phát triển theo hướng bền vững để hội nhập.
Theo Uyên Uyên/Báo Xây dựng