Ô nhiễm môi trường, lời giải từ quy hoạch đô thị

Ngày đăng: 15-04-2025

Quy hoạch đô thị đóng vai trò then chốt trong việc kiểm soát và giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Việc quy hoạch khoa học, hợp lý sẽ giúp hạn chế tác động tiêu cực của đô thị hóa, hướng tới một Hà Nội xanh, sạch, đáng sống.

Quy hoạch chưa theo kịp đô thị hóa

Hà Nội đang đối diện với nhiều vấn đề ô nhiễm môi trường nghiêm trọng do sự phát triển đô thị nhanh chóng và áp lực dân số gia tăng. Tốc độ công nghiệp hóa và đô thị hóa không đi kèm với sự phát triển đồng bộ về cơ sở hạ tầng và quản lý môi trường đã làm gia tăng các loại ô nhiễm, ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe người dân và sự phát triển bền vững của Thành phố. Trong đó, ô nhiễm không khí, ô nhiễm nước, ô nhiễm rác thải rắn là những vấn đề nổi cộm.

Ô nhiễm môi trường, lời giải từ quy hoạch đô thị- Ảnh 1.

TP Hà Nội có tốc độ đô thị hóa nhanh chóng.

Theo PGS.TS Lưu Thế Anh, Viện trưởng Viện Tài nguyên và Môi trường (Đại học Quốc gia Hà Nội), nguyên nhân chính gây ra những thách thức môi trường chủ yếu là do chúng ta chưa thực hiện kiểm kê đầy đủ, kiểm soát hiệu quả các nguồn thải phát sinh trên địa bàn Thủ đô Hà Nội; đặc biệt là công tác thu gom, xử lý các loại chất thải phát sinh từ sinh hoạt, làng nghề, chăn nuôi, y tế…

Bên cạnh đó, hệ thống cơ sở hạ tầng đô thị, đặc biệt là hạ tầng thu gom và xử lý nước thải sinh hoạt chưa được đầu tư xây dựng đồng bộ, trong khi lượng nước thải sinh hoạt ngày một tăng. Việc lập và triển khai quy hoạch phát triển Thủ đô thiếu các giải pháp bảo vệ môi trường khả thi.

Đồng thời, tình trạng phát triển nhanh số lượng phương tiện giao thông cá nhân, trong khi hạ tầng, đặc biệt là hệ thống giao thông công cộng chưa đáp ứng được yêu cầu, dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông nghiêm trọng trên diện rộng.

Trong một báo cáo khoa học mới đây, GS.TS Phạm Ngọc Đăng, Phó chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam thống kê, tổng dân số của Hà Nội vào năm 2024 khoảng 10 triệu người (bao gồm thường trú và khách vãng lai). Từ năm 2008-2024, dân số tăng 36,4%; GDP tăng tăng 4,75 lần. Từ năm 2015-2024, số lượng xe máy tăng 27,6% (nay là 7 triệu xe máy); số lượng xe ô tô tăng 2,6 lần (nay là 1,1 triệu ô tô).

“Vì tốc độ đô thị hóa của TP Hà Nội quá nhanh đã tạo ra các nguồn thải ô nhiễm môi trường rất lớn, vượt quá khả năng tự làm sạch của môi trường tự nhiên và cũng vượt quá khả năng xử lý nhân tạo”, GS.TS Phạm Ngọc Đăng nhấn mạnh.

TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cũng cho rằng, một nguyên nhân nữa dẫn tới tình trạng ô nhiễm môi trường hiện nay đó là vấn đề quy hoạch cây xanh. Trong khu vực nội đô, diện tích cây xanh đang ở mức thấp chỉ khoảng 5m2/người.

Thời gian qua, TP Hà Nội mới chỉ chú trọng cải tạo các công viên cũ, chưa tập trung xây dựng các công viên mới, đặc biệt là công viên cấp Thành phố và khu vực. Chưa có sự giám sát các mô hình phát triển đô thị mới theo quy hoạch; cho nên, tại nhiều khu đô thị mới, khu vực dự kiến dành cho cây xanh nhưng lại sử dụng cho mục đích dịch vụ thương mại.

Ô nhiễm môi trường, lời giải từ quy hoạch đô thị- Ảnh 2.

Cần chú trọng vào việc gia tăng cây xanh đô thị.

Cụ thể hóa những định hướng trong quy hoạch

Theo Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội, quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 đã được Thủ tướng phê duyệt, xác định các chỉ tiêu tổng quát trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Theo TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, quy hoạch và đồ án điều chỉnh quy hoạch lần này đã đề ra những chỉ tiêu cụ thể và tổ chức không gian mới. Nhưng, đây mới chỉ là những định hướng lớn, còn tổ chức thực hiện, xây dựng hệ thống quy hoạch chi tiết thì cơ quan quản lý đang trong quá trình nghiên cứu, chưa có đề xuất cụ thể.

TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm nhắc lại Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng phê duyệt năm 2011, Thủ đô Hà Nội được định hướng phát triển theo mô hình chùm đô thị gồm khu vực đô thị trung tâm, 5 đô thị vệ tinh. Tuy nhiên, những định hướng này vẫn chưa được triển khai hiệu quả.

“Vì vậy, những quy hoạch mới được phê duyệt đã đặt ra những định hướng chung, chúng ta phải sớm cụ thể hóa bằng những quy hoạch phân khu, chi tiết; kiên quyết trong tổ chức thực hiện, lúc đó mới tạo nên một Hà Nội đáng sống, đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội”, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm nhấn mạnh.

Các chuyên gia cũng nhận định, để đạt được mục tiêu phát triển bền vững, cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa chính quyền, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư. Trong đó, chính quyền Thành phố với vai trò nòng cốt, cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống quy hoạch đô thị, đảm bảo yếu tố môi trường được tích hợp vào mọi quyết định phát triển hạ tầng.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng đóng vai trò quan trọng trong việc áp dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất và xây dựng, từ đó giảm thiểu lượng khí thải, nước thải và rác thải công nghiệp. Cần hợp tác với chính quyền trong các dự án môi trường như hệ thống quan trắc không khí, nước thải và ứng dụng công nghệ số trong quản lý môi trường đô thị.

Người dân cần nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường thông qua việc sử dụng phương tiện giao thông công cộng, phân loại rác tại nguồn, tiết kiệm nước và năng lượng. Tham gia tích cực vào các chương trình cộng đồng như “Ngày Chủ nhật xanh”, “Giảm rác thải nhựa”, “Trồng một triệu cây xanh” để góp phần bảo vệ môi trường đô thị.

Theo Tiến Hào/baoxaydung.vn

https://baoxaydung.vn/o-nhiem-moi-truong-loi-giai-tu-quy-hoach-do-thi-192250415131508051.htm

Tin Liên Quan