(Xây dựng) – Ngày 05/01, Ban quản lý dự án (BQLDA) “Tăng cường sản xuất và sử dụng gạch không nung ở Việt Nam” đã nghiệm thu gói thầu hỗ trợ kỹ thuật để nâng cao chất lượng và giảm giá thành sản phẩm gạch bê tông của Cty TNHH Vật liệu Bata, tỉnh Hà Nam (gói thầu). Dự án do Bộ Khoa học và Công nghệ là cơ quan chủ quản, Bộ Xây dựng là cơ quan đồng thực hiện, với sự hỗ trợ của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) và Quỹ Môi trường toàn cầu. Gói thầu do các chuyên gia thuộc Viện Nghiên cứu và Ứng dụng Vật liệu xây dựng (VLXD) Nhiệt đới (Trường Đại học Xây dựng) thực hiện.
BQLDA và Cty TNHH VLXD Bata đánh giá cao chất lượng triển khai gói thầu của nhóm tư vấn thuộc Viện Nghiên cứu và ứng dụng VLXD nhiệt đới.
Hoàn thiện công nghệ sản xuất gạch không nung bê tông
Cty TNHH Vật liệu Bata (Bata) thuộc Tập đoàn AMACCAO, có Nhà máy gạch không nung (GKN) Bata sản xuất GKN bê tông với công suất 40 triệu viên quy chuẩn/năm. Nhà máy sử dụng công nghệ rung ép, hiện đại, tự động hóa khâu cấp và định lượng phối liệu.
Tại nhà máy, gói thầu triển khai hai nhiệm vụ. Một là tính toán, lựa chọn phối liệu đầu vào cũng như tính toán phối liệu tối ưu, nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm giá thành, tăng tính cạnh tranh của sản phẩm. Hai là hỗ trợ kỹ thuật cho nhà máy để hoàn thiện công nghệ sản xuất; chuẩn bị tài liệu nhằm tổ chức đào tạo cho cán bộ, công nhân nhà máy để nâng cao trình độ, năng lực quản lý, khả năng kiểm tra, đánh giá, bảo đảm chất lượng sản phẩm…
TS. Tống Tôn Kiên (chuyên gia Viện Nghiên cứu và Ứng dụng VLXD Nhiệt đới) cho biết: Trong thời gian thực hiện gói thầu, nhóm tư vấn đã khảo sát, đánh giá hiện trạng phương pháp, quy trình quản lý số lượng, chất lượng nguyên liệu đầu vào, phối liệu, chất lượng sản phẩm và quản lý chất lượng sản phẩm…, cũng như quy trình quản lý chất lượng sản phẩm. Trên cơ sở đó, nhóm đưa ra các đề xuất, giúp Bata hoàn thiện hơn về quy trình công nghệ, thiết kế tối ưu cấp phối liệu nhằm bảo đảm chất lượng sản phẩm ổn định và hạ giá thành sản phẩm. Cụ thể, nhóm tư vấn đã xây dựng cấp phối liệu tối ưu, tăng 3-5% lượng tro bay và giảm 8-10% lượng xi măng so với cấp phối trước đó…
BQLDA và nhóm tư vấn cùng lãnh đạo Bata trao đổi chuyên môn ngay tại nhà máy.
Nhóm tư vấn cũng đã tập huấn, đào tạo cho các cán bộ quản lý, kỹ thuật, kinh doanh và vận hành thiết bị, giúp người học nắm vững những kiến thức cơ bản về vật liệu gạch bê tông, công nghệ sản xuất, biết cách xác định các tính chất sản phẩm…
Nhóm tư vấn luôn bám sát, giúp đỡ doanh nghiệp nâng cao khả năng chuyên môn hóa, tăng cường năng lực sản xuất vật liệu nói chung, tạo tiền đề phát triển các loại vật liệu xanh, phát thải ít khí nhà kính trong tương lai. Đề xuất cấp phối liệu tối ưu của nhóm đã được nhà máy ứng dụng vào sản xuất, đem lại hiệu quả kinh tế thiết thực.
TS. Tống Tôn Kiên cũng chia sẻ một số kinh nghiệm đáng quý trong quá trình thực hiện dự án. Theo đó, tất cả các nhiệm vụ của gói thầu dự án đều có sự bàn bạc thống nhất giữa ba bên, gồm, nhóm tư vấn và doanh nghiệp. Các thông tin, kết quả đạt được của dự án đều được công khai, minh bạch, trung thực, tạo niềm tin cho doanh nghiệp vào chuyên gia tư vấn cũng như BQLDA.
Nhà máy Bata hoàn thiện và làm chủ công nghệ sản xuất GKN và ứng dụng hiệu quả cấp phối của nhóm tư vấn vào thực tiễn sản xuất.
Ứng dụng cấp phối giúp sản phẩm chất lượng cao, giá thành hạ
Cũng ngay tại chương trình nghiệm thu, ông Nguyễn Bá Vinh (thành viên BQLDA) đã trực tiếp kiểm tra kiến thức đã qua đào tạo từ các cán bộ, công nhân kỹ thuật của nhà máy. Họ cho biết: Sau khi nắm được các nguyên lý cơ bản về đặc tính nguyên liệu, công nghệ và quy trình sản xuất GKN, trong trường hợp nếu lãnh đạo Bata yêu cầu tính toán một cấp phối khác, họ cũng có thể thực hiện được.
Một thành viên khác của BQLDA, ông Võ Quang Diệm cũng góp ý cho nhóm tư vấn nhằm hoàn thiện báo cáo tổng kết dự án. Ông Diệm đánh giá: Cấp phối tối ưu mà nhóm tư vấn đề xuất rất có giá trị thực tiễn. Bởi việc tăng lượng tro bay (chất thải từ các nhà máy nhiệt điện) và giảm lượng xi măng trong cấp phối vừa giúp giảm phát thải khí CO2, góp phần bảo vệ môi trường, vừa giúp hạ giá thành sản phẩm, đem lại lợi ích kinh tế cho doanh nghiệp.
Giám đốc nhà máy Bata Trương Quang Trường cho biết: Nhà máy rất phấn khởi khi được dự án hỗ trợ xây dựng các quy trình vận hành, bảo dưỡng dây chuyền sản xuất gạch, được chuyển giao cấp phối tối ưu. Nhà máy đã rất tin tưởng, tích cực phối hợp với tư vấn trong việc lựa chọn vật liệu, xây dựng cấp phối và quy trình sản xuất chuẩn, quy trình kiểm soát chất lượng phù hợp với điều kiện công nghệ của nhà máy.
Theo ông Trường, trước đó, các cán bộ, công nhân kỹ thuật của nhà máy mới chỉ có kinh nghiệm thực hành, làm việc theo thói quen nhưng thiếu hiểu biết căn bản về nguyên lý, đặt tính của vật liệu, chưa hiểu cặn kẽ về cấp phối vật liệu, quy trình sản xuất GKN cũng như những đặc tính ưu việt của GKN. Chính vì vậy, trong quá trình vận hành, máy móc thiết bị nhanh hỏng hơn. Giá thành sản phẩm cao hơn. Sau khi tham gia khóa đào tạo do BQLDA và nhóm chuyên gia tổ chức ngay tại chỗ, giờ đây, các cán bộ và công nhân của nhà máy đã có nhận thức tốt hơn. Họ làm chủ thiết bị, làm chủ công nghệ, hiểu rõ hiện trạng, năng lực thực tế, lợi thế cạnh tranh của nhà máy.
Đặc biệt, nhà máy đánh giá cao cấp phối tối ưu do nhóm tư vấn đề xuất và đã tin tưởng ứng dụng dụng vào quy trình sản xuất. Tuy nhiên, để bảo đảm an toàn tuyệt đối về chất lượng sản phẩm, giữ vững thương hiệu của Bata trên thị trường, nhà máy vẫn để cấp phối có hàm lượng xi măng cao hơn cấp phối tối ưu của nhóm tư vấn một chút. Sản phẩm gạch bê tông sản xuất theo cấp phối tối ưu đạt ổn định theo tiêu chuẩn TCVN 6477:2016, giá thành hợp lý, đảm bảo tính cạnh tranh cao.
Ông Trường đề nghị nhóm tư vấn tiếp tục bàn giao, cung cấp hồ sơ quy trình sản xuất và cấp phối cho nhà máy. Đồng tình với quan điểm trên, ông Võ Quang Diệm đề nghị nhóm tư vấn tiếp tục hoàn thiện quy trình sản xuất GKN với cấp phối tối ưu. Dự án sẽ tổng kết các bài học kinh nghiệm để từ đó nhân rộng trong các cơ sở sản xuất GKN trong cả nước…
Sau cùng, 3 bên gồm BQLDA, nhóm tư vấn và doanh nghiệp chính thức nghiệm thu gói thầu.