Khó xác định hành vi sản xuất, kinh doanh rượu thủ công
Bà Chu Thị Vân Anh – Phó Chủ tịch Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam (VBA) khẳng định, lượng tiêu thụ rượu bia trong mỗi dịp Tết sẽ tăng lên, kéo theo những hoạt động sản xuất, kinh doanh (SXKD) vi phạm pháp luật trong dịp này sẽ nhiều hơn. Do đó, việc kiểm soát SXKD bia, rượu dịp Tết phải tiến hành chặt chẽ hơn bởi những sản phẩm thủ công không rõ nguồn gốc xuất xứ, không nhãn mác, nồng độ methanol vượt ngưỡng cho phép, sản phẩm rượu nhập khẩu không đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm (ATTP) ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng, gây tổn thất kinh tế, ngân sách Nhà nước, ảnh hưởng đến những doanh nghiệp (DN) hoạt động chân chính.
Ông Nguyễn Đức Lê – Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) cho rằng, việc xử lý đối với những hành vi vi phạm trong việc SXKD rượu đang còn có một số bất cập, mặc dù đã có những văn bản pháp luật mới quy định một cách rất chặt chẽ và các hình phạt cũng đã đủ sức răn đe. Trong đó, khó nhất là kiểm soát sản xuất rượu thủ công. Bởi vì, rất khó chứng minh những người nấu rượu thủ công có nhằm mục đích để kinh doanh hay không.
“Thực tế, chúng tôi đã gặp tình huống khó xử khi xác định người nấu rượu để kinh doanh hay chỉ nấu để uống. Vì họ phân trần, họ nấu để uống, rồi có hàng xóm sang đề nghị để lại cho người ta hoặc trao đổi bằng một con gà. Đấy đã được coi là một hành vi mua bán kinh doanh rồi” – ông Lê chia sẻ. Do đó, người nấu rượu phải chịu sự điều chỉnh pháp luật. Tuy nhiên, nếu mức phạt cao quá thì người dân lại không thực hiện được, nếu mà thấp quá thì lại không đủ sức răn đe, dẫn đến việc văn bản của pháp luật đang bị “giằng xé” trong thực tiễn trong việc triển khai.
Bên cạnh đó, QLTT cũng kiểm soát chặt chẽ hơn trong việc kinh doanh rượu vì trong số sản phẩm kinh doanh có nguồn rượu nhập khẩu. Quá trình kiểm tra rượu nhập khẩu đang gặp bất cập vì rượu nhập thì theo tiêu chuẩn kỹ thuật riêng của nước sản xuất trong khi tiêu chuẩn kỹ thuật của Việt Nam lại không giống như của nước ngoài.
Ngoài ra, QLTT cũng phối hợp với các hiệp hội, nhất là VBA trong tìm kiếm các thông tin về những phương thức, thủ đoạn, dấu hiệu của tổ chức, cá nhân có hành vi sản xuất, hoặc kinh doanh NK sản phẩm rượu, kịp thời phát hiện xử lý để đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng.
Doanh nghiệp chân chính gặp nhiều khó khăn
Ông Tống Nguyên Long – Phó Giám đốc Công ty CP Rượu và Nước giải khát Hà Nội cho biết, theo thống kê chưa đầy đủ, một năm trung bình Việt Nam tiêu thụ trên 300 triệu lít rượu. Trong khi đó, theo số liệu của VBA, trong 300 triệu lít rượu được tiêu thụ, chỉ có khoảng 15 – 20% là rượu của các cơ sở nhà máy sản xuất đảm bảo yêu cầu quy mô công nghiệp. Điều này thực sự gây ra rất nhiều hệ lụy, không chỉ là đảm bảo ATTP mà còn là chuyện nhà nước thất thu quá nhiều thuế.
Rượu là mặt hàng chịu mức thuế suất, thuế tiêu thụ đặc biệt cao, ví dụ như rượu trên 20 độ là 65%. Nhưng những loại rượu không có nguồn gốc xuất xứ sẽ vừa trốn được sự kiểm soát về kiểm tra chất lượng và trốn được cả nộp thuế.
“Một chai rượu bán 100.000 đồng, chúng tôi nộp thuế tiêu thụ đặc biệt cho Nhà nước xấp xỉ 40.000 đồng. Đây là trách nhiệm của DN với Nhà nước. Thế nhưng, những loại rượu mà chúng ta không kiểm soát được thì không những ngân sách Nhà nước không thu được 40.000 đồng thuế mà còn không kiểm soát được chất lượng. Đấy là một trong những lý do thời gian gần đây xảy ra rất nhiều vụ ngộ độc rượu và gây chết người” – ông Long nói.
Ngoài ra, theo ông Long, mặc dù quy định của Việt Nam tương đối đầy đủ, thậm chí, việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thực phẩm nói chung và về rượu, bia nói riêng khá cao; nghiêm trọng có thể khởi tố hình sự. Nhưng thực tế trong thời gian qua, các chế tài thực hiện chưa được nhiều. Từ đó, thị trường rượu, đặc biệt trong dịp chuẩn bị Tết Nguyên đán tương đối phức tạp. Điều này khiến cho những DN sản xuất rượu chất lượng, nộp thuế đầy đủ thực sự gặp những khó khăn nhất định.
Theo Hoàng Tú/ Báo Pháp Luật Việt Nam điện tử