Bí ẩn dưới lòng đất Quảng Ninh

(Xây dựng) – Mới đây, tờ Daily Mail – một tạp chí có uy tín trong báo giới quốc tế, công bố dưới đáy nước Biển Đông, gần đảo Hoàng Sa của Việt Nam ở độ sâu 300,89m có hố “tử thần” sâu nhất thế giới, khiến nhiều người quan tâm, cách giải thích địa mạo dưới lòng đất có khác nhau.

bi an duoi long dat quang ninh
Hố xanh khổng lồ gần quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Với độ sâu lên tới 300,89m được cho là hang ngầm (hố xanh) sâu nhất thế giới – độ sâu tương đương chiều cao của tòa nhà chọc trời Shard ở London.

Đầu xuân Canh Tý, phóng viên Báo điện tử Xây dựng để tâm, sưu tầm những điều chưa biết dưới lòng đất ở Quảng Ninh, nơi có biển đảo giống Hoàng Sa. Một người bạn vong niên nguyên là cán bộ lão thành của Liên đoàn địa chất 9, lớp kỹ sư địa chất đầu tiên đào tạo bài bản ở Liên Xô cũ về công tác ở vùng than bảo, dưới đáy biển có hố “tử thần” là chuyện bình thường. Địa mạo trên đất liền thế nào dưới đáy nước cũng vậy.

Hố tử thần nói một cách dễ hiểu là sự sụt gãy địa tầng, được hình thành từ các túi nước, dòng sông ngầm, carter dưới lòng đất, hoặc các công trình ngầm nhân tạo bỏ hoang không hoàn nguyên, làm ung ruỗng lòng đất, đến kỳ tự mỏi thì sụt lún. Chẳng hạn như sau khai thác than hầm lò, lấy xong than dưới lòng đất phải vùi lấp lại (gọi là phương pháp chèn lò). Vấn nạn khi khai thác than xong, chủ mỏ chỉ đóng cửa khai trường để lại lòng đất rỗng.

Ở dưới đáy nước vịnh Hạ Long từng có một hố sâu hình hài hố “tử thần”, sự huyền bí còn dư âm đến ngày nay. Cụ thể, trước năm 1960, ở khu vực Ba Cửa, âu tàu quân cảng (lữ 170) thuộc phường Hà Phong (Hạ Long) có một giếng chìm khổng lồ, đường kính khoảng 60m, nước xanh đen không lẫn với màu xanh mặt nước biển. Giữa mùa hè mà nước biển ở đây lạnh ngắt, ngồi trên mạn thuyền lớn qua gần miệng vòng tròn ấy còn sởn tóc gáy vì khí lạnh từ đó tỏa ra.

bi an duoi long dat quang ninh
Vụng Ba Cửa, vịnh Hạ Long thuộc phường Hà Phong, nơi từng lộ diện hố “tử thần” dưới đáy nước.

Truyền tục, đây là một cửa hang động lớn của quái vật biển nằm sâu trong lòng đất. Một cửa hang dưới đáy nước này, một cửa hang trên sườn núi cao đỉnh gọi là Đèo Bụt, dãy núi đá giáp ranh giữa thành phố Hạ Long và thành phố Cẩm Phả. Phần cửa hang lộ thiên trên núi, người địa phương ngàn xưa gọi là “Lộ Phong”, một làng của người Sán Dìu dưới chân núi lấy tên hang đặt tên làng, là làng Lộ Phong.

Cửa hang trên núi (Lộ Phong) ẩn chứa nhiều câu chuyện tâm linh huyền bí. Dân làng dưới chân núi coi cửa hang lộ thiên này như vật thiêng của trời, không ai xâm phạm. Thần phả Đình và đền thờ thành hoàng làng Lộ Phong truyền chép: “Lộ Phong” mà bị vít thì làng này trâu bò, lợn gà chết, người ốm đau. Nặng thì người bị câm, gà không gáy được, mùa màng thì thất bát.

Ngày thực dân Pháp mở Quốc lộ 18 vượt Đèo Bụt, lòng đường chờm vào cửa hang (cửa hang rộng chừng 3m, cao 4m), quan lục lộ cho đổ bê tông qua miệng hang, còn phải để một cái lỗ to như cái niêu đất giữa đường. Thời ta, nhiều lần sửa chữa mở rộng, hạ cốt nền dốc Đèo Bụt, vẫn chừa ra cái lỗ “Lộ Phong” ấy, không ai cả gan dám bịt lại, gọi là “rốn Cô Tiên”.

bi an duoi long dat quang ninh
Đèo Bụt dãy núi đá cao giáp ranh giữa thành phố Hạ Long và thành phố Cẩm Phả có thạch động ăn ngầm ra biển.

Không hiểu hình hài lòng thạch động “quái vật” sâu nông, to rộng đến đâu và bên trong có gì… vì chưa ai vào thám hiểm. Thực tế, khi ném một hòn đá to bằng quả cam vào rốn Cô Tiên, ghé tai vào miệng rốn nghe, chỉ thấy tiếng đá chạm vách hang và tiếng gió thổi, không nghe được điểm rơi, có lẽ là sâu lắm. Dân địa phương còn bảo, từng kiểm nghiệm đổ rổ bưởi xuống rốn Cô Tiên, một tuần sau trên vùng biển Ba Cửa nổi lên không thiếu một quả. Hiện dự án nâng cấp Quốc lộ 18, cốt đường giật thấp xuống và xa cửa hang, nhưng dân tín ngưỡng vẫn lập một miếu, hương án thờ cúng ngay cửa hang.

bi an duoi long dat quang ninh
Lòng Quốc lộ 18 nay hạ thấp xa cửa hang, dân làng Lộ Phong vẫn tôn kính lập miếu thờ gọi là miếu thờ rốn Cô Tiên.

Quảng Ninh, dưới lòng đất ẩn chứa nhiều điều thú vị, thông tin có thể còn nằm trong tài liệu địa chất lưu, cũng có thể từng khai quật nhưng không công bố, hoặc tư liệu lâu ngày không dùng đến mủn mục. Liên đoàn địa chất 9 thăm dò than cùng với Đoàn địa chất 37 thăm dò nước ở vùng rừng Yên Tử, họ đã từng phát hiện một hồ nước lớn nằm sâu dưới lòng đất ở khu vực Lán Tháp, Vàng Danh (Uông Bí). Hồ nước ngầm này dài trên 1.000m, rộng 70m. Năm 1970, một rốn nước bị sụt lún tại thôn Miếu Thán nuốt trửng cả bụi tre mai cây cao đến 20m, chỉ còn thò lên miệng hố phần ngọn tre (nay dấu tích vẫn còn).

Năm 2012 – 2013, thành phố Cẩm Phả liên tục xảy ra các hố tử thần một cách bí ẩn. Địa phương đã nhờ Viện Địa chất thuộc Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam xác định nguyên nhân và đưa ra các giải pháp khắc phục tình trạng nguy hiểm này. Chủ nhiệm đề tài, TS. Trần Quốc Cường cho biết: Các hố sụt xảy ra trên địa bàn thành phố Cẩm Phả là do hệ thống đứt gãy Tây Bắc – Đông Nam. Tại nơi giao nhau giữa các hệ thống đứt gãy này, nước mặt chảy qua khe nứt hình thành bởi đứt gãy, làm xói mòn ngầm vật liệu tạo khoảng rỗng lớn gây sụt. Bên cạnh đó, các dao động của nước dưới đất, cấu tạo địa chất – thủy văn cũng là một trong những nguyên nhân gây sụt đất.

bi an duoi long dat quang ninh
Đêm 26/10/2018, một hố “tử thần” rộng 30m, sâu 4m, thụt xuống cánh đồng thôn Tân Lập, xã Hồng Thái Đông, thị xã Đông Triều.
bi an duoi long dat quang ninh
Đêm 2/3/2016, hố “tử thần” mở miệng ngay trong nhà văn hóa khu 5, phường Hà Khánh, Hạ Long.

Năm 2017, Công ty Cổ phần Xây dựng Cầu 75 (Công ty Cầu 75) thi công cầu Sông Hốt (phường Đại Yên, Hạ Long) trên tuyến đường cao tốc Hạ Long – Hải Phòng, khi khoan nhồi đóng cọc móng cầu, cọc móng trôi tuồn tuột, nuốt bê tông như thùng không đáy.

Ông Đào Ngọc Ký – Chủ tịch HĐQT Công ty Cầu 75 khi đó cho biết: Đơn vị đã phải dùng kỹ thuật tiên tiến hơn, thăm dò lại ở độ sâu hơn, rộng hơn, mới biết dưới độ sâu là vô số nhưng hang carter. Có những cọc móng qua 5 tầng hang, chiều sâu tới 15 – 16m. Công ty Cầu 75 phải điều chỉnh lại thiết kế và giải pháp thi công, chuyển từ cọc khoan nhồi đường kính 2m sang đường kính 1,2m, tại vị trí hang caster phải xử lý ống vách quây để bê tông không chảy vào trong hang.

Trở lại chuyện hố “tử thần” dưới đáy nước vịnh Hạ Long, người già địa phương ngày đó bảo, hố “tử thần” là lỗ ruốc thần (vì to thì bảo là thần) còn bảo là hang của quái vật biển. Quái vật từng gây ra nhiều thảm họa cho ngư dân trên vùng biển này.

Ngày xưa, nhiều con thuyền và trẻ em bị mất tích bí hiểm, trong đó có nhân chứng như cụ Trương Thị Lừu, năm nay trên 80 tuổi, ở khu 3 (Lộ Phong), phường Hà Phong. Cụ Trương Thị Lừu, nguồn gốc sinh ra trong một gia đình ngư dân, hồi nhỏ theo mẹ lên lạch sông Ba Cửa lấy nước ngọt xuống thuyền, chỉ tích tắc mà lạc mẹ. Đứa trẻ lạc được một thổ dân đưa về nuôi nấng, thay tên đổi họ thành người địa phương. Mãi sau này cụ Trương Thị Lừu mới tìm được quên hương của mình, ở một xóm chài ven Sông Chanh (Quảng Yên).

Còn những câu chuyện bi thảm, nay vẫn lưu truyền từ tích của ngôi đền dưới chân dãy núi đá vôi mặt tiền sông Ba Cửa gọi là đền Đầu Mối, thờ nhị vị cô nương. Theo truyền thuyết, nhị vị cô nương là hai chị em mồ côi cả cha lẫn mẹ, người địa phương. Nước triều cạn, chị em xuống bãi biển vụng Ba Cửa bắt còng cáy, tôm tép ven bờ, không hiểu sao họ lạc nhau. Khi triều dâng, biển nước mênh mông, người chị không thấy em về. Hôm sau nước rút, xuống bãi triều tìm em thì… hỡi ôi! Cạnh lỗ ruốc lớn chỉ còn cái giỏ, đánh dấu chỗ em nằm và một đống bùn lớn ụ lên. Linh tính mách bảo người chị, em đã bị quái vật kéo cánh tay xuống lỗ sâu này và ghì chặt người xuống bãi biển, khi triều dâng cuốn hồn em đi mãi mãi. Người chị nhất mực thương em, đêm ngày ra cửa biển than khóc và một ngày kia không thấy trở về nữa. Người đời sau bảo, hai chị em nhà ấy chết trẻ, linh thiêng thì lập miếu thờ ở ngay vụng Ba Cửa (gọi là miếu thờ nhị vị cô nương), nay vẫn nhang bay khói tỏa.

bi an duoi long dat quang ninh
Đền Đầu Mối thờ Đức ông Trấn Ải, thờ nhị vị cô nương. Đền Đầu Mối và đền Bà Men là hai đền thiêng trên vịnh Hạ Long.

Lỗ ruốc thần dưới đáy nước, từ khi xây dựng quân cảng, tàu cuốc khoét sâu âu tàu, luồng lạch… nay mắt thường không còn nom thấy cửa hang. Nhưng hang động thông thủy dưới đáy nước hình như vẫn có ảnh hưởng đến hải lưu vùng biển này. Ba Cửa, vùng thủy triều có những nét khác thường, khi nước lên xuống xoáy xiết hơn. Nước từ ba cửa sông đổ về, giao thoa ba dòng hải lưu có độ chênh cốt cao, dòng nước xiết xuôi ngược rất nguy hiểm cho tàu thuyền qua lại. Nhất là ngày trước, công nghiệp máy thủy chưa phát triển, thuyền bè xuôi ngược phải nhờ vào sức gió, dòng chảy. Thuyền bè qua đây thường phải buông neo, chờ con nước thuận dòng, khi dừng chân thì thành lễ miếu thờ nhị vị cô nương.

Tương truyền, khi thương cảng Vân Đồn phát triển, Trần Triều hưng thịnh thương gia xa gần hưng công trùng tu, dây dựng miếu nhị vị cô nương bề thế hơn và phối thờ đức ông hiển thánh, quan Trấn Ải, Sơn Thần, Thổ Địa… và thờ Phật. Tích miếu thờ nhị vị cô nương, động thủy quái hố “tử thần” ở vùng biển này càng ly kỳ, đền Đầu Mối càng nổi danh là ngôi đền thiêng trên vịnh Hạ Long. Dịp lễ hội đầu năm, người vùng biển thường trảy hội cầu an cửa đền Đầu Mối và đền Bà Men.

Phóng viên Báo điện tử Xây dựng đầu xuân “xới” lên những thông tin mang tính tham khảo, những sự tích văn hóa, gắn liền với địa lý dưới lòng đất còn huyền bí mà các nhà khoa học gọi là thời kỳ địa chất thứ II. Lòng đất, đáy biển có liên quan mật thiết đến công trình xây dựng trên mặt đất, công trình xây dựng dưới lòng sông đáy biển.

Quảng Ninh trong xu hướng phát triển, trên rừng dưới biển nơi nơi đô thị hóa, cần nắm trong tay những giá trị văn hóa người xưa để lại. Những bí ẩn trong lòng đất, phải được lộ sáng dưới móng những công trình vĩnh cửu.

Theo baoxaydung.com.vn

 

Tin Liên Quan