Để giải ngân hết số vốn đầu tư công “khủng” lên tới hơn 90.000 tỷ đồng trong năm nay, Bộ trưởng Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thắng đã chỉ ra 4 điểm trọng tâm ngành cần thực hiện.
Chiều 1/2, lãnh đạo Bộ GTVT đã họp với các cơ quan đơn vị liên quan triển khai công tác giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 của bộ. Theo kế hoạch Chính phủ giao, năm nay Bộ GTVT được phân hơn 90.000 tỷ đồng vốn đầu tư công (gấp 1,7 lần năm 2022). Tới nay, bộ này đã giao chi tiết vốn cho các dự án đạt 99% số vốn kế hoạch.
Ông Lê Quyết Tiến – Quyền Cục trưởng Quản lý Đầu tư xây dựng (Bộ GTVT) – cho biết, với số vốn trên, Bộ GTVT sẽ khởi công 24 dự án giao thông mới, hoàn thành 29 dự án đang thi công.
Trong các dự án giao thông đang thi công, Bộ GTVT đặt mục tiêu hoàn thành 7 đoạn cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 1 trong năm nay, gồm: Mai Sơn – Quốc lộ 45, Quốc lộ 45 – Nghi Sơn, Nghi Sơn – Diễn Châu, Nha Trang – Cam Lâm, Vĩnh Hảo – Phan Thiết, Phan Thiết – Dầu Giây và cầu Mỹ Thuận 2. Cùng đó, sẽ hoàn thành cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ.
Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng yêu cầu các đơn vị được giao chủ đầu tư kiên quyết xử lý, thay thế nhà thầu chậm tiến độ, vi phạm hợp đồng. |
Dự kiến, để giải ngân vốn đầu tư công đạt kế hoạch đặt ra cho năm nay, Bộ GTVT phải giải ngân khoảng 8.000 tỷ đồng/tháng. Do đó, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng yêu cầu các đơn vị liên quan tập trung vào 4 trọng tâm mấu chốt. Cụ thể, với dự án mới, thứ nhất phải khởi công càng sớm càng tốt; kế đó phối hợp với địa phương giải phóng mặt bằng nhanh nhất có thể; đi kèm là thi công nhanh và nhiều nhất có thể.
“Năm nay, ngành GTVT không thiếu tiền, các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ bao nhiêu sẽ được bố trí đủ tiền bằng đó. Phải tập trung làm cuốn chiếu để giải ngân được nhiều nhất, muốn như vậy phải sẵn sàng kế hoạch, con người thiết bị đầy đủ”, ông Thắng yêu cầu. Cùng đó, các đơn vị liên quan phải triển khai song song nhiều việc, thiết kế tới đâu duyệt tới đó để thi công từng phần…
Rút kinh nghiệm từ các Dự án cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 1 bị chậm tiến độ, ông Thắng yêu cầu các đơn vị được giao chủ đầu tư phải chủ động, kiên quyết xử lý, thay thế các nhà thầu vi phạm hợp đồng. Nhà thầu nào không đạt yêu cầu phải có chế tài và xử lý ngay. Tuyệt đối không để xảy ra tiêu cực, đảm bảo tiến độ, chất lượng công trình.
Với giải ngân vốn đầu tư công năm 2022, hết năm tài chính (hết tháng 1/2023), Bộ GTVT đã giải ngân gần 53 nghìn tỷ đồng, đạt hơn 96% kế hoạch vốn cả năm.
Theo Lê Hữu Việt/Tienphong.vn