Bộ Xây dựng vừa ban hành Quyết định số 110/QĐ-BXD về Kế hoạch hành động của Bộ Xây dựng thực hiện Nghị quyết số 78/NQ-CP ngày 18/06/2022 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 02/04/2022 của Bộ Chính trị về Phương hướng phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Bộ Xây dựng vừa ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 78/NQ-CP ngày 18/06/2022 của Chính phủ về phương hướng phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. |
Kế hoạch hành động của Bộ Xây dựng có 3 mục đích chính. Một là thống nhất trong chỉ đạo, tổ chức quán triệt, triển khai quyết liệt, hiệu quả tạo sự chuyển biến rõ rệt về nhận thức và hành động của cán bộ, công chức, viên chức trong toàn ngành về tầm quan trọng của việc triển khai Nghị quyết số 13-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Hai là cụ thể hóa quan điểm, đường lối, định hướng của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về xây dựng, quy hoạch xây dựng, phát triển đô thị, hạ tầng kỹ thuật; đồng thời, xác định rõ các nhiệm vụ, giải pháp cần tập trung triển khai thực hiện tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Ba là làm căn cứ, cơ sở để các đơn vị thuộc Bộ tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong Kế hoạch hành động của Bộ, tạo sự chuyển biến rõ rệt về nhận thức và hành động của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong công tác tham mưu, xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về xây dựng, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội vùng Đồng bằng sông Cửu Long và trên cả nước.
Kế hoạch đã đề ra các chỉ tiêu cụ thể đến năm 2030, tỷ lệ đô thị hóa của khu vực đạt khoảng 42 – 48%. Tỷ lệ sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh đối với dân cư đô thị đạt 98 – 100% và đối với dân cư nông thôn đạt khoảng 70%.
Để hoàn thành các mục tiêu nêu trên, Kế hoạch hành động của Bộ Xây dựng đã nêu ra 5 giải pháp, nhiệm vụ chính.
Giải pháp thứ nhất là tập trung công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển và đẩy mạnh liên kết vùng. Trong đó, Bộ sẽ tham mưu Chính phủ trình Quốc hội ban hành Luật sửa đổi bổ sung các quy định pháp luật về quy hoạch đô thị và nông thôn nhằm tạo hành lang pháp lý tốt nhất để tổ chức thực hiện công tác quy hoạch đô thị và nông thôn, đồng bộ với pháp luật về quy hoạch tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước.
Giải pháp thứ hai là hoàn thiện và tổ chức thực hiện Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 phù hợp với đặc điểm, điều kiện phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long; lồng ghép các nội dung quy hoạch của vùng vào Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn quốc gia.
Giải pháp thứ ba là tổng kết thực hiện Chương trình xây dựng cụm tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ và khu vực bị sạt lở, đề xuất giải pháp cho giai đoạn tiếp theo, báo cáo Thủ tướng Chính phủ vào năm 2023.
Giải pháp thứ tư là lập Đồ án xây dựng các nhà máy nước quy mô vùng phù hợp với quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 287/QĐ-TTg ngày 08/02/2022, trình Thủ tướng Chính phủ vào năm 2023.
Bộ Xây dựng sẽ lập Đồ án xây dựng các nhà máy nước quy mô vùng phù hợp với quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. |
Giải pháp thứ năm là quán triệt, tuyên truyền, tạo sự thống nhất, đồng thuận của toàn ngành trong việc xây dựng và thực hiện các chương trình và kế hoạch hành động của Bộ Xây dựng.
Vụ Quy hoạch – Kiến trúc chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan theo dõi, đôn đốc việc thực hiện Kế hoạch hành động, định kỳ báo cáo và đề xuất với Bộ trưởng về các biện pháp cần thiết bảo đảm Kế hoạch hành động được thực hiện đồng bộ, hiệu quả.
Theo Dịch Phong/Báo Xây dựng