Bộ Xây dựng báo cáo Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch phát triển kính xây dựng

(Xây dựng) – Bộ Xây dựng vừa có công văn số 3092/BXD-VLXD gửi Thủ tướng Chính phủ báo cáo về Quy hoạch phát triển kính xây dựng, tình hình đầu tư sản xuất kính phẳng trên thế giới cũng như đầu tư sản xuất và tiêu thụ kính phẳng tại Việt Nam và đầu tư sản xuất kính siêu mỏng chất lượng cao.


Hiện nay, tổng công suất sản xuất kính phẳng hàng năm của các nhà máy đang sản xuất trong nước ước đạt 4.080 tấn/ngày, tương đương 285 triệu m2 QTC/năm.

Cụ thể, về Quy hoạch phát triển kính xây dựng: Theo Quyết định số 1469/QĐ-TTg ngày 22/8/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển vật liệu xây dựng (VLXD) Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030: Tổng công suất thiết kế các nhà máy sản xuất kính phẳng năm 2014 khoảng 180 triệu m2 quy tiêu chuẩn (QTC)/năm.

Định hướng từ nay đến năm 2020 không đầu tư mới, đầu tư mở rộng các cơ sở sản xuất kính xây dựng thông thường. Đối với các dự án sản xuất kính đặc chủng, chỉ được phép đầu tư khi được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận.

Đồng thời, khuyến khích các nhà máy nghiên cứu đầu tư chiều sâu, cải tiến công nghệ để giảm tiêu hao nguyên, nhiên liệu trong sản xuất; nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm, giảm ô nhiễm môi trường và đầu tư công nghệ gia công sau kính.

Về tình hình đầu tư sản xuất kính phẳng trên thế giới: Kính phẳng trên thế giới được sản xuất hầu hết theo công nghệ kính nổi, năm 2009 năng lực sản xuất kính toàn cầu khoảng 52 triệu tấn/năm tương đương 145.000 tấn/ngày, năm 2010 khoảng 57 triệu tấn/năm, với tăng trưởng hàng năm khoảng 5% thì đến năm 2017, năng lực sản xuất kính toàn cầu khoảng 90 triệu tấn/năm tương đương 300.000 tấn/ngày. Trung Quốc là quốc gia có năng lực sản xuất kính lớn nhất thế giới chiếm khoảng 50% năng lực sản xuất kính toàn cầu.

Đối với tình hình đầu tư sản xuất kính tại Việt Nam: Hiện nay, tổng công suất sản xuất kính phẳng hàng năm của các nhà máy đang sản xuất trong nước ước đạt 4.080 tấn/ngày tương đương 285 triệu m2 QTC/năm, trong đó kính nổi là 3.550 tấn/ngày tương đương 248 triệu m2QTC (có 7 nhà máy) và kính cán là 530 tấn/ngày tương đương 37 triệu m2 QTC (có 2 nhà máy). Các nhà máy này hầu hết đều nằm ở các khu vực có vùng nguyên liệu, có hạ tầng kỹ thuật phát triển và phân bổ đều trên cả 3 khu vực Bắc, Trung và Nam bộ. Tình hình sản xuất và tiêu thụ kính nội địa trong những năm gần đây đều tăng, đặc biệt trong năm 2016 và 9 tháng đầu năm 2017 các nhà máy sản xuất đều phát huy hết công suất. Ngoài các nhà máy đang sản xuất, hiện tại có 5 dự án kính nổi đang đầu tư với tổng công suất 2.600 tấn/ngày tương đương 181 triệu m2 QTC/năm, trong đó có 03 dự án đầu tư sản xuất kính đặc chủng. Như vậy, khi 5 dự án trên đi vào sản xuất, tổng công suất sản xuất kính phẳng ở Việt Nam sẽ là 6.680 tấn/ngày tương đương 466 triệu m2 QTC/năm.

Về đầu tư sản phẩm kính siêu mỏng chất lượng cao (kính có bề dày nhỏ hơn 2mm): Sản phẩm kính siêu mỏng chất lượng cao đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng sử dụng làm tấm pin mặt trời và màn hình ti vi, điện thoại, hiện tại ở nước ta có 01 dây chuyền sản xuất sản phẩm này ở tại Bà Rịa – Vũng Tàu với công suất 300 tấn/ngày.

Đây là sản phẩm kính đặc chủng, theo quy định tại Quyết định số 1469/QĐ-TTg ngày 22/8/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển VLXD Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 thì chủng loại sản phẩm này chỉ được đầu tư khi được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận.

Linh Anh

Tin Liên Quan