Cát nhân tạo đã đi vào cuộc sống?

Ngày đăng: 14-06-2018

(Xây dựng) – Sau 1 năm thực hiện Nghị quyết số 46/NQ-CP ngày 09/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2017, Bộ Xây dựng đã đề xuất và ban hành nhiều giải pháp trước mắt và dài hạn sản xuất VLXD thay thế cát tự nhiên. Kết quả có sự chuyển biến tích cực mặc dù chưa nhiều.

Dây chuyền sản xuất cát nhân tạo của Cty CP Thiên Nam.

Quảng Ninh đi đầu

Sự chuyển biến tích cực thể hiện rõ nét tại tỉnh Quảng Ninh. Đây cũng là địa phương đi đầu trong sử dụng cát và chất thải công nghiệp để sản xuất VLXD. Việc quản lý, sử dụng đất đá thải của ngành than làm vật liệu san lấp, cát nhân tạo thể hiện rõ trong quan điểm chỉ đạo của tỉnh tại Thông báo số 192/TB-UBND ngày 30/6/2017: Để có nguồn cung cấp vật liệu đắp cho các tuyến đường và san nền các dự án phát triển đô thị, các khu công nghiệp, cần sử dụng nguồn đất đá thải tại các bãi thải, hạn chế tối đa san gạt đồi lấy đất san lấp.

Với lợi thế có nguồn đất đá thải từ mỏ than có thể nghiên cứu, sản xuất cát nhân tạo thay thế phục vụ nhu cầu xây dựng, san lấp mặt bằng các công trình xây dựng, UBND tỉnh Quảng Ninh, Sở Xây dựng đã chủ động tạo điều kiện, phối hợp chặt chẽ với Cty CP Thiên Nam đầu tư dự án thu hồi, chế biến đá cát kết tại các vị trí đầu tầng thải của bãi thải Đông Cao Sơn của Cty CP Than Cọc Sáu-Vinacomin.

Dự án đầu tư dây chuyền, công nghệ mới, hiện đại, tận dụng đá cát kết từ nguồn đá thải của các mỏ than để sản xuất VLXD. Sản phẩm chủ yếu là cát xây dựng, đá 1×2, 2×4 và vật liệu san nền với công suất đạt 3.500m3 vật liệu đầu vào cho 1 ca, tạo ra được cát đảm bảo tiêu chuẩn là 1.500m3, còn lại vật liệu đảm bảo cho san lấp hơn 1.000m3.

Các sản phẩm của Cty Thiên Nam đều được Viện VLXD (Bộ Xây dựng) kiểm định, được Cty Chứng nhận và Kiểm định Vinacontrol chứng nhận sản phẩm phù hợp quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 16:2014/BXD. Qua đó, Cty Thiên Nam đã thực hiện công bố hợp quy sản phẩm cát nghiền cho bê tông và vữa, được Sở Xây dựng Quảng Ninh thông báo tiếp nhận, công bố giá VLXD định kỳ hàng quý trên địa bàn.

Ông Nguyễn Mạnh Tuấn – Phó giám đốc Sở Xây dựng Quảng Ninh cho biết, sản phẩm của Cty Thiên Nam là nguồn cát bổ sung lớn cho thị trường xây dựng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.

Sản phẩm của Cty Thiên Nam đã được sử dụng cho các trạm trộn bê tông, công trình vốn ngân sách Nhà nước, đặc biệt được Trạm trộn bê tông Cẩm Thịnh – Cty CP Thực phẩm công nghệ Hải Phòng sử dụng vào xây dựng các hạng mục của Cảng Hàng không Vân Đồn như nhà ga, tháp điều khiển không lưu, trụ cầu vượt.

Ông Vũ Văn Diện – Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh khẳng định, việc đầu tư, sử dụng cát nhân tạo có nguồn gốc từ đá cát kết của các mỏ than là phù hợp với định hướng phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, đồng thời cam kết tạo điều kiện tốt nhất cho các DN tiên phong trong lĩnh vực nghiên cứu, ứng dụng KHCN sản xuất VLXD mới, thân thiện môi trường, đặc biệt là sản xuất cát nhân tạo từ đá cát kết của mỏ than.

Vì sao triển khai hạn chế?

Dễ nhận thấy, việc sử dụng chất thải của ngành than không phải là một nguồn nguyên liệu đầu vào có sự thuận lợi, dễ dàng cho việc sản xuất cát nhân tạo. Tuy nhiên, với sự nỗ lực của DN trong nhiều năm, cùng đồng hành là sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng, lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Ninh, các Sở, ngành trong tỉnh, đặc biệt là Sở Xây dựng, đến thời điểm hiện nay, cát nhân tạo và các sản phẩm của Cty Thiên Nam đã có chỗ đứng trên thị trường các công trình xây dựng lớn, các dự án sử dụng vốn ngân sách Nhà nước, nhờ chất lượng đáp ứng yêu cầu.

Trong khi đó, ở rất nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, nguồn nguyên liệu để sản xuất cát nhân tạo rất dồi dào, phong phú, có thể dễ dàng tạo ra được sản phẩm cát nhân tạo, VLXD thay thế cát tự nhiên, thì dường như việc triển khai Nghị quyết số 46/NQ-CP còn rất hạn chế. Số liệu của Vụ VLXD, Bộ Xây dựng cho thấy, việc phát triển cơ sở sản xuất cát nhân tạo chủ yếu tập trung tại một số tỉnh như Sơn La, Lai Châu, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Hà Nam, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Dương và Đồng Nai, với tổng công suất đạt khoảng 3 triệu m3/năm. Trong đó, tính riêng tỉnh Hà Nam nhờ có điều kiện về tài nguyên đá vôi, chỉ với 3 DN đã đầu tư và đi vào sản xuất với sản lượng 750.000m3/năm.

Từ thực tế không khỏi đặt câu hỏi, vì sao cát nhân tạo đi vào thực tế hạn chế? Ông Lê Văn Tới – Phó chủ tịch Hội VLXD Việt Nam cho rằng, việc sử dụng cát nhân tạo đã có từ lâu, hầu hết các công trình thủy điện sử dụng hơn 90% cát nhân tạo cho cấp phối bê tông, nhưng cát nhân tạo lại chưa được sử dụng phổ biến rộng rãi cho các công trình xây dựng, đặc biệt là công trình của nhà dân, do không phải chủ đầu tư nào cũng dễ dàng sử dụng vì phụ thuộc vào cấp phối bê tông và do thói quen của người dân.

Theo ông Lê Văn Tới, đối với công trình lớn, để đảm bảo chất lượng công trình khi sử dụng cát nhân tạo, người ta phải thiết kế riêng cấp phối bê tông cho công trình sử dụng cát nhân tạo. Tuy nhiên, đối với nhà dân hoặc công trình nhỏ lẻ, có thể mạnh dạn lấy cấp phối của các công trình lớn, của những người có chuyên môn, để áp dụng. Nhưng không phải ai cũng linh hoạt vận dụng, bởi công trình nhỏ mà lấy cấp phối bê tông của công trình lớn, mặc dù đem lại chất lượng công trình rất tốt, nhưng lại lãng phí. Để cát nhân tạo đi vào được các công trình nhà dân, cần có định mức kinh tế kỹ thuật và cấp phối phổ thông cho cát nhân tạo.

Thanh Nga

 

Tin Liên Quan