(Xây dựng) – Trước thông tin về việc hơn 15.000 lô đất tái định cư (TĐC) bị bỏ hoang, Đà Nẵng đã có giải trình cụ thể liên quan đến sự việc trong chương trình thảo luận của HĐND thành phố.
Đà Nẵng hiện có khoảng 15.000 lô đất TĐC vẫn bị bỏ hoang.
Bố trí TĐC cho các hộ dân giải tỏa còn bị động
Trong Văn bản số 24/BC-HĐND của HĐND TP Đà Nẵng báo cáo kết quả giám sát chuyên đề về hoạt động đầu tư công trên địa bàn TP Đà Nẵng cho biết, qua 15 năm (2003 – 2017), thành phố đã triển khai xây dựng kỹ thuật hạ tầng trên 320 khu TĐC. Trong đó đã hoàn thành 240 dự án và đang thực hiện dang dở 88 dự án và đã bố trí TĐC 128.642 lô đất cho hơn 110.000 hộ dân.
Qua hai chương trình “Có nhà ở” và Đề án “7.000 căn hộ dành cho người thu nhập thấp”, thành phố đã bàn giao và đưa vào sử dụng trên 10.600 căn hộ cho các đối tượng thu nhập thấp, cán bộ công chức khó khăn về chỗ ở; cũng như đưa vào sử dụng 1.146 phòng đáp ứng nhu cầu cho khoảng 6.876 sinh viên, từng bước giải quyết khó khăn về nhà ở.
Tuy nhiên, báo cáo này cũng thừa nhận một số lĩnh vực đầu tư nhưng chưa sát kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và quy hoạch chung đã được phê duyệt. Cụ thể, trong giai đoạn 2003 – 2014, phần lớn nguồn đầu tư cho công tác khai thác quỹ đất, xây dựng hạ tầng cho khu TĐC (chiếm hơn 45% tổng nguồn vốn đầu tư phát triển).
“Do việc bố trí tái định cư cho các hộ dân giải tỏa tại nhiều dự án còn bị động, các hộ tái định cư nhiều khi không đồng tình về vị trí được bố trí, gây áp lực tạo quỹ đất tái định cư nên dẫn đến tình trạng quỹ đất tái định cư trên địa bàn hiện nay dôi dư rất nhiều.
Tính đến cuối quý I/2018, thành phố còn 14.589 lô đất TĐC chưa bố trí, số lô đất trống (chưa xây dựng nhà ở) vẫn còn với số lượng rất lớn, hơn 100ha đất nông nghiệp mất khả năng sản xuất do ảnh hưởng bởi các dự án, dẫn tới tình trạng đất bỏ hoang còn nông dân thì mất việc”, trong báo cáo ghi rõ.
Mặt khác, một số đồ án, dự án chưa tuân thủ quy hoạch, trong quá trình triển khai thực hiện đã điều chỉnh nhiều lần làm tác động tiêu cực đến chiến lược phát triển kinh tế – xã hội và mục tiêu quy hoạch đã đề ra, gây áp lực lớn lên hạ tầng đô thị, nhất là khả năng cung ứng về giao thông, cấp thoát nước, xử lý ô nhiễm môi trường, cảnh quan đô thị.
Một số đồ án đã quy hoạch nhưng chưa xây dựng được phương án đầu tư khả thi, tổ chức thực hiện chậm. Con số thống kê cho thấy: Tỷ lệ đồ án sau phê duyệt phải điều chỉnh bình quân là 43,8%. Nhiều dự án ven sông, ven biển là điển hình về thiếu nhất quán trong quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch hàng chục lần.
Nhiều công trình được phê duyệt chủ trương đầu tư nhưng bị động trong việc bố trí đất đai. Việc chọn địa điểm mới cho các công trình còn thực hiện theo cách thức xử lý tình huống, chưa có kế hoạch lâu dài, chỉ khi nào phát sinh yêu cầu bức thiết mới tìm địa điểm.
267 dự án dở dang liên quan đến công tác đền bù giải tỏa
Trong báo cáo của HĐND TP Đà Nẵng cho biết thêm, phần lớn các dự án TĐC chưa đảm bảo chỉ tiêu về sử dụng đất, chủ yếu tập trung tối đa cho nhiệm vụ phân lô đất ở, các chỉ tiêu đất dành cho cây xanh, công trình giao thông, thiết chế văn hóa, tiện ích công cộng… chưa đúng quy chuẩn hiện hành.
Một số khu TĐC hình thành trong điều kiện áp lực về nợ đất TĐC, cùng nguồn vốn còn hạn chế nên chưa tính hết đến việc khớp nối đồng bộ quy hoạch hạ tầng, thoát nước tại khu vực, nhất là khu TĐC ở khu vực Hòa Vang.
Nhiều dự án dở dang kéo dài nhiều năm, nguyên nhân ảnh hưởng lớn nhất do công tác giải tòa ban giao mặt bằng kéo dài, thậm chí có những dự án, các tuyến đường chỉ vướng mắc vài hộ nhưng không giải tỏa được làm ảnh hưởng đến tiến độ, không kết nối giao thông, chậm đưa công trình vào sử dụng, hiệu quả kinh tế xã hội khu vực bị hạn chế. Tính đến tháng 6/2018, toàn thành phố còn 267 dự án dở dang liên quan đến công tác đền bù giải tỏa.
Đà Nẵng đã hoàn thành 240 dự án và đang thực hiện dang dở 88 dự án.
Công tác giải tỏa đền bù nhiều dự án rất chậm, đặc biệt là giai đoạn 2015 – 2017 làm ảnh hưởng tiến độ, chất lượng công trình, giải ngân chậm… Các dự án triển khai trong khu vực trung tâm thành phố hoặc các khu vực tập trung đông dân, hay có những công trình có kinh phí xây lắp thấp nhưng do kinh phí đền bù lớn nên tổng mức đầu tư cao, dẫn đến công tác chuẩn bị đầu tư phải thực hiện tương tự như đối với các dự án có quy mô lớn.
Ngoài ra, kinh phí đền bù với các dự án thường xuyên phát sinh dẫn đến vượt tổng mức đầu tư ban đầu, phải thực hiện các quy trình thủ tục thẩm định, phê duyệt dự án điều chỉnh theo quy định là rất lâu…
Trước những vấn đề như trên, Đà Nẵng đưa ra một số đề xuất, kiến nghị lên Trung ương cũng như HĐND, UBND thành phố nhằm: Tập trung đầu tư công vào công trình trọng điểm, có tính đột phá, lan tỏa nhằm nhanh chóng đưa vào sử dụng, chỉnh trang lại các khu dân cư hiện trạng theo với các tiêu chuẩn quy phạm theo tiêu chuẩn các nước tiên tiến.
Tổ chức thiết kế đô thị tại các khu vực trung tâm, các khu vực ven biển. Dành đất cho không gian cây xanh và không gian công cộng ven biển đảm bảo sinh hoạt cho người dân.
Thực hiện nghiêm quy định không giao dự án mới cho chủ đầu tư, Ban quản lý dự án có dự án chậm nộp báo cáo quyết toán trên 24 tháng trở lên và không cho phép nhà thầu đang có hợp đồng vi phạm quy định về thời gian lập hồ sơ quyết toán hợp đồng được tham gia đấu thầu dự án mới.