Triển khai quá chậm
Chủ trương di dời trụ sở các bộ, ngành, cơ quan Trung ương ra khỏi nội đô Hà Nội được thông qua tại Nghị quyết số 16/2008/NĐ-CP của Chính phủ. Đến tháng 1/2015, Thủ tướng có Quyết định số 130/QĐ-TTg về biện pháp, lộ trình di dời và việc sử dụng quỹ đất sau khi di dời cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, cơ sở giáo dục đại học (ĐH), cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các cơ quan đơn vị trong nội thành Hà Nội.
Tuy nhiên, theo ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội (QH), việc di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các cơ quan đơn vị trong nội thành Hà Nội đến nay còn chậm.
Đại biểu QH Hoàng Văn Cường (đoàn TP Hà Nội) đánh giá, một số cơ quan đã thực hiện việc di dời trụ sở ra khỏi nội đô nhưng trên thực tế vẫn còn tình trạng các cơ quan có một bộ phận ở cơ sở mới, một phần ở cơ sở cũ, chưa thể thực hiện được việc di chuyển toàn bộ các cơ quan trong diện phải di dời.
Theo Đại biểu Hoàng Văn Cường, có nhiều yếu tố khiến việc di chuyển trụ sở ra khỏi nội đô chậm: việc đầu tư hạ tầng phát triển ở cơ sở mới chưa thực sự đồng bộ để có thể kết nối hoạt động của các bộ, ngành, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình làm việc của các cơ quan. Ngoài ra, hiện vẫn có tâm lý chờ đợi giữa các bộ, ngành nên chưa tạo ra quyết tâm cao trong việc di dời.
Quan tâm đến việc di dời các trường ĐH ra ngoại thành, Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa (đoàn Phú Yên) nêu rõ, mục tiêu đầu tiên của việc này là nhằm giảm bớt tình trạng ách tắc giao thông. Trong nội đô, đất quá chật, ảnh hưởng tới không gian cho việc dạy và học, bao gồm từ nơi ở đến điều kiện học tập, thực hành. Nhưng việc di dời các trường ĐH ra khỏi nội đô đến nay là quá chậm.
Đảm bảo hệ thống hạ tầng giao thông kết nối đồng bộ
Tại phiên chất vấn đối với nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực xây dựng tại Kỳ họp thứ 4, QH khóa XV, vấn đề nêu trên cũng đã được một số đại biểu QH đề cập.
Trả lời chất vấn của đại biểu, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cũng thừa nhận, việc di dời cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, cơ sở giáo dục ĐH, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các cơ quan đơn vị trong nội thành Hà Nội hiện nay triển khai chậm.
Phân tích về nguyên nhân, Bộ trưởng Bộ Xây dựng cũng chỉ ra việc còn có cơ quan chưa thực sự quyết liệt trong thực hiện nhiệm vụ được Thủ tướng giao tại Quyết định số 130/QĐ-TTg, như: chậm xây dựng đề án di dời (bao gồm danh mục, tiêu chí, lộ trình, biện pháp di dời). Bên cạnh đó, nhu cầu vốn ngân sách cho việc di dời trụ sở và đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, khu vực quy hoạch trụ sở rất lớn, trong khi ngân sách còn hạn chế. Ngoài ra, hiện chưa có phương án huy động nguồn lực ngoài ngân sách cho công tác đầu tư xây dựng các trụ sở mới.
Bộ trưởng thừa nhận, Bộ Xây dựng trong thời gian qua thực hiện giám sát, đôn đốc chưa thực sự hiệu quả. Ngoài ra, các cơ quan chịu trách nhiệm cụ thể cũng chưa quyết liệt, chưa đúng như nhiệm vụ Thủ tướng giao.
Để đẩy nhanh tiến độ di dời trong thời gian tới, Bộ Xây dựng đã báo cáo và kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành Trung ương và TP Hà Nội cần thúc đẩy tiến độ lập các quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành, xác định danh mục cơ sở cần phải di dời, lộ trình di dời, biện pháp thực hiện và xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ di dời theo nhiệm vụ đã được Thủ tướng giao tại Quyết định số 130/QĐ-TTg.
Các Bộ Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Lao động – Thương binh và Xã hội khẩn trương hoàn thiện quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế, giáo dục ĐH, giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn Thủ đô theo hướng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho Thủ đô và cả nước, trình Thủ tướng phê duyệt; lập danh mục, xây dựng biện pháp, lộ trình di dời và việc sử dụng quỹ đất sau khi di dời. Bộ Tài chính tăng cường phối hợp với các bộ, ngành, UBND TP Hà Nội, UBND các tỉnh trong vùng Thủ đô xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ di dời…
Ngoài các giải pháp trên, Đại biểu Hoàng Văn Cường kiến nghị thêm, cần thực hiện song song việc di dời đồng bộ nhằm tạo sự tương tác giữa các bộ, ngành; xây dựng hệ thống hạ tầng kết nối giao thông dễ dàng. Đồng thời, cần có lộ trình, cam kết để mỗi cơ quan bộ, ngành có phương hướng hành động cụ thể.
Về việc di dời trường ĐH ra khỏi nội đô, Đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng, trong giai đoạn hiện nay, khi chưa có điều kiện hạ tầng để tạo không gian phát triển, các trường đại học nên thực hiện chuyển dịch từng phần, ví dụ như xây dựng cơ sở 2 tại các địa điểm di dời và tiến hành chuyển từng phần để tạo sự thích ứng dần dần. Sau đó mới tiến hành chuyển dịch toàn bộ.