(Xây dựng) – Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi có nhiều điểm mới, phạm vi và đối tượng điều chỉnh rộng ảnh hưởng trực tiếp đến các hoạt động kinh tế và xã hội, cần phải được tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện bảo đảm tính khả thi, phù hợp với tình hình thực tế.
PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến – nguyên Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật, Bộ Xây dựng.
Để bảo đảm tính hợp lý, khả thi của văn bản, bảo đảm quyền và lợi ích của doanh nghiệp, phóng viên Báo điện tử Xây dựng đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến – nguyên Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật, Bộ Xây dựng về Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi.
PV: Xin ông cho biết quan điểm về Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi?
Ông Nguyễn Hồng Tiến: Xét tổng quát, Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi (mà tôi tiếp cận được) không còn là một đạo luật sửa đổi nữa mà là một đạo luật mới với việc tăng thêm 22 điều, sửa đổi, bổ sung 85 điều, quy định mới 100 điều.
Nhiều nội dung của dự thảo luật phải có hướng dẫn chi tiết, trong đó có ít nhất 30 điều thẩm quyền Bộ Tài nguyên và Môi trường, có ít nhất 45 điều thẩm quyền Chính phủ. Như vậy, nếu được ban hành phải có thời gian dài chờ Bộ Tài nguyên và Môi trường, Chính phủ ban hành hướng dẫn mới có thể thực hiện.
Bên cạnh đó, nhiều nội dung của Dự thảo luật trình bày dài dòng, trùng lặp ý, có một số nội dung thiếu tính pháp luật, một số điều quá chi tiết, một số điều thì lại quá sơ sài, không giống văn phong của một văn bản quy phạm pháp luật.
PV: Xin ông cho biết cụ thể một số nội dung bất cập là gì?
Ông Nguyễn Hồng Tiến: Về quy hoạch bảo vệ môi trường, điểm đ, Khoản 3, Điều 30 quy định chưa đầy đủ, thiếu các công trình xử lý nước thải, nghĩa trang, cơ sở hỏa táng…Điều 31 không thấy gắn kết Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia với nội dung bảo vệ môi trường trong quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh.
Về Giấy phép môi trường, là nội dung mới của dự thảo luật, quy định khá kỹ đối tượng, nội dung, thẩm quyền, các thủ tục hành chính. Tuy nhiên, chưa làm rõ yếu tố đặc thù của từng đối tượng được cấp Giấy phép để có quy định phù hợp và tránh hiểu là phép cộng của các loại giấy.
Về các quy định liên quan đến ứng phó với biến đổi khí hậu (Điều 94, Điều 101), nội dung chưa đầy đủ, chưa bao quát. Nhiều nội dung chưa thể hiện rõ là những điều luật bắt buộc phải tuân thủ. Các quy định về ứng phó với biến đổi khí hậu còn chung chung, chưa thể hiện cơ chế ứng phó cụ thể. Có thể đề xuất xây dựng một đạo luật về ứng phó với biến đổi khí hậu sẽ phù hợp hơn là quy định vài điều trong Luật Bảo vệ môi trường.
Đặc biệt, về bảo vệ môi trường khu đô thị, khu dân cư tập trung, quy định tại khoản 4, Điều 59, không phù hợp với chức năng nhiệm vụ của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Đô thị sinh thái, đô thị thông minh trước hết phải là đô thị và là một trong những mô hình phát triển đô thị. Việc quản lý phát triển đô thị thuộc chức năng quản lý của Bộ Xây dựng.
Về bảo vệ môi trường trong hoạt động xây dựng, Khoản 1, Điều73 Luật Bảo vệ môi trường 2014 quy định “Quy hoạch xây dựng phải tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường”, trước đây khi lấy ý kiến cho Dự thảo luật này, chúng tôi đã đề nghị làm rõ nội hàm của việc tuân thủ, không nên quy định chung chung và đặt ra như hô khẩu hiệu. Tuy nhiên, trong dự thảo Luật Bảo vệ tài nguyên môi trường sửa đổi vẫn tiếp tụcquy định đồng thời thêm nội dung thích ứng với biến đổi khí hậu.
Về quy định quản lý nước thải, nội dung quá sơ sài, trùng lặp, không đầy đủ và toàn diện. Cần làm rõ hơn và cụ thể hơn quy định quản lý nước thải theo từng đối tượng, hình thức xử lý (tại chỗ, xử lý tập trung, xử lý phi tập trung),lựa chọn công nghệ xử lý nước thải, bổ sung quản lý thoát nước mưa. Việc quy định phí thu gom, xử lý nước thải vào hệ thống thu gom, xử lý nước thải là không hợp lý, không phù hợp với các quy định hiện hành và của Luật phí và lệ phí vì trên thực tế không có phí này mà đã được quy định Giá dịch vụ thu gom, xử lý nước thải.
Đặc biệt, về trách nhiệm các Bộ ngành cần rà soát lại cẩn trọng nhằm bảo đảm tính ổn định, đầy đủ, đồng bộ và không chồng chéo. Mặt khác, để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, Dự thảo luật cần lấy thêm ý kiến của các doanh nghiệp lớn hoạt động trong lĩnh vực môi trường như: Nước, nước thải, xử lý chất thải rắn, môi trường…
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!
Theo baoxaydung.com