Đầu tháng 5, đất khu dân cư Bắc Rạch Chiếc còn ở đỉnh 50 triệu đồng mỗi m2, nay rớt xuống còn 33 – 45 triệu đồng mỗi m2.
Khảo sát của VnExpress, trong tuần qua, sau khi thông tin lãnh đạo TP HCM yêu cầu chuyển hồ sơ dự án Khu dân cư Bắc Rạch Chiếc quận 9 lên cơ quan điều tra, giá đất bên trong dự án này nhanh chóng điều chỉnh đi xuống.
Cụ thể, mức đỉnh 50 triệu đồng mỗi m2 của dự án đã hạ xuống còn 45 triệu đồng mỗi m2 đối với các vị trí mặt tiền đường lớn hoặc dọc bờ sông. Trong khi đó, các nền đất nằm bên trong các đường nội bộ nhỏ của khu này cũng hạ nhiệt.
Những lô chưa có sổ đỏ (giấy chứng nhận quyền sử dụng đất), giao dịch bằng hợp đồng góp vốn, hợp tác đầu tư được chào bán 33 triệu đồng mỗi m2. Mức giá hiện nay thấp hơn 3 – 4 triệu đồng mỗi m2 so với hồi tháng 5. Trước đây những nền đất loại này từng giao dịch 37 triệu đồng mỗi m2.
Riêng những nền đất có sổ đỏ trong dự án này cũng không còn duy trì ở vùng đỉnh 45 – 50 triệu đồng mỗi m2 và hiện được chào giá rớt xuống mốc 38 triệu đồng mỗi m2.
Theo tiết lộ của môi giới địa bàn quận 9, giá đất toàn dự án khu dân cư Bắc Rạch Chiếc đang trong xu hướng điều chỉnh, giao dịch trầm lắng, thanh khoản kém.
Khu dân cư Bắc Rạch Chiếc. Ảnh: Quỳnh Trần
Khu dân cư Bắc Rạch Chiếc thuộc phường Phước Long A, có quy mô 78 ha nằm trong tổng thể Khu thể dục thể thao Rạch Chiếc, sân Golf quận 2, Metro An Phú. Dự án cách trung tâm TP HCM khoảng 7 km qua hướng cầu Sài Gòn, Cầu Thủ Thiêm và Hầm Thủ Thiêm.
Bắc Rạch Chiếc được kỳ vọng sẽ là khu dân cư kiểu mẫu của thành phố, quy mô lớn và hiện đại gồm nhiều khu biệt thự vườn, nhà liền kề, chung cư cao cấp, cao ốc văn phòng, trung tâm thương mại dịch vụ, công viên du lịch, trường học… Tuy nhiên, gần 20 năm qua hệ thống hạ tầng ở đây vẫn chưa hoàn chỉnh.
Theo quyết định phê duyệt của Thủ tướng năm 2001, dự án Khu dân cư Bắc Rạch Chiếc do Công ty Xây dựng và dịch vụ nhà đất quận 10 (sau đổi tên thành Công ty cổ phần địa ốc 10 – Res 10) đầu tư hạ tầng kỹ thuật trục đường chính. Sau khi hoàn thành cơ sở hạ tầng, công ty sẽ bàn giao lại cho thành phố để bàn giao đất cho các nhà đầu tư thứ cấp.
Tuy nhiên, trước khi dự án được Thủ tướng giao đất, nhiều cán bộ của Res 10 đã ký hợp đồng cho Công ty phát triển Hàng Hải và Công ty TNHH thương mại Him Lam được tham gia làm nhà đầu tư thứ cấp. Hành vi này bị Chủ tịch UBND TP HCM cho là có dấu hiệu làm trái quy định của Nhà nước.
Kết quả thanh tra cho thấy, Công ty Res 10 không công khai, minh bạch trong quản lý, sử dụng nguồn vốn đóng góp của các đơn vị tham gia thực hiện hạ tầng kỹ thuật trục chính. Đã hơn 10 năm triển khai nhưng hạ tầng kỹ thuật trục chính hiện chưa hoàn thành.
Cơ quan thanh tra cũng chỉ ra sai phạm của Công ty Res 10 qua các thời kỳ. Cán bộ Công ty Res 10 đã ký hợp đồng có nội dung “được quyền tự tổ chức kinh doanh” với các đơn vị đăng ký tham gia thực hiện dự án. Từ đó, các doanh nghiệp cho rằng họ được quyền phân lô và thực hiện huy động vốn nhưng thực chất là bán nền cho nhiều cá nhân.
Bên cạnh đó, dù còn hơn 1.200 m2 trong tổng số gần 17.200 m2 đất chưa bồi thường xong nhưng Công ty Res 10 vẫn được Sở Tài nguyên – Môi trường thành phố cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất năm 2009. Res 10 sau đó ký kết liên doanh với Công ty TNHH phát triển DaeDong (Hàn Quốc) trên toàn bộ diện tích này, song thủ tục ký kết không đảm bảo về pháp lý, không ghi ngày tháng hợp đồng liên doanh, vay vốn…