Hà Nam: Vì sao không tiêu thụ được cát nhân tạo?

(Xây dựng) – Theo phản ánh của một số DN sản xuất cát nhân tạo trên địa bàn tỉnh Hà Nam, từ đầu năm đến nay, việc tiêu thụ cát nhân tạo của DN gần như tê liệt.


Một trong những tàu cuốc khai thác cát trái phép bị bắt giữ. Ảnh:TTTĐ

Nguồn cung cát tự nhiên dồi dào

Lý giải về vấn đề này, một nhân sự của Cty TNHH Tân Thủy (thôn Tân Hưng, xã Thanh Tân, huyện Thanh Liêm) cho biết, qua việc tiếp cận thông tin từ các đội tàu vận chuyển hay mua cát nhân tạo của DN, từ đầu năm 2018 đến nay, nguồn cát vàng từ các tỉnh Việt Trì, Phú Thọ được chở về nhiều, là một trong những lý do chủ yếu khiến cho DN gần như không tiêu thụ được cát nhân tạo, đặc biệt là khi con nước lên, các đội tàu chở cát tự nhiên từ các tỉnh này chạy về xuôi rất mạnh, các bãi cát tích trữ rất nhiều.

Vị này cũng cho biết, vào thời điểm Chính phủ siết mạnh hoạt động khai thác, kinh doanh cát tự nhiên, việc tiêu thụ cát nhân tạo trên địa bàn tỉnh Hà Nam mỗi tháng cũng lên tới 40.000m3/tháng, thậm chí gấp hai, trong đó riêng Tân Thủy tiêu thụ khoảng 6.000m3/tháng. Tuy nhiên, thời điểm từ đầu năm 2018 đến nay, việc tiêu thụ cát nhân tạo của DN rất ít, chủ yếu cung cấp cho các đơn hàng đã quen phục vụ đóng cọc, còn các trạm trộn bê tông thì không lấy. Hiện, 2 dây chuyền sản xuất cát nhân tạo nhập khẩu từ Hàn Quốc với tổng công suất chế biến 200 tấn/giờ, tổng vốn đầu tư 60 tỷ đồng của DN đang hoạt động cầm chừng, DN chủ yếu tập trung vào nghề khai thác và chế biến đá vôi làm VLXD thông thường.

Cũng dễ thấy, trên khắp các mặt báo, cơ quan ngôn luận các Bộ, ngành… đều có những bài viết phản ánh thực trạng hoạt động khai thác cát trái phép ở khắp các tỉnh, thành phố trên cả nước. Tuy nhiên, những vụ việc này được UBND cấp tỉnh xử lý đến đâu thì dường như vẫn là câu trả lời bỏ ngỏ.

Vì sao tiêu thụ phập phù?

Ở hầu hết các tỉnh phía Bắc, trừ Bắc Ninh, đều có nguồn nguyên liệu phục vụ đầu vào sản xuất cát nhân tạo. Tuy nhiên, vì sao việc tiêu thụ cát nhân tạo lại phập phù, lúc nóng lúc lạnh là câu hỏi đặt ra không chỉ cho cơ quan chức năng cấp Trung ương, mà chủ yếu là cho UBND các tỉnh, địa phương?

Không khó để có câu trả lời. Tại các tỉnh miền núi phía Bắc như Điện Biên, Sơn La, Hà Giang… Vì nguồn cát tự nhiên hiếm hoi, hơn nữa giá cát tự nhiên cao, cho nên người dân chủ yếu sử dụng gạch không nung và cát nhân tạo có nguồn gốc từ các vật liệu đá vôi, đá cát kết trên địa bàn.

Trở lại với thị trường Hà Nội – thị trường tiêu thụ cát nhân tạo chủ yếu từ Hà Nam. Khi Chính phủ siết chặt quản lý hoạt động khai thác, kinh doanh cát tự nhiên trên khắp các địa bàn cả nước, thị trường cát nhân tạo của Hà Nam tiêu thụ hàng mấy chục vạn m3/tháng. Nhưng khi mọi hoạt động quản lý khai thác cát tự nhiên lắng xuống, thị trường cát nhân tạo của Hà Nam không thể tiêu thụ được, trừ các đơn hàng đặc biệt buộc phải sử dụng nguồn đá sạch, đương nhiên không phải là các đơn hàng từ các trạm trộn bê tông.

Không để thị trường cát lúc nóng, lúc lạnh

Khi được hỏi vì sao cát nhân tạo chưa đi vào cuộc sống, người ta thường dễ đưa ra câu trả lời như thiếu cấp phối, thiếu định mức… Tuy nhiên, đó là những yếu tố không thể thiếu cho việc đầu tư xây dựng các công trình có vốn ngân sách Nhà nước. Còn tại các công trình lớn như các công trình thủy điện (cũng sử dụng vốn ngân sách Nhà nước), vì giá cát tự nhiên cao do vận chuyển khó khăn, người ta thường có cấp phối riêng và sử dụng hoàn toàn bằng cát nhân tạo; các công trình do tư nhân đầu tư, đặc biệt là nhà ở của người dân ở vùng cao cũng sử dụng đến 80% vật liệu từ cát nhân tạo hoặc mạt đá như gạch không nung, vữa…

Hãy thử làm một phép so sánh: Một bên là chỉ việc xúc lên là có sản phẩm và đem bán, một bên phải khai thác rồi đầu tư máy móc thiết bị hiện đại mới sản xuất ra sản phẩm; Một bên vận chuyển bằng đường thủy rất thuận tiện, còn một bên phải qua nhiều công đoạn vận chuyển, chủ yếu vận chuyển đường bộ… Các yếu tố này quyết định chủ yếu đến giá thành sản phẩm.

Điều này cho thấy, việc sớm đưa cát nhân tạo vào cuộc sống không chỉ phụ thuộc vào ý chí của Chính phủ, cơ quan quản lý nhà nước, mà đặc biệt phụ thuộc vào lãnh đạo UBND cấp tỉnh, địa phương. Một khi mà cát tự nhiên còn được cấp phép khai thác, vận chuyển hay khai thác một cách trái phép, thì cát nhân tạo không thể có chỗ đứng trên thị trường. Và, một khi Chính phủ đã có quyết tâm và chỉ đạo kiểm soát, quản lý hoạt động khai thác và vận chuyển cát tự nhiên chặt chẽ, thì các địa phương phải bám sát, từng bước xử lý triệt để, không thể để thị trường cát nói chung cũng như các hoạt động khai thác vận chuyển cát tự nhiên lúc “nóng” lúc “lạnh”, ảnh hưởng lớn đến hoạt động đầu tư xây dựng.

Thanh Nga

Tin Liên Quan