Hà Nội: Kế hoạch cấp nước có khả thi?

(Xây dựng) – Sở Xây dựng Hà Nội vừa ban hành kế hoạch cấp nước 2020 trong bối cảnh có nhiều thay đổi về nguồn cấp nước cũng như nhu cầu sử dụng.

ha noi ke hoach cap nuoc co kha thi

Kịch bản khi có sự cố

Tính đến hết tháng 10/2019, tổng công suất nguồn cấp nước từ các nhà máy nước tập trung trên địa bàn thành phố Hà Nội khoảng 1,52 triệu m3/ngày đêm, tăng 623.000 m3/ngày đêm so với năm 2016 (897.000 m3/ngày đêm), hoàn toàn đáp ứng nhu cầu sử dụng nước cho nhân dân và dự trữ cho phát triển, mở rộng cấp nước cho khu vực nông thôn, thay thế nguồn nước ngầm kém chất lượng, bởi nhu cầu sử dụng nước tại các khu vực đã được đầu tư hệ thống mạng lưới cấp nước hiện nay trung bình khoảng 1,15-1,25 triệu m3/ngày đêm.

Dự kiến nhu cầu của người dân vào cao điểm nắng nóng mùa hè năm 2020 khoảng 1,25-1,3 triệu m3/ngày đêm so với tổng công suất nguồn cấp 1,52 triệu m3/ngày đêm, Hà Nội vẫn có dư địa rộng để bảo đảm duy trì cấp đủ nước trong lúc cao điểm.

Vậy khi thiếu nguồn nước từ Nhà máy nước mặt sông Đà hay Nhà máy nước mặt sông Đuống, Hà Nội có bảo đảm được nguồn cấp nước sạch? Theo Sở Xây dựng Hà Nội, khi có sự cố vỡ ống hoặc giảm áp lực, thiếu nguồn từ Nhà máy nước mặt sông Đà, có các giải pháp vận hành đồng bộ: Công ty Viwasupco vận hành tối ưu nhà máy và van điều tiết đảm bảo tuyến ống truyền dẫn số 1. Chuẩn bị sẵn sàng đầy đủ vật tư, vật liệu, ống dự phòng, phương tiện, thiết bị và nhân lực thi công thực hiện sửa chữa, khắc phục sự cố vỡ ống để cung cấp nước cho nhân dân nhanh nhất. Thời gian sửa chữa, khắc phục không kéo dài quá 10 giờ/1điểm vỡ…

Mặt khác, Công ty Cổ phần nước mặt sông Đuống điều tiết bổ sung nguồn cấp cho Công ty Cổ phần Viwaco, Công ty TNHH MTV nước sạch Hà Đông. Công ty Cổ phần Viwaco, Công ty TNHH MTV nước sạch Hà Đông phối hợp cùng Công ty nước mặt sông Đuống xây dựng phương án bổ sung nguồn nước mặt sông Đuống để đảm bảo cung cấp nước, giảm thiểu ảnh hưởng về cấp nước cho địa bàn quản lý khi có sự cố đường ống cấp nước từ Nhà máy nước mặt sông Đà và trong thời gian bảo dưỡng, sửa chữa khắc phục.

Trong trường hợp có sự cố hoặc bảo dưỡng, sửa chữa đường ống truyền dẫn của Nhà máy nước mặt sông Đuống, Công ty Cổ phần nước mặt sông Đuống xây dựng phương án sửa chữa khắc phục sự cố đường ống truyền tải nước mặt sông Đuống, đặc biệt các đường ống qua sông để đảm bảo kế hoạch cấp nước an toàn, xây dựng phương án cấp nước giảm thiểu ảnh hưởng do thiếu nguồn cấp từ nhà máy nước mặt sông Đuống.

Công ty nước sạch Hà Nội vận hành tối đa công suất các nhà máy Công ty đang quản lý để bổ sung nguồn thiếu hụt từ nhà máy nước mặt sông Đuống. Công ty Cổ phần nước đầu tư nước sạch sông Đà tăng công suất, bổ sung nguồn cấp cho Công ty Cổ phần Viwaco, Công ty TNHH MTV nước sạch Hà Đông, Công ty TNHH MTV nước sạch Hà Nội, bù đắp nguồn nước sạch từ nhà máy nước mặt sông Đuống.

Cần đẩy nhanh tiến độ dự án cấp nước nông thôn

Tính đến thời điểm hiện nay, khu vực đô thị cơ bản hoàn thành chỉ tiêu 100% hộ dân được cấp nước sạch nhưng khu vực Nông thôn mới đạt khoảng 75%, một số khu đô thị mới đang đưa vào sử dụng nhưng chưa có mạng lưới cấp nước đồng bộ, một số khu vực sử dụng nguồn nước từ các trạm cấp nước cục bộ nên vào cao điểm mùa hè có thể thiếu nước cục bộ, nhiều dự án phát triển nguồn nước, mạng cấp nước chưa hoàn thiện, thậm chí chưa thực hiện như dự án Nhà máy nước sông Đà giai đoạn II hợp phần 1 và hợp phần 2, dự án đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước Nhà máy nước sông Hồng.

Đặc biệt, nhiều dự án đầu tư phát triển mạng cho khu vực nông thôn chậm tiến độ hoặc có nguy cơ chậm tiến độ như: Nối mạng cấp nước 03 xã Xuân Phú, Vân Nam và Vân Phúc (huyện Phúc Thọ); Xây dựng hệ thống cấp nước 02 xã Long Xuyên và Thượng Cốc (huyện Phúc Thọ); Xây dựng hệ thống cấp nước sạch 8 xã của huyện Chương Mỹ và khu vực lân cận; Xây dựng hệ thống đường ống cung cấp nước sạch cho 11 xã Yên Sơn, Phượng Cách, Sài Sơn, Đồng Quang, Cộng Hòa, Tân Hòa, Tân Phú, Đại Thành, Hòa Thạch, Phú Cát và Đông Yên (huyện Quốc Oai)…

Nếu các dự án này không hoàn thành đúng tiến độ đề ra, mục tiêu theo Nghị quyết của HĐND phấn đấu đến năm 2020 tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch đạt 100% khó về đích.

Theo baoxaydung.com

 

 

Tin Liên Quan