Hạ tầng giao thông Hà Nội đã có nhiều đổi thay với gam màu tươi sáng

Ngày đăng: 08-10-2022

Hà Nội sẽ tập trung phát triển đồng bộ hạ tầng giao thông kết nối đô thị trung tâm với khu vực ngoại thành, các đô thị vệ tinh, các tỉnh, thành phố trong Vùng Thủ đô.

ha tang giao thong ha noi da co nhieu doi thay voi giam mau tuoi sang
Hà Nội đã từng bước đưa vào khai thác, vận hành hàng loạt các công trình hạ tầng giao thông đô thị góp phần tăng khả năng kết nối, giảm ùn tắc giao thông. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Trong những năm vừa qua, thành phố Hà Nội đã liên tục chú trọng đầu tư nhằm hoàn thiện mạng lưới hạ tầng giao thông. Và, bức tranh về giao thông Hà Nội hôm nay đã có nhiều đổi thay rõ nét về diện mạo với gam màu tươi sáng.

Điểm tựa tạo động lực cất cánh Thủ đô

Theo báo cáo của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, trên địa bàn thành phố hiện có 23.272,86km đường bộ, có Cảng hàng không quốc tế Nội Bài; mạng lưới đường sắt quốc gia; đường thủy trên các tuyến như sông Hồng, sông Đà, sông Đuống… Cả thành phố có khoảng 6,4 triệu phương tiện giao thông (5,6 triệu xe máy, hơn 685.000 xe ôtô các loại); chưa kể khoảng 1,2 triệu phương tiện từ các tỉnh, thành thường xuyên qua lại.

Thời gian qua, Hà Nội đã từng bước đưa vào khai thác, vận hành hàng loạt các công trình hạ tầng giao thông đô thị quan trọng; góp phần tăng khả năng kết nối, giảm ùn tắc giao thông, tạo động lực để thúc đẩy kinh tế phát triển.

Đơn cử, nhiều tuyến đường, nút giao thông quan trọng của Hà Nội đã được xây dựng đưa vào sử dụng thời gian qua như: Vành đai 2, cầu Vĩnh Tuy, Vành đai 3, trục phía Nam Hà Tây, Quốc lộ 1A (đoạn Văn Điển-Ngọc Hồi), một số đoạn tuyến của đường Vành đai 2,5 và 3,5; các công trình cầu vượt tại nút giao thông quan trọng như Nguyễn Văn Huyên-Hoàng Quốc Việt, An Dương-Thanh Niên, đường nối từ Vành đai 3 đến cao tốc Hà Nội-Hải Phòng, đường Tản Lĩnh-Ba Vì; hầm chui Lê Văn Lương… Những trục giao thông này đã, đang và sẽ cải thiện hạ tầng giao thông, diện mạo đô thị, tạo thêm lực phát triển cho Thủ đô.

Cùng với đó, thành phố cũng đang thi công xây dựng các công trình cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2, hầm chui Kim Đồng-Giải Phóng, tuyến đường sắt đô thị số 3 đoạn Nhổn-ga Hà Nội, tuyến đường Vành đai 2 trên cao và dưới thấp đoạn Vĩnh Tuy-Ngã Tư Vọng-Ngã Tư Sở, cầu vượt nút giao Phạm Ngọc Thạch-Chùa Bộc…

Đại diện Sở Giao thông Vận tải nhấn mạnh, Hà Nội thực sự cần thiết phát triển mạng lưới hạ tầng giao thông khung kết nối các thành phố, đô thị vệ tinh với đô thị trung tâm thông qua các tuyến đường hướng tâm, đường Vành đai và các cầu vượt sông.

Đồng tình quan điểm, chuyên gia giao thông Nguyễn Mạnh Thắng nhận định Hà Nội đang phát triển theo xu hướng chùm đô thị, với hạt nhân trung tâm là khu vực lõi bên trong Vành đai 4 và 5 đô thị vệ tinh xung quanh, cùng với sự tương hỗ của các đô thị thuộc tỉnh, thành lân cận như Bắc Ninh, Hải Dương, Thái Nguyên…

Đánh giá Hà Nội đã tạo được mạng lưới cơ bản vững mạnh về đường bộ, có sân bay lớn nhất nhì cả nước, tuy nhiên, Thạc sĩ Phan Trường Thành, chuyên gia quản lý đô thị thừa nhận lĩnh vực đường thủy và đường sắt lại chưa đáp ứng được kỳ vọng. Vì vậy, một mạng lưới hạ tầng giao thông toàn diện phải có sự gắn kết, đồng bộ giữa tất cả các loại hình. Trên thực tế, hệ thống hạ tầng giao thông khung của thành phố mới chỉ đang trong giai đoạn sơ khai, còn khá rời rạc và chưa phát huy được hết tác dụng.

Từ đó, ông Thành cho rằng Hà Nội cũng còn rất nhiều việc phải làm để nâng cấp, tối ưu hóa mạng lưới hạ tầng giao thông, nhằm phát huy đầy đủ hiệu quả của nó với tốc độ phát triển kinh tế-xã hội như vũ bão hiện nay.

Tiếp tục đầu tư để hoàn thiện kết nối

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn, Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố đã xác định “tập trung phát triển đồng bộ hạ tầng giao thông kết nối đô thị trung tâm với khu vực ngoại thành, các đô thị vệ tinh, các tỉnh, thành phố trong Vùng Thủ đô.”

“Thành phố sẽ đầu tư các tuyến đường, công trình giao thông khung (đường hướng tâm, đường vành đai và các cầu vượt sông) kết nối khu vực đô thị trung tâm; đầu tư các nút giao thông trọng điểm, đường trục chính đô thị; các tuyến đường sắt đô thị; cầu vượt sông; tập trung đầu tư từng bước hoàn thiện mạng lưới bến xe khách liên tỉnh khu vực Vành đai 4 theo quy hoạch…,” ông Tuấn nói.

Cụ thể, với đường sắt đô thị, thành phố sẽ hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng tuyến đường sắt đô thị thí điểm số 3, đoạn Nhổn-ga Hà Nội, đoạn trên cao vào cuối năm 2022; khởi công dự án tuyến đường sắt đô thị số 2, đoạn Nam Thăng Long-Trần Hưng Đạo; trình Quốc hội chấp thuận chủ trương đầu tư dự án tuyến đường sắt đô thị số 3, đoạn ga Hà Nội-Hoàng Mai; tuyến số 5, đoạn Văn Cao-Hòa Lạc (do thành phố đầu tư); tuyến số 1 Yên Viên-Ngọc Hồi (chuyển giao về thành phố chuẩn bị đầu tư).

Hà Nội cũng sẽ đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu chuẩn bị đầu tư các tuyến đường sắt đô thị còn lại, làm cơ sở khởi công trong giai đoạn 2025-2030; nghiên cứu quy hoạch vị trí sân bay thứ 2.

ha tang giao thong ha noi da co nhieu doi thay voi giam mau tuoi sang
Cầu Vĩnh Tuy 2 đang được triển khai thi công và dự kiến sẽ hoàn thành vào tháng 6/2023. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)

Không chỉ tăng khả năng kết nối giao thông, giao thương giữa các địa phương, khu vực, dự án đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô (cơ bản hoàn thành năm 2026 và đưa vào khai thác từ năm 2027) còn góp phần mở rộng, tạo ra không gian phát triển mới, có vai trò liên kết vùng, thúc đẩy phát triển đô thị hóa, có ý nghĩa rất lớn đối với phát triển kinh tế-xã hội, kéo giãn mật độ dân cư khu vực nội thị; giảm áp lực cho giao thông nội đô và các tuyến đường hiện hữu.

Đặc biệt, tại quy hoạch đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Hà Nội sẽ tiếp tục xây dựng 10 cầu vượt sông Hồng gồm: Hồng Hà, Mễ Sở (Vành đai 4), Thăng Long mới (Vành đai 3), Tứ Liên; Thượng Cát, Ngọc Hồi (Vành đai 3,5), cầu/hầm Trần Hưng Đạo, cầu Phú Xuyên, Vân Phúc (đường trục Bắc-Nam nối với tỉnh Vĩnh Phúc).

“Chúng ta vẫn nói về GDP tăng trưởng, kinh tế phát triển nhưng khi du khách tới Việt Nam, thứ ấn tượng với họ lại là hạ tầng giao thông, nó phản ánh sự phát triển của một đất nước. Nếu như trong nhiệm kỳ này, chúng ta tiến thêm được một bước về hạ tầng giao thông là rất đáng mừng,” đại biểu Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai, đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội cho hay.

Khẳng định trong quá trình đầu tư, nâng cấp, phát triển hệ thống hạ tầng giao thông, Hà Nội đã xác định được thứ tự ưu tiên, tập trung vào hoàn thiện trước những dự án, công trình hạ tầng giao thông khung có tính chất nền tảng, định hình cho toàn bộ mạng lưới, chuyên gia quản lý đô thị Phan Trường Thành cho rằng, lựa chọn đó là hợp lý và cần thiết để phát huy tối đa hiệu quả mỗi đồng vốn chi cho kiến thiết hạ tầng giao thông.

Để đầu tư mạnh mẽ hơn nữa cho hạn tầng giao thông, nhiều chuyên gia giao thông nhận định, không chỉ nguồn vốn mà ngay cả chính sách, cơ chế, triển khai đầu tư các dự án cũng phải quyết liệt, hiệu quả; đặc biệt lưu ý đến công tác giải phóng mặt bằng vốn là “điểm nghẽn” của các công trình giao thông./.

Theo Việt Hùng (Vietnam+)

Tin Liên Quan