Theo kết quả rà soát của Sở Tài nguyên và Môi trường Hải Dương, toàn tỉnh có 25.179 công trình xây dựng trên đất nông nghiệp chuyển đổi, trong đó 1.598 công trình là nhà trông coi sử dụng kết hợp vào mục đích làm nhà ở của cả hộ gia đình.
Một công trình xây dựng trên đất chuyển đổi ở Hải Dương (ảnh tư liệu). |
Về thời điểm vi phạm, theo báo cáo của UBND các huyện, thành phố, thị xã các trường hợp vi phạm tập trung ở giai đoạn trước khi UBND tỉnh Hải Dương ban hành Quyết định số 1654/2007/QĐ-UBND ngày 3/5/2007 quy định về quản lý và xây dựng nhà trông coi trên đất chuyển đổi trên địa bàn tỉnh; từ 3/5/2007 đến nay, tình trạng vi phạm cơ bản được kiểm soát, số lượng các trường hợp phát sinh mới rất ít.
Về nguyên nhân của các vi phạm, theo đánh giá của Sở Tài nguyên và Môi trường Hải Dương, nguyên nhân quan trọng nhất là sự buông lỏng quản lý của chính quyền các cấp, nhất là chính quyền cấp xã. Khi vi phạm xảy ra, UBND cấp huyện chưa vào cuộc quyết liệt để chỉ đạo, xử lý kịp thời.
Các khu chuyển đổi thường ở ngoài đồng, cách xa khu dân cư nên các hộ dân cần có nơi để tập kết, bảo quản công cụ lao động, có nhu cầu phải ở lại. Một bộ phận người dân do khó khăn hoặc nhận thức kém nên đã chuyển nhượng hết đất ở, tập trung ra khu chuyển đổi xây dựng nhà trông coi và sử dụng thành nhà ở của cả gia đình.
Bên cạnh đó, hầu hết các địa phương đều có chính sách hỗ trợ xây dựng hạ tầng khu chuyển đổi giúp cho các điều kiện về sinh hoạt được thuận lợi hơn, từ đó người dân hình thành tâm lý và mong muốn được sống lâu dài tại các khu chuyển đổi để thuận lợi trong sản xuất, đời sống.
Một số hộ dân cố tình vi phạm, có dấu hiệu giữ đất để chờ thời cơ chuyển nhượng cho một số người có điều kiện nhằm biến khu đất chuyển đổi thành các khu nghĩ dưỡng, vui chơi giải trí, kinh doanh dịch vụ…
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Hải Dương, thời gian qua, việc xử lý vi phạm trên đất chuyển đổi cơ bản thuộc thẩm quyền và trách nhiệm của UBND cấp xã, huyện. Mặc dù một số địa phương đã ban hành nghị quyết, kế hoạch chuyên đề tăng cường quản lý đất nông nghiệp chuyển đổi, xử lý các vi phạm xây dựng trên đất nông nghiệp nhưng việc triển khai thực hiện lại không thường xuyên, chủ yếu dừng lại ở việc rà soát, lập biên bản, yêu cầu giữ nguyên hiện trạng; chưa có những chế tài đủ mạnh, đủ sức răn đe theo quy định; chưa có những nghiên cứu, đánh giá để có những giải pháp căn cơ, lâu dài…
Theo Vị Thủy/Báo Xây dựng