Hòa Bình cần thực hiện đúng lộ trình xóa bỏ lò gạch thủ công

(Xây dựng) – Trong văn bản gửi Văn phòng Chính phủ về việc đầu tư nhà máy gạch Tuynel trên địa bàn tỉnh Hòa Bình, Bộ Xây dựng khuyến nghị tỉnh này thực hiện đúng lộ trình xóa bỏ lò gạch thủ công theo quy định của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định 1496/QĐ-TTg ngày 22/8/2014 phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển VLXD Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.


Ảnh minh họa.

Chấp thuận đầu tư vượt quy hoạch

Theo đánh giá của Vụ Vật liệu xây dựng (VLXD), Bộ Xây dựng về tình hình đầu tư, sản xuất và thực hiện quy hoạch phát triển VLXD tỉnh Hòa Bình, đến thời điểm hiện nay tỉnh này đã chấp thuận cho các nhà đầu tư sản xuất gạch đất sét nung với tổng công suất thiết kế 1.166 triệu viên/năm, trong khi theo quy hoạch phát triển VLXD do UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 286/QĐ-UBND ngày 20/3/2012, thì đến năm 2015 công suất gạch đất sét nung là 791 triệu viên/năm và đến năm 2020 là 847 triệu viên/năm.

Điều này cho thấy, việc chấp thuận đầu tư gạch đất sét nung của tỉnh Hòa Bình đã vượt 319 triệu viên/năm so với quy hoạch đã phê duyệt.

Báo cáo của Sở Xây tỉnh Hòa Bình cũng cho thấy, tỉnh Hòa Bình có tổng số 41 cơ sở sản xuất gạch xây với tổng công suất thiết kế khoảng 957 triệu viên/năm, nhưng sản lượng mới đạt khoảng 223 triệu viên, bằng khoảng 23% công suất.

Trong đó, gạch đất sét nung có 32 cơ sở với tổng công suất thiết kế là 545 triệu viên/năm, sản lượng khoảng148 triệu viên, bằng khoảng 27% công suất. Gạch không nung mới chỉ có 9 cơ sở với tổng công suất thiết kế hơn 412 triệu viên/năm, sản lượng hơn 75 triệu viên, đạt khoảng 18,2% công suất.

Như vậy, với thực trạng hệ thống các cơ sở sản xuất gạch xây hiện nay, tỉnh Hòa Bình vẫn chưa xóa bỏ lò gạch thủ công, thủ công cải tiến, lò vòng sử dụng nhiên liệu hóa thạch; chưa thực hiện đúng lộ trình của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định 1496…

Không chỉ có vậy, hầu hết các cơ sở sản xuất gạch nung đều không có vùng nguyên liệu, đất sét được thu gom từ nhiều nguồn: Đất hạ cốt ruộng, đất đào ao, đất san mặt bằng.

Cần thực hiện đúng lộ trình

Gần đây, tỉnh Hòa Bình có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ xin ý kiến về 08 dự án đầu tư nhà máy gạch tuy nen với tổng công suất thiết kế 410 triệu viên/năm. Theo UBND tỉnh Hòa Bình, 08 dự án này nằm trong số các Dự án Nhà máy gạch tuy nen đã được UBND tỉnh cấp Quyết định chủ trương đầu tư, đang thực hiện dở dang thủ tục đầu tư, đất đai, đặt hàng mua máy móc, thiết bị công nghệ, thực hiện khảo sát, thiết kế, thỏa thuận giải phóng mặt bằng. Nếu dừng đầu tư sẽ gây thiệt hại cho doanh nghiệp, mất cơ hội tạo công ăn việc làm cho người lao động địa phương.

Tuy nhiên, hiện cả 08 dự án đều chưa có quy hoạch vùng nguyên liệu, đang hoàn thiện hồ sơ pháp lý để bổ sung vào quy hoạch.

Cho ý kiến về việc đầu tư 08 nhà máy gạch tuy nen này, Bộ Xây dựng đề nghị tỉnh Hòa Bình thực hiện đúng lộ trình xóa bỏ lò gạch thủ công, thủ công cải tiến, lò vòng sử dụng nhiên liệu hóa thạch.

Bên cạnh đó, trên cơ sở quy hoạch phát triển VLXD của tỉnh, vùng nguyên liệu đã quy hoạch và tình hình tiêu thụ VLXD trên thị trường, Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình cần xem xét chấp thuận đầu tư dây chuyền đảm bảo công nghệ tiên tiến, mức độ cơ giới hóa cao, tự động hóa cao, tăng năng suất lao động, giảm tiêu hao nguyên liệu và nhiên liệu, đảm bảo các tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường theo quy định.

Hiện, tỉnh Hòa Bình có 32 cơ sở sản xuất gạch nung (13 lò Tuynel, 19 lò thủ công) với công suất khoảng 554 triệu viên/năm, trong đó lò Tuynel có 13 cơ sở với công suất 334 triệu viên/năm, lò vòng có 09 cơ sở với công suất khoảng 174 triệu viên/năm, lò đứng liên tục có 06 cơ sở với công suất khoảng 26 triệu viên/năm, lò thủ công có 04 cơ sở với công suất 9,9 triệu viên/năm. Năm 2017, tổng sản lượng đạt khoảng 148 triệu viên, bằng 27 % công suất thiết kế.

Như vậy, nếu tỉnh Hòa Bình dừng hoạt động các lò thủ công thì công suất còn lại khoảng 344 triệu viên gạch nung/năm.

Tuy nhiên, tỉnh Hòa Bình có nhiều lợi thế cho việc việc đẩy mạnh sản xuất và sử dụng gạch không nung nhằm hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. Bên cạnh đó, việc dần hạn chế sản xuất và sử dụng gạch nung mới là xu hướng phù hợp định hướng phát triển kinh tế – xã hội của đất nước trong thời kỳ đổi mới, đó cũng là lý do Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 1496/QĐ-TTg ngày 22/8/2014 phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển VLXD Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.

Thanh Nga

Tin Liên Quan