Hội thảo khoa học cát nghiền thay thế cát tự nhiên tại Quảng Ninh

(Xây dựng) – Ngày 08/6, tại Cung Quy hoạch Hội chợ và Triển lãm tỉnh Quảng Ninh, Bộ Xây dựng phối hợp cùng UBND tỉnh Quảng Ninh tổ chức Hội thảo khoa học công nghệ toàn quốc “Cát nghiền thay thế cát tự nhiên – Vật liệu thân thiện môi trường”.


Toàn cảnh Hội thảo.

Hội thảo có sự tham gia của hơn 200 đại biểu đến từ các Bộ, ngành, UBND các tỉnh và các viện nghiên cứu, trường đại học, hiệp hội nghề nghiệp, doanh nghiệp và chuyên gia trong cả nước.

Sử dụng cát nhân tạo gắn với định hướng phát triển kinh tế – xã hội

Phát biểu tại Hội thảo, ông Vũ Văn Diện – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết: Quảng Ninh hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế xã hội, tài nguyên khoáng sản phong phú và đa dạng, nơi tập trung của các nhà máy nhiệt điện, các mỏ khai thác than. Tỉnh đang thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ thực hiện chiến lược phát triển hạ tầng, nguồn nhân lực, khoa học công nghệ, đổi mới mô hình tăng trưởng từ nâu sang xanh.

Để có nguồn cung cấp vật liệu cho các tuyến đường và san nền các dự án phát triển đô thị, các khu công nghiệp, quan điểm chỉ đạo của tỉnh là sử dụng nguồn đất đá thải tại các bãi thải, hạn chế tối đa san gạt đồi lấy đất, cấm nạo vét và hút cát trên các luồng, tuyến cửa sông.


Ông Vũ Văn Diện – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh đề nghị các Bộ, ngành tiếp tục quan tâm, chỉ đạo phát triển cát nhân tạo.

Trong khi đó, nhu cầu về cát xây dựng và cát san lấp trên địa bàn rất lớn, giai đoạn 2018 – 2020 cần hơn 7,6 triệu m3 cát xây dựng, hơn 40 triệu m3 cát san lấp; giai đoạn 2021 – 2030 cần hơn 31 triệu m3 cát xây dựng và hơn 159 triệu m3 cát san lấp.

Tại tỉnh mới có Cty CP Thiên Nam đầu tư Dự án Thu hồi, chế biến đá cát kết tại các vị trí đầu tầng thải tại khu vực bãi thải Đông Cao Sơn của Cty CP Than Cọc Sáu – Vinacomin làm cát nghiền, vật liệu san nền.

Dự án có tổng vốn đầu tư hơn 280 tỷ đồng trên tổng diện tích hơn 23ha, công suất thiết kế 1.100 tấn/giờ với 2 dây chuyền chế biến sản phẩm hơn 1.800.000m3/năm tương đương hơn 3.100.000 tấn sản phẩm/năm.

Sản phẩm được Viện Vật liệu xây dựng, Trường Đại học Giao thông Vận tải đánh giá chứng nhận chất lượng sản phẩm và đưa vào công bố giá vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh.

Ông Vũ Văn Diện cho biết: Đây là lĩnh vực hoàn toàn mới, đề nghị Bộ Xây dựng và các Bộ Tài nguyên và Môi trường, Công Thương, các doanh nghiệp phát thải, các viện nghiên cứu, trường đại học và các nhà khoa học tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ đầu tư các dự án, doanh nghiệp sản xuất cát nhân tạo được khai thác đất, đá thải, sớm ban hành đầy đủ các tiêu chuẩn quốc gia, hướng dẫn kỹ thuật, định mức kinh tế kỹ thuật trong xử dụng tro, xỉ của các nhà máy nhiệt điện vào công trình xây dựng; xem xét điều chỉnh Thông tư số 33/2015/TT-BTNMT ngày 30/6/2015 về quản lý chất thải nguy hại, đưa danh mục xỉ thải của các nhà máy nhiệt điện là chất thải rắn thông thường; sớm lập và trình phê duyệt Đề án xử lý, sử dụng tro, xỉ thạch cao của các nhà máy nhiệt điện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 452/QĐ-TTg ngày 12/4/2017.

UBND tỉnh Quảng Ninh sẽ tiếp tục quan tâm, chỉ đạo các sở, ngành, địa phương và các chủ đầu tư quán triệt việc sử dụng cát có chất lượng và nguồn gốc xuất xứ, đặc biệt là sử dụng cát nhân tạo từ bãi thải mỏ, góp phần bảo vệ môi trường cũng như phù hợp định hướng phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.

Tiềm năng lớn nhưng phát triển còn hạn chế

Ông Phạm Văn Bắc – Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng, Bộ Xây dựng đánh giá, nguồn vật liệu thay thế cát tự nhiên ở nước ta rất lớn, bao gồm: Đá mạt, phế thải xây dựng và vật liệu thu hồi từ ngành công nghiệp khai thác mỏ, tro xỉ từ các nhà máy nhiệt điện.

Cát nhân tạo thay thế cát tự nhiên đã được sử dụng từ lâu cho công trình thủy điện Sơn La. Tuy nhiên, việc phát triển cát nhân tạo thay thế cát tự nhiên chưa nhiều, mới có khoảng gần chục cơ sở sản xuất tập trung tại Sơn La, Lai Châu, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Hà Nam, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương và Đồng Nai, với tổng công suất khoảng 3 triệu m3/năm.


Ông Phạm Văn Bắc – Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng mong muốn nhận ý kiến, đề xuất về cơ chế chính sách phát triển cát nhân tạo. 

Đến nay, Bộ Xây dựng đã ban hành 01 Quy chuẩn kèm theo 06 Tiêu chuẩn quốc gia và 01 chỉ dẫn kỹ thuật liên quan đến cát và vật liệu thay thế cát sử dụng trong bê tông, vữa xây trát và san lấp, đắp nền. Thời gian ngắn sắp tới, Bộ tiếp tục ban hành một số tiêu chuẩn quốc gia, hướng dẫn, chỉ dẫn kỹ thuật, định mức dự toán liên quan.

Bên cạnh đó, Bộ cũng đang phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giao thông Vận tải xây dựng Nghị định quản lý cát, sỏi lòng sông, quy chế hoạt động nạo vét, duy tu luồng hàng hải, để hạn chế tình trạng hoạt động khai thác cát trái phép.

Bên cạnh việc chỉ ra những hạn chế, bất cập hiện nay trong việc đưa cát nhân tạo vào cuộc sống, ông Phạm Văn Bắc cũng mong muốn nhận được các ý kiến, đề xuất về cơ chế, chính sách, tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức cũng như các vướng mắc tại địa phương, doanh nghiệp, để hoàn thiện các chính sách liên quan cho phát triển cát nhân tạo thay thế cát tự nhiên.

Đa dạng hóa chủng loại vật liệu xây dựng

Sở Xây dựng Quảng Ninh đã phối hợp với Viện Nghiên cứu và Ứng dụng vật liệu xây dựng nhiệt đới, Đại học Xây dựng thực hiện đề tài khoa học: “Nghiên cứu sử dụng cốt liệu tại chỗ tại địa phương tỉnh Quảng Ninh”, phục vụ công tác sản xuất bê tông và vữa, sử dụng phương pháp nghiên cứu thực nghiệm, sử dụng các tiêu chuẩn Việt Nam hiện hành để xác định và đánh giá các tính chất của loại cốt liệu, hỗn hợp bê tông, cường độ nén và cường độ uốn.

Cụ thể, qua việc sử dụng vật liệu là xi măng PCB40 Cẩm Phả, cốt liệu gồm 5 mẫu cát và 5 mẫu đá sỏi lấy tại các mỏ bãi sông suối các địa bàn tỉnh Quảng Ninh (Ba Chẽ, Bình Liêu, Đầm Hà, Hải Hà và Tiên Yên), cho cấp phối bê tông thường chịu lực, cấp phối bê tông chịu mặn, thiết kế thành phần vữa sử dụng cát tại địa phương và thiết kế thành phần vữa chịu mặn sử dụng cát tại địa phương, ông Bạch Đình Thiên – Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Ứng dụng vật liệu xây Nhiệt đới cho biết: Hoàn toàn có thể chế tạo các loại vữa và bê tông đáp ứng yêu cầu chất lượng theo các tiêu chuẩn hiện hành từ các nguồn cốt liệu tại chỗ, chất lượng thấp tại khu vực miền Đông tỉnh Quảng Ninh.

Việc tận dụng các nguồn nguyên liệu tại chỗ góp phần đa dạng hóa các chủng loại sản phẩm vật liệu xây trên thị trường của tỉnh, tận dụng nguồn nguyên liệu địa phương cùng với công nghệ sản xuất đơn giản, giúp hạ giá thành sản phẩm mà vẫn đảm bảo chất lượng và yêu cầu kỹ thuật.

Thanh Nga – Thanh Tâm

Tin Liên Quan