(Xây dựng) – Ngày 5/3, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng đã chủ trì cuộc họp Hội đồng tư vấn hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật xây dựng để xác định các công việc cần làm trong tháng 3/2020.
Thứ trưởng Lê Quang Hùng chủ trì cuộc họp Hội đồng tư vấn hệ thống Tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật xây dựng. |
Thành lập Hội đồng tư vấn hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật xây dựng
Ngày 3/3/2020, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà đã ký Quyết định 253/QĐ-BXD thành lập Hội đồng tư vấn hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật xây dựng (gọi tắt là Hội đồng tư vấn). Để triển khai Quyết định này, Bộ Xây dựng đã tổ chức một cuộc họp với đầy đủ thành viên Hội đồng vào ngày 5/3/2020.
Theo Quyết định 253/QĐ-BXD, Hội đồng tư vấn có 4 nhiệm vụ chính: Một là tư vấn hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật xây dựng theo định hướng lộ trình được phê duyệt đến năm 2030; Hai là tư vấn xác định danh mục tiêu chuẩn cốt lõi, danh mục quy chuẩn kỹ thuật xây dựng để biên soạn theo lộ trình đã được phê duyệt.
Ba là tư vấn danh mục tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật cần biên soạn hàng năm theo định hướng mới; Bốn là Tham gia Hội đồng tư vấn thẩm định đề cương chi tiết, nghiệm thu các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật hoặc cho ý kiến về nội dung tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật khi có yêu cầu của Chủ tịch Hội đồng.
Trong đó, Thứ trưởng Lê Quang Hùng giữ chức Chủ tịch Hội đồng tư vấn, chịu trách nhiệm chính điều hành các hoạt động của Hội đồng. Vụ Khoa học công nghệ và môi trường (Bộ Xây dựng) là cơ quan thường trực của Hội đồng, có trách nhiệm phối hợp với các cá nhân, cơ quan để thực hiện nhiệm vụ theo sự phân công của Chủ tịch Hội đồng.
Hội đồng tư vấn có 4 Tiểu ban Tư vấn kỹ thuật xây dựng. Đó là Tiểu ban Kết cấu và công nghệ xây dựng, Tiểu ban Sản phẩm hàng hóa, Vật liệu và cơ khí xây dựng, Tiểu ban Quy hoạch xây dựng và Hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị và nông thôn và Tiểu ban Kiến trúc và Hệ thống kỹ thuật bên trong công trình.
4 Tiểu ban này có các cơ quan đầu mối lần lượt là Viện Khoa học công nghệ xây dựng (IBST), Viện Vật liệu xây dựng (VIBM), Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia (VIUP) và Viện Kiến trúc quốc gia (VIAR).
Các Tiểu ban có trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ theo từng lĩnh vực được phân công bởi Hội đồng và đề xuất các nội dung kỹ thuật cần phải xem xét sửa đổi, hoặc xây dựng mới hàng năm trong kế hoạch đột xuất theo yêu cầu của Chủ tịch Hội đồng. Kinh phí hoạt động của Hội đồng tư vấn và các Tiểu ban lấy từ nguồn Ngân sách cấp hàng năm cho sự nghiệp khoa học.
Công việc cần làm trong tháng 3/2020
Phát biểu chỉ đạo cuộc họp, Thứ trưởng Lê Quang Hùng mong muốn, các chuyên gia sẽ giúp sức để Bộ Xây dựng có thể hoàn thành việc xây dựng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật xây dựng trong khoảng thời gian nhất định.
Hiện nay, Việt Nam có khoảng 29 quy chuẩn xây dựng rải rác trong tất cả các lĩnh vực. Tuy nhiên, Bộ Xây dựng đã họp với các bộ, ngành và thống nhất sẽ cơ cấu lại chỉ còn khoảng 13 quy chuẩn. Trong đó, Bộ Xây dựng sẽ chịu trách nhiệm ban hành khoảng 8 – 9 quy chuẩn với lộ trình biên soạn và ban hành trong vòng 5 năm tiếp theo.
Tính đến thời điểm hiện tại, Bộ Xây dựng đã và đang sửa đổi, làm mới một số quy chuẩn như Quy chuẩn 01, 04, 05, 06… Về cơ bản, các quy chuẩn đã được định hình tương đối rõ. Nhưng bên cạnh đó, ngành Xây dựng vẫn còn khoảng 800 – 900 tiêu chuẩn, cần được sắp xếp lại theo từng lĩnh vực và định hướng sửa đổi, bổ sung theo định hướng châu Âu.
Mặc dù vậy, Thứ trưởng Lê Quang Hùng cũng khẳng định, hệ thống tiêu chuẩn cũ theo Nga vẫn sẽ được áp dụng song song với hệ thống tiêu chuẩn mới để sau 10 năm sử dụng sẽ đánh giá lại và lựa chọn hệ thống tốt hơn.
Thứ trưởng cũng cho rằng, việc lựa chọn tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) phải thực hiện thật kỹ càng, tránh tình trạng nhiều tiêu chuẩn được đề xuất không xứng đáng, trong khi nhiều tiêu chuẩn cần thiết lại chưa được đề xuất. Cuối cùng, Thứ trưởng lưu ý các Tiểu ban về việc áp dụng các tiêu chuẩn cơ sở và tiêu chuẩn nước ngoài.
Tiếp thu chỉ đạo của Thứ trưởng Lê Quang Hùng, các Trưởng Tiểu ban lần lượt tham gia đóng góp ý kiến cho hệ thống Tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật xây dựng.
Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ xây dựng Nguyễn Đại Minh đóng góp ý kiến xây dựng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn trong lĩnh vực Kết cấu và công nghệ xây dựng. |
Trong đó, Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ xây dựng Nguyễn Đại Minh đã chia sẻ, các tiêu chuẩn cốt lõi cần được biên soạn trong lĩnh vực Kết cấu và công nghệ xây dựng như cơ sở thiết kế kết cấu kỹ thuật nền móng, tải trọng của tác động, thiết kế kết cấu bê tông cốt thép, kết cấu liên hợp thép – bê tông, kết cấu gạch đá, thiết kế móng cọc, thiết bị thi công… Tổng cộng, lĩnh vực Kết cấu và công nghệ xây dựng có khoảng 30 – 35 tiêu chuẩn.
Lĩnh vực vật liệu và cơ khí xây dựng có gần 500 tiêu chuẩn, chia thành 8 nhóm nhỏ. Đó là chất kết dính vô cơ; bê tông và vữa xây dựng; gốm sứ và vật liệu ốp lát; vật liệu lợp; kính xây dựng; vật liệu chịu lửa, cách nhiệt, chống cháy; vật liệu hữu cơ, hóa phẩm xây dựng và cơ khí xây dựng.
Chia sẻ tại cuộc họp, Viện trưởng Viện Vật liệu xây dựng Lê Trung Thành cho biết, Viện đã dự thảo các tiêu chuẩn phải làm từ nay đến năm 2030, bao gồm khoảng 400 tiêu chuẩn.
Ở lĩnh vực Quy hoạch xây dựng và hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị và nông thôn, Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia Nguyễn Thành Hưng chia sẻ, nhiều tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đã ban hành từ lâu, cần được sửa đổi, đổi mới. VIUP dự kiến sẽ xây dựng chương trình cụ thể và trình lên Hội đồng tư vấn trong tháng này.
Đối với Tiểu ban Hệ thống kỹ thuật bên trong công trình, Viện trưởng Viện Kiến trúc quốc gia Đỗ Thanh Tùng khẳng định, Viện Kiến trúc quốc gia đã nhanh chóng xây dựng danh mục công việc và thống kê hệ thống tiêu chuẩn trong lĩnh vực, khoảng 30-40 tiêu chuẩn.
Kết thúc cuộc làm việc, Thứ trưởng Lê Quang Hùng đề nghị, các Tiểu ban phải tổ chức họp trước ngày 20/3 để phân loại các Tiêu chuẩn cho từng Tiểu ban với đầu mối là Vụ Khoa học công nghệ và môi trường. Sau đó, các Tiểu ban sẽ lựa chọn các Tiêu chuẩn cốt lõi và xây dựng lộ trình biên soạn từ nay đến năm 2030.
Hữu Mạnh