(Xây dựng) – Mưa lớn trên diện rộng bắt đầu từ đêm 9/10 và kéo dài suốt ngày 10/10 đã khiến tất cả các con sông trên địa bàn: Quảng Ngãi, Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng dâng cao, gây ngập úng tại nhiều vùng trũng thấp… xuất hiện nhiều điểm sạt lở núi và lốc xoáy gây hư hại nhà dân.
Các tỉnh miền Trung đang dồn lực ứng phó với đợt mưa, lũ trên diện rộng. |
Theo Đài khí tượng thủy văn tỉnh Quảng Ngãi, từ đêm 9/10 và sáng 10/10, khu vực Quảng Ngãi có mưa to đến rất to và dông nhiều nơi. Lượng mưa (tính từ 19 giờ ngày 9/10 đến 9 giờ ngày 10/10) phổ biến 80 – 150mm, riêng Trà Phú (huyện Trà Bồng) 200,4mm; lưu vực hồ Núi Ngang 179,8mm; Trà Hiệp (huyện Trà Bồng) 165, 2mm.
Để chủ động ứng phó với diễn biến mưa, lũ, đảm bảo an toàn về tính mạng, tài sản của nhân dân và Nhà nước, vào hồi 15 giờ 30 phút, ngày 10/10/2022, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi đã có Công điện khẩn gửi Thủ trưởng các sở, ban, ngành; Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh, Cảng vụ Hàng hải Quảng Ngãi; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố; Công ty Điện lực Quảng Ngãi; Chủ các công trình hồ, đập thủy lợi, thủy điện trên địa bàn.
Mực nước các con sông ở miền Trung đang ở mức báo động cao, hiện đang tiếp tục lên. |
Tại các huyện miền núi Trà Bồng, Sơn Tây, Sơn Hà đã xuất hiện các điểm sạt lở núi, gây chia cắt, như: Trên tuyến Quốc lộ 24C từ huyện Trà Bồng (Quảng Ngãi) đi huyện Nam Trà My (Quảng Nam) xuất hiện 3 điểm sạt lở tại hai xã Trà Hiệp, Trà Thanh, khiến một lượng đất đá lớn đổ xuống mặt đường gây chia cắt, người và phương tiện không thể lưu thông. Một số vị trí trên tuyến đường ĐH83 thuộc huyện Sơn Tây cũng bị sạt lở, gây chia cắt hai xã Sơn Tinh và Sơn Lập.
Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Phong cho biết, trước mắt đơn vị đã chỉ đạo các lực lượng tập trung khắc phục nhanh tại một số vị trí xuất hiện sạt lở để đảm bảo an toàn giao thông. “Hiện đang mưa rất to, đối với các điểm sạt lở nhỏ, Sở tập trung phương tiện thu dọn đất đá tạm thời cho phương tiện lưu thông qua lại. Những khu vực bị sạt lở mạnh được cắm biển báo cấm người dân qua lại, đồng thời lên phương án khắc phục, lưu thông tuyến trong thời gian sớm nhất”, ông Phong thông tin.
Đến cuối giờ chiều 10/10, mưa lũ đã gây chia cắt nhiều tuyến đường giao thông và các khu dân cư trên địa bàn các huyện đồng bằng: Nghĩa Hành, Đức Phổ, Bình Sơn. Trong đó, Nghĩa Hành là địa phương bị ngập nặng nhất, nước lũ gây chia cắt tại các xã: Hành Dũng, Hành Nhân, Hành Đức, Hành Minh, Hành Tín Tây và thị trấn Chợ Chùa. Đến 17 giờ ngày 10/10, huyện Nghĩa Hành đã di dời 81 hộ với 139 khẩu đến nơi an toàn.
Nhiều vùng trũng thấp bị ngập sâu, xuất hiện nhiều điểm sạt lở ở các huyện miền núi. |
Trước đó, vào khoảng 13 giờ 30 phút ngày 10/10, tại xóm 4, thôn Vĩnh Tuy, xã Tịnh Hiệp (huyện Sơn Tịnh) đã xảy ra lốc xoáy kèm mưa lớn khiến 17 nhà dân bị tốc mái, hư hỏng, cây cối ngã đổ và 1 người bị thương. Sau khi sự việc xảy ra, lực lượng chức năng địa phương đã lập tức có mặt để hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả.
Hiện nước trên các con sông lớn ở Quảng Ngãi đang tiếp tục lên nhanh, mực nước trên sông Vệ tại trạm Sông Vệ là 4,12m, dưới mức báo động 3 là 0,38m; nước lũ trên sông Trà Câu tại trạm Trà Câu là 5,77m, trên mức báo động 3 là 0,27m. Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm, cứu nạn tỉnh Quảng Ngãi đã ra công điện chỉ đạo ứng phó khẩn cấp, đặc biệt là triển khai ngay công tác di dời dân ở vùng trũng, vùng có nguy cơ sạt lở núi.
Theo Đài khí tượng và thủy văn Quảng Ngãi, dự báo đêm 10/10 đến sáng 11/10, lũ trên các sông tiếp tục lên và đạt đỉnh, sau đó xuống chậm. Đỉnh lũ trên các sông có khả năng như sau: sông Vệ tại trạm Sông Vệ 5,20m, trên mức báo động là 0,70m; sông Trà Khúc tại trạm Trà Khúc 6,00m, dưới mức báo động 3 là 0,50m; sông Trà Bồng tại trạm Châu Ổ dao động ở trên mức báo động; sông Trà Câu xuống chậm.
Mưa lớn kéo dài từ đêm 9 đến sáng 10/10, khiến nhiều tuyến đường tại huyện Hòa Vang (thành phố Đà Nẵng) bị ngập sâu, địa phương phải rào chắn cảnh báo nguy hiểm và cho học sinh nghỉ học… Chính quyền địa phương cũng lên các phương án, sẵn sàng sơ tán người dân vùng thấp trũng đến nơi an toàn.
Theo Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự Đà Nẵng, tính đến 8 giờ 10/10, có 4/11 xã tại huyện Hòa Vang bị ngập úng do mưa lớn. Cụ thể, tại xã Hòa Bắc, thôn Lộc Mỹ, thôn Nam Yên và thôn An Định ngập đường thôn và chia cắt. Tại xã Hòa Liên, nước lớn gây ngập cục bộ các thôn Trung Sơn, Hiền Phước, Trường Định.
Lốc xoáy gây hư hại nhà dân ở Quảng Ngãi. |
Cụ thể, tại sông Yên (trạm Hòa Khương) lượng nước mưa đo được lên đến 314,4mm, tại sông Cu Đê (trạm Hòa Bắc) 225mm, tại sông Túy Loan (tại Hòa Phú Thành) 262,6mm… Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự Đà Nẵng đề nghị các địa phương sẵn sàng phương án phòng chống lũ, lũ quét và sạt lở đất, rà soát các khu dân cư tại vùng trũng thấp, có kế hoạch sơ tán dân đến nơi an toàn. Tại xã Hòa Phong, nước sông Túy Loan dâng cao gần bằng đường Quốc lộ 14G, vùng rau Túy Loan, ớt Bồ Bản đã ngập, xã đang kiểm tra theo dõi để rào chắn những điểm nguy hiểm.
Ông Trần Đại Nghĩa – Chủ tịch UBND xã Hòa Phong (huyện Hòa Vang), cho biết hiện tại nước sông Túy Loan dâng cao đã ảnh hưởng đến nhiều hộ dân thuộc thôn An Tân, Túy Loan Đông. Lực lượng công an xã Hòa Phong phối hợp với Công an huyện Hòa Vang đã giăng dây cảnh báo, cấm các phương tiện lưu thông qua khu vực ngập sâu, nguy hiểm.
Đại diện UBND xã Hòa Phong cho hay, trong sáng 10/10, địa phương đã xây dựng phương án di dời người dân ở vị trí thấp đến nơi an toàn khi nước sông dâng cao, gây ngập lụt diện rộng.
“Đối với người dân ở 2 thôn An Tân và Túy Loan Đông, do địa hình cao hơn nên nhà cửa chưa ngập sâu, địa phương vẫn theo dõi khu vực và tuyên truyền để người dân ứng phó kịp thời. Bên cạnh đó, đối với thôn Bồ Bản (khu vực giáp sông Túy Loan) nước sông dâng đã có ảnh hưởng, lực lượng địa phương gồm dân quân tự vệ, công an… đã sẵn sàng di dời người dân ở khu vực này. Nếu nước sông dâng cao thì địa phương sẽ di dời người dân sẽ được di dời đến các cơ sở trường học ở vị trí cao trên địa bàn xã”, ông Nghĩa nói.
Được biết, trong sáng toàn huyện Hòa Vang có 28 trường cho học sinh nghỉ học do lụt. Trong đó, bậc mầm non có 10 trong tổng số 19 trường; tiểu học có 14/19 trường và THCS có 4 trường.
Hai ngày qua, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam có mưa lớn, mực nước trên các sông dâng cao, nhiều khu vực trũng thấp bị ngập nước. Nước lũ đã làm 2 người dân ở miền núi bị cuốn mất tích khi lội qua sông.
Ông Trương Tuyến – Giám đốc Đài khí tượng thủy văn tỉnh Quảng Nam cho biết, hiện mực nước trên sông Vu Gia, Thu Bồn và Tam Kỳ đang lên cao. Mực nước đo lúc 10 giờ ngày 10/10 tại các trạm: Hội Khách là 13,03m (dưới mức báo động 1: 1,42m), Ái Nghĩa: 7,62m (dưới báo động 2: 0,38m), Giao Thủy: 3,89m (dưới báo động 1: 2,61m), Câu Lâu: 1,58m dưới động 1: 0,42m), Hội An: 1,08m (trên báo động 1: 0,08m và Tam Kỳ: 0,95m (dưới báo động 1: 0,75m). Dự báo, trong khoảng 6 đến 24 giờ tới lũ trên sông Vu Gia, tại Ái Nghĩa tiếp tục lên ở mức xấp xỉ báo động 3; trên sông Thu Bồn và sông Tam Kỳ khả năng lên ở mức báo động 1 đến báo động 2.
Đã có thiệt hại về người trong đợt mưa lũ lần này. |
Theo đó, nguy cơ cao xảy ra ngập úng, ngập lụt sâu những vùng trũng thấp, ven sông suối tại: Thành phố Tam Kỳ, thành phố Hội An, thị xã Điện Bàn và các huyện: Đại Lộc, Duy Xuyên và Núi Thành…
Để tập trung ứng phó mưa lũ và tình hình thời tiết nguy hiểm trên biển, UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa lũ, tình hình thời tiết; kịp thời tập trung chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó mưa lũ theo phương châm “bốn tại chỗ”.
Tiếp tục rà soát các khu vực không bảo đảm an toàn, nhất là các khu vực bị ngập sâu, chia cắt, vùng trũng thấp ven sông suối, khu vực nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất; bố trí lực lượng canh gác, chốt chặn, nghiêm cấm người và phương tiện đi lại trên những tuyến đường bị ngập sâu, nước chảy xiết, ngầm, tràn, nơi dễ sạt lở đất, trên các sông, suối, hồ chứa nước; kiên quyết di dời, sơ tán người dân, phương tiện, tài sản tại những nơi nguy hiểm, có nguy cơ ảnh hưởng của ngập sâu, sạt lở, lũ quét.
Đợt mưa lũ diễn ra không lâu sau khi miền Trung phải hứng chịu cơn bão số 4 (Noru). |
Thông báo cho các chủ đầu tư, đơn vị thi công công trình, nhất là các công trình đang thi công ở ven sông, trên sông, trên biển, khu vực miền núi, các hồ chứa nước, chủ các phương tiện vận tải thủy, các đơn vị khai thác khoáng sản biết thông tin về tình hình mưa lũ; chủ động các biện pháp ứng phó, có phương án bảo đảm an toàn cho người, phương tiện, thiết bị, vật tư tại công trình; trường hợp không bảo đảm an toàn phải tổ chức di dời công nhân, phương tiện thi công đến nơi an toàn.
Ngọc Long – Lê Danh/ Baoxaydung