(Xây dựng) – Dư cung cao và vẫn còn những nhà máy xi măng (XM) làm ăn thua lỗ cần tái cấu trúc. Đã đến lúc bản đồ ngành công nghiệp cần được xem xét kỹ trước khi quyết định thêm các điểm đầu tư nhà máy mới.
Ảnh minh hoạ.
Cuộc chiến tiêu thụ cực cam go…
Hiện cả nước có 83 dây chuyền sản xuất XM với tổng công suất đạt 98,56 triệu tấn. Nhưng con số chưa dừng lại ở đây, trong năm 2018, dự kiến sẽ có 3 dây chuyền với công suất 10,1 triệu tấn sẽ đi vào vận hành, gồm Xi măng Sông Lam dây chuyền 3,4 (giai đoạn 2) của tập đoàn The Vissai, công suất 3,8 triệu tấn/năm; Xi măng Kaitô Hà Tiên của Thai Group công suất 4,5 triệu tấn; Xi măng Tân Thắng (Nghệ An) công suất 1,8 triệu tấn/năm.
Như vậy, tổng công suất thiết kế của ngành XM Việt Nam tính đến hết năm 2018 là 108,66 triệu tấn. Nhưng thực tế, nhiều nhà máy XM ứng dụng công nghệ hiện đại và có khả năng chạy vượt công suất thiết kế thì số XM và clinker sản xuất sẽ vượt ngưỡng 108,66 triệu tấn.
Mặc dù, thị trường tiêu thụ XM nội địa và xuất khẩu trong 5 tháng vừa qua có mức tăng khá, giá XM cũng nhích nhẹ do nguyên nhiên vật liệu đầu vào tăng nhưng cuộc chiến tiêu thụ vẫn hết sức cam go. Với những sản phẩm XM đã có thương hiệu và có thị trường, chiến lược tiêu thụ cũng được thay đổi sát sao và nhắm đến đích là các nhà phân phối và người tiêu dùng. Có đơn vị dùng chiêu chiết khấu, khuyến mại để tăng doanh số. Nhưng cũng có những thương hiệu XM có khuyến mại, chiết khấu giảm giá thì việc tiêu thụ cũng hết sức khó khăn. Và XM Quang Sơn (Thái Nguyên) nằm trong số đó.
Được kỳ vọng sẽ tạo được sức bật, giúp thay đổi cơ cấu kinh tế cũng như tạo công ăn việc làm cho người dân Thái Nguyên nhưng sau gần 10 năm đi vào hoạt động, XM Quang Sơn đang gánh trên vai khoản nợ khổng lồ. Hơn 1 năm trước, XM Quang Sơn đã có lượng tiêu thụ tạm ổn, tưởng chừng vực dậy vượt qua khó khăn nhưng đến nay dường như sức của XM Quang Sơn khó có thể bật lên. Lượng tiêu thụ kém, sản xuất không hiệu quả. Một nguồn tin cho biết, trong gần 6 tháng đầu năm 2018 XM Quang Sơn chỉ tiêu thụ được trên dưới 100 ngàn tấn – một con số kiêm tốn so với công suất thiết kế 1,5 triệu tấn/năm của nhà máy này.
Nghịch lý ngành XM
Một nghịch lý vẫn cứ tồn tại trong ngành XM đó là trong bối cảnh XM dư cung cao mà vẫn có những nhà máy được xây dựng mới hay mở rộng thêm dây chuyền sản xuất và cũng vẫn có một số nhà máy bết bát vì nợ nần mà không thể bán được. Tái cấu trúc ngành đã và đang được triển khai hiệu quả, tích cực nhưng những nhà máy ôm khoản nợ khổng lồ như XM Quang Sơn thì không có nhà đầu tư nào mặn mà. Trong bối cảnh XM dư cung khá cao, việc mua bán sáp nhập (M&A) các nhà máy XM cũng không được nhiều nhà đầu tư quan tâm nhiều.
Theo dự báo của Hiệp hội XM Việt Nam, các nhà máy XM không ngừng đầu tư cải tiến kỹ thuật, công nghệ nên năng lực sản xuất thực tế đến năm 2020 có thể lên đến 120 – 130 triệu tấn/năm. Với tốc độ tăng trưởng như hiện nay, đến năm 2020 sẽ dư thừa từ 36 – 47 triệu tấn. Còn theo dự báo trong quy hoạch, với khả năng tiêu thụ trong nước năm 2020 là 93 triệu tấn thì sẽ dư thừa khoảng 25 – 36 triệu tấn.
Đại diện doanh nghiệp kiến nghị: Để giảm bớt áp lực dư cung quá cao và để không còn tình trạng đầu tư ồ ạt các nhà máy XM như trước đây, Chính phủ và Bộ Xây dựng nên có kế hoạch giãn tiến độ đầu tư xây dựng các nhà máy XM giai đoạn 2019 – 2025. Một nhà máy XM được đầu tư xây dựng và đi vào sản xuất đòi hỏi vốn đầu tư lớn, trong đó vốn tự có của nhà đầu tư phải cao, vận hành và quản trị chuyên nghiệp, có chiến lược thị trường tốt thì mới có tương lai tồn tại và phát triển. Nếu nhà máy có tỷ lệ vốn vay quá cao thì nên xem xét lại trước khi cấp giấy chứng nhận đầu tư để không lặp lại tình trạng hàng loạt các nhà máy làm ăn thua lỗ như trước đây.