Cùng với nhiều quyết sách lớn từ Trung ương, thành phố Buôn Ma Thuột đang tập trung nguồn lực để phát triển xứng tầm là đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên.
Thành phố Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk. (Ảnh: TTXVN phát) |
Với vị trí ở trung tâm khu vực Tây Nguyên, thành phố Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk) đang đứng trước cơ hội lớn để phát triển xứng tầm là đô thị trung tâm vùng theo Kết luận 67-KL/TW ngày 16/12/2019 của Bộ Chính trị.
Đặc biệt, hiện nay, Trung ương đang triển khai nhiều quyết sách lớn để thúc đẩy thành phố Buôn Ma Thuột phát triển. Do đó, thành phố cần nắm bắt thời cơ, vượt qua thách thức để “cất cánh” thời gian tới, trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên.
Cơ hội lớn
Năm 2022, mặc dù phải đối mặt nhiều khó khăn, thách thức song với sự nỗ lực của Đảng ủy, chính quyền, nhân dân thành phố Buôn Ma Thuột, các chỉ tiêu kinh tế-xã hội đều đạt kết quả cao, thu ngân sách nhà nước đạt trên 2.600 tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay, tăng 37,5% so với cùng kỳ năm trước.
Tình hình quốc phòng, an ninh, trật tự xã hội được đảm bảo. Thành phố đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2020 theo Quyết định số 770/QĐ-TTg ngày 24/6/2022.
Quốc hội ban hành Nghị quyết số 72/2022/QH15, có hiệu lực từ ngày 1/1/2023 thực hiện thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk trong 5 năm.
Đây sẽ là cơ sở, nguồn lực to lớn để thành phố tiếp tục vững bước trên con đường phát triển và phấn đấu trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên theo Kết luận 67-KL/TW ngày 16/12/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Buôn Ma Thuột đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Ủy ban Nhân dân tỉnh đã ban hành Kế hoạch triển khai Nghị quyết số 72/2022/QH15 với mục tiêu sớm đưa Nghị quyết vào thực tiễn, thúc đẩy kinh tế-xã hội của thành phố Buôn Ma Thuột và tỉnh Đắk Lắk thời gian tới.
Bên cạnh đó, Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 6/10/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cũng tạo động lực, điều kiện để phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk và toàn vùng Tây Nguyên.
Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Buôn Ma Thuột Vũ Văn Hưng, Nghị quyết số 72/2022/QH15 với cơ chế, chính sách đặc thù, ưu đãi như về quản lý tài chính, ngân sách nhà nước; phân cấp quản lý nhà nước trong lĩnh vực quy hoạch; ưu đãi thu hút đầu tư; ưu đãi đối với chuyên gia, nhà khoa học và người có tài năng đặc biệt là điều kiện thuận lợi để kinh tế – xã hội thành phố phát triển.
Thành tựu Đảng bộ, chính quyền, nhân dân thành phố Buôn Ma Thuột đạt được cùng những quyết sách của Trung ương đang triển khai, sẽ là tiền đề quan trọng, “đòn bẩy,” mở ra cơ hội lớn để thành phố “bứt tốc” phát triển trong tương lai gần.
Vượt thách thức, phát triển xứng tầm
Theo Ủy ban Nhân dân thành phố Buôn Ma Thuột, bên cạnh thuận lợi trong phát triển kinh tế-xã hội, thời gian tới, thành phố xác định có nhiều khó khăn, thách thức như: kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội chưa đáp ứng yêu cầu phát triển; ảnh hưởng của phát triển đô thị hóa tạo sức ép lớn về nhu cầu xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị, việc làm, nhà ở, dịch vụ y tế, giáo dục và xử lý ô nhiễm môi trường đô thị…
Thành phố Buôn Ma Thuột. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN) |
Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Buôn Ma Thuột Vũ Văn Hưng cho biết xác định được khó khăn thách thức, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố quyết tâm cao độ trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, nắm bắt tốt cơ hội để phát triển. Một trong những nội dung trọng tâm trong thời gian tới là tập trung triển khai hiệu quả cơ chế, chính sách đặc thù Nghị quyết số 72 của Quốc hội, tập trung nguồn lực tài chính đầu tư hạ tầng, phát triển dịch vụ đô thị và an sinh xã hội; thu hút nhà đầu tư ở các lĩnh vực chế biến nông sản, nhất là càphê để phát triển chế biến sâu, nâng cao giá trị nông sản, tạo nên giá trị gia tăng cho các loại nông sản của thành phố, của tỉnh Đắk Lắk và cả khu vực Tây Nguyên…; tạo động lực mạnh mẽ để phát triển Buôn Ma Thuột trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên với tiêu chí đô thị xanh, sinh thái, bản sắc và thông minh gắn kết chặt chẽ giữa đô thị hóa, xây dựng nông thôn mới.
Đồng thời, thành phố tập trung cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh cùng những chính sách trong hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; huy động tốt hơn nguồn lực phát triển, đặc biệt là nguồn lực từ thành phần kinh tế tư nhân, góp phần đổi mới mô hình tăng trưởng, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của thành phố nhanh, bền vững; khắc phục tồn tại, hạn chế cải cách hành chính, thực hiện đạt các chỉ tiêu đề ra…
Thành phố có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển, nâng cao chuỗi giá trị ngành công nghiệp tiềm năng, trọng điểm phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu như chế biến càphê, tiêu, ca cao, bơ, các ngành công nghệ cao…
Cùng với đó là chú trọng phát triển trồng trọt, chăn nuôi tập trung theo hình thức liên kết theo chuỗi và ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất; mở rộng trồng trọt, chăn nuôi theo hướng VietGAP; ứng dụng khoa học, kỹ thuật cải tạo chất lượng nguồn giống để nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng.
Bên cạnh đó, thành phố khai thác, sử dụng hiệu quả tiềm năng, thế mạnh địa phương, đồng thời vận dụng tốt cơ chế, chính sách của Trung ương và của tỉnh để thu hút vốn đầu tư phát triển thành phố; thúc đẩy hoạt động thương mại đi đôi với thực hiện tốt công tác quản lý thị trường, tăng cường liên kết, hợp tác để phát triển thương mại, dịch vụ và tiêu thụ sản phẩm.
Địa phương tập trung xây dựng, thực hiện Đề án “Phát triển thương hiệu thành phố Buôn Ma Thuột trở thành “thành phố càphê của thế giới;” phát triển du lịch theo hướng sinh thái, khai thác giá trị văn hóa địa phương gắn với các di tích quốc gia.
Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Tuấn Hà đánh giá, các quyết sách của Trung ương và kế hoạch thực hiện của địa phương đang mở ra cơ hội cho thành phố Buôn Ma Thuột phát triển, trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên theo Kết luận 67 của Bộ Chính trị.
Trong số đó, thành phố sẽ có nguồn lực mới, đủ mạnh để đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị, hạ tầng liên kết vùng; thu hút nhà đầu tư, nhất là dự án trọng điểm trên tất cả lĩnh vực; thu hút nhân tài, nhà khoa học phục vụ phát triển của địa phương.
Để thực hiện được mục tiêu đề ra, Đắk Lắk đã và đang triển khai các nhiệm vụ, trong đó giao cụ thể cho từng sở, ngành, chính quyền thành phố nhằm bắt kịp, hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Đặc biệt là triển khai ngay cơ chế, chính sách đặc thù từ Nghị quyết số 72 của Quốc hội để phát huy tối đa hiệu quả của chính sách khi Nghị quyết thực hiện thí điểm trong 5 năm.
Trong quá trình thực hiện các chủ trương, chính sách của Trung ương, tỉnh sẽ chủ động làm việc các Bộ, ngành, Chính phủ để tháo gỡ nhằm tạo động lực mạnh mẽ nhất cho thành phố Buôn Ma Thuột phát triển thành đô thị xanh, sinh thái, bản sắc và thông minh, xứng tầm là đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên theo Kết luận của Bộ Chính trị đã đề ra./.
Theo Tuấn Anh (TTXVN/Vietnam+)