Nằm ở vị trí cửa ngõ phía Bắc Thành phố trung tâm, theo định hướng quy hoạch, khu vực huyện Đông Anh sẽ là khu vực phát triển đô thị quan trọng của Thủ đô Hà Nội; Là khu vực đô thị mới, trung tâm hành chính thương mại giao dịch quốc tế, công nghiệp kỹ thuật cao, phát triển đô thị hiện đại gắn với bảo tồn giá trị di sản khu di tích thành Cổ Loa và giá trị cảnh quan thiên nhiên đầm Vân Trì – sông Thiếp. Với việc hoạch định phát triển phía bắc Bắc sông Hồng, ý tưởng hình thành thành phố hai bên sông đang dần trở thành hiện thực. Kiến trúc Việt Nam đăng tải những nội dung chính trong Quy hoạch và định hướng phát triển phía Bắc sông Hồng để bạn đọc hiểu rõ hơn về phát triển khu vực này tới năm 2030, tầm nhìn 2050.
Định hướng quy hoạch khu vực
Định hướng quy hoạch khu vực Bắc sông Hồng qua các thời kỳ
Theo Định hướng quy hoạch Tổng thể Hà Nội các thời kỳ: 1954,1960, 1960-1964, 1979, 1981, 1992, Hà Nội chủ yếu phát triển khu vực phía Nam sông Hồng và một phần phía Bắc thuộc huyện Đông Anh, và Gia Lâm (khu vực phía Bắc được định hướng chủ yếu là dự trữ phát triển).
Ngày 20/6/1998, tại Quyết định số 108/1998/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Điều chỉnh QHC Thành phố Hà Nội đến năm 2020. Cơ cấu quy hoạch không gian bao gồm: TP Hà Nội trung tâm và các đô thị xung quanh thuộc các tỉnh Hà Tây, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh và Hưng Yên với bán kính ảnh hưởng từ 30 đến 50 km. Hà Nội đóng vai trò thành phố trung tâm trong chùm đô thị Hà Nội với định hướng phát triển hai bên bờ sông Hồng. Như vậy theo quy hoạch này, khu vực Bắc sông Hồng đã bắt đầu được định hướng phát triển đô thị.
Ngày 26/07/2011, tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, được định hướng phát triển khu vực Bắc sông Hồng sẽ trở thành Trung tâm hành chính thương mại giao dịch quốc tế, công nghiệp kỹ thuật cao, phát triển đô thị hiện đại gắn với bảo tồn giá trị di sản khu di tích thành Cổ Loa và giá trị cảnh quan thiên nhiên đầm Vân Trì – sông Thiếp: “Đô thị trung tâm được phát triển mở rộng về phía Bắc sông Hồng để hình thành ý tưởng thành phố hai bên sông. Khu vực này được phân tách thành các khu đô thị tập trung bởi các nêm xanh sông Đuống, Cổ Loa và đầm Vân Trì. Mạng lưới cây xanh, mặt nước sinh thái hiện có tại khu vực được bảo vệ và duy trì để hình thành nên các không gian xanh đô thị. Trong đó hình thành các không gian chủ đạo về cây xanh, mặt nước, văn hóa: Đền Hai Bà Trưng – Sông Thiếp, Đầm Vân Trì – Cổ Loa – Đền Đô – Làng Phù Đổng; Cổ Loa – sông Hồng kết nối với Hồ Tây; Trục cầu Nhật Tân – Nội Bài gắn với trung tâm tài chính, thương mại, dịch vụ, du lịch, triển lãm, logicstic…. “.
Định hướng quy hoạch chung xây dựng Thủ đô (khu vực huyện Đông Anh)
Theo định hướng quy hoạch chung, Khu vực Bắc Sông Hồng có mô dân số đến năm 2030 khoảng 1,7 triệu dân được chia thành 4 khu vực để quản lý phát triển bao gồm: C1- Khu đô thị Mê Linh – Đông Anh. C2- Khu đô thị Đông Anh. C3- Khu đô thị Đông Anh – Yên Viên. C4- Khu đô thị Long Biên – Gia Lâm.
QH chung XD thủ đô HN 2011-2030, tầm nhìn 2050
Theo đó, địa bàn huyện Đông Anh gồm toàn bộ Khu đô thị Đông Anh (C2) và một phần các khu đô thị Mê Linh – Đông Anh (C1) và Đông Anh – Yên Viên (C3) và được định hướng:
– Tạo dựng hình ảnh đô thị mới hiện đại phía Bắc sông Hồng với các công trình kiến trúc có giá trị văn hoá lịch sử (thành Cổ Loa) và các công trình xây dựng mới tiêu biểu kết nối với trục không gian Hồ Tây-Cổ Loa.
– Phát triển đô thị Đông Anh trên cơ sở mở rộng thị trấn Đông Anh về 2 phía tuyến đường vành đai 3 Hà Nội, khai thác và tận dụng tối đa và thiết lập các trục cảnh quan gắn với Sông Hồng, sông Đuống, sông Cà Lồ, đầm Vân Trì và khu di tích Cổ Loa.
– Thiết lập không gian đô thị mới hiện đại dọc trục Nhật Tân – Nội Bài, các trung tâm về tài chính, ngân hàng và dịch vụ chất lượng cao.
– Hình thành trục phát triển đô thị gắn với trục cao tốc Thăng Long – Nội Bài, kết nối với sân bay Nội Bài và hành lang kinh tế dọc Quốc lộ 18, phát triển trung tâm thương mại khu vực Bắc Hà Nội, khu dịch vụ Logistic và các khu công nghiệp sạch, đa ngành, kỹ thuật cao. Trên trục Thăng Long – Nội Bài tạo dựng cảnh quan đô thị bằng không gian xanh, hoa, cây cảnh.
Các đồ án quy hoạch
Các đồ án quy hoạch phân khu (thuộc địa bàn huyện Đông Anh)
Nhằm cụ thể hóa QHC, TP Hà Nội đã chỉ đạo triển khai các đồ án Quy hoạch phân khu, theo đó khu vực Bắc Sông Hồng được phân chia thành 18 phân khu để nghiên cứu (các phân khu đô thị từ N1 đến N11, các phân khu hành lang xanh, nêm xanh GN, GN(A), GN(B), GN(C), GN(DB), Phân khu sông Hồng (R), sông Đuống(R6)).
Sơ đồ các phân khu đô thị Bắc Sông Hồng
Các đồ án quy hoạch phân khu được lập trên cơ sở cụ thể hóa QHC xây dựng Thủ đô về định hướng phát triển không gian, kiến trúc cảnh quan, phân vùng chức năng (các trục không gian, khu vực bảo tồn, khu vực phát triển mới, nêm xanh, hành lang xanh…), khung giao thông và hạ tầng kỹ thuật. Theo đó, xác định cụ thể chức năng, chỉ tiêu của từng ô quy hoạch (quy mô dân số, chỉ tiêu sử dụng đất, mật độ xây dựng, tầng cao tối thiểu, tối đa), làm cơ sở để triển khai các đồ án quy hoạch chi tiết.
Các đồ án quy hoạch chi tiết, dự án đang triển khai trên địa bàn huyện:
Hiện nay trên địa bàn huyện hơn có hơn 90 đồ án, dự án đã và đang triển khai; được chấp thuận chủ trương, cụ thể như sau:
– Các dự án hai bên tuyến đường Nhật Tân – Nội Bài (đường Võ Nguyên Giáp): Sau khi đồ án Quy hoạch chi tiết hai bên trục Nhật Tân – Nội Bài kèm theo cơ chế đặc thù phát triển dự án hai bên tuyến được phê duyệt. Có rất nhiều nhà đầu tư quan tâm, đăng ký triển khai các dự án.
– Các dự án thành phần hai bên tuyến: Dự án công viên Kim Quy (Tập đoàn Sun Group); Dự án Công viên công nghệ phần mềm (Tập đoàn Vingroup); Dự án Trung tâm tài chính Phương Trạch (Tập đoàn BRG), Dự án phát triển đô thị hai bên tuyến đường Võ Nguyên Giáp và đường Trường Sa (Tập đoàn Sun Group); Dự án Tổ hợp khách sạn nghỉ dưỡng (Công ty Duyên Hà), Dự án Khu liên hợp Bệnh Viện Chi (Công ty CP y tế Chi), Dự án Trường cao đẳng nghề công nghiệp; Dự án Tổ hợp Y tế – Chăm sóc sức khỏe Công nghệ cao tại Hà Nội (Tập đoàn TH Group)….
– Dự án công trình công cộng, thương mại, dịch vụ, xã hội: Trung tâm hội chợ triển lãm quốc gia (Tập đoàn VinGroup); Dự án Trung tâm thương mại tại xã Kim Nỗ (Tập đoàn VinGroup); Khu du lịch sinh thái Vân Nội; Trung tâm giao lưu hàng hóa (Công ty Mefrimex); Trường quay Cổ Loa; Cụm trường đại học Mai Lâm; dự án Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Hoa Lâm Viên (Công ty CP thương mại Bình Phát), Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Medlatex….
– Các dự án nhà ở xã hội: Phát triển dự án nhà ở xã hội là chủ trương lớn của Thành phố trong thời gian gần đây, hiện nay trên địa bàn huyện đang có 02 dự án nhà ở xã hội tập trung có quy mô lớn đang triển khai: Khu nhà ở xã hội Tiên Dương (Liên danh Công ty Hoàng Thành và Tổng công ty Viglacera); Khu nhà ở xã hội Thành phố kết nối xanh – Green link city (Liên danh Tổng công ty xây dựng Hà Nội và Công ty CP bất động sản Vinalines).
– Các dự án đấu giá, tái định cư, nhà ở công nhân: Nhà ở công nhân Kim Chung (đã xây dựng); 03 Khu tái định cư phục vụ GPMB cầu Nhật Tân, đường 5 kéo dài: Vĩnh Ngọc, Xuân Canh, Đông Hội; Khu tái định cư Cổ Loa, Bắc sông Thiếp, Khu nhà ở Nguyên Khê, Khu đấu giá Bắc đường 23B…
– Các dự án nhà ở thương mại: Dự án Khu đô thị Bắc Thăng Long (Tổng công ty đầu tư phát triển nhà Hà Nội), Dự án khu chức năng đô thị Noble; Dự án Khu đô thị Uy Nỗ – Việt Hùng (Tổng công ty đầu tư phát triển nhà và đô thị – Bộ Quốc phòng), Dự án XD khu văn phòng, siêu thị, khách sạn căn hộ và khu nghỉ dưỡng sinh thái (Tổng công ty CP bưu chính viễn thông NVT), Dự án Khu nhà ở tại xã Uy Nỗ (Tổng công ty 319 – Bộ Quốc phòng), Dự án Khu nhà ở cán bộ chiến sỹ xã Mai Lâm (Tổng công ty 319 – Bộ Quốc phòng); Khu đô thị Kosy (Công ty cổ phần Kosy), Khu đô thị tại xã Đại Mạch (Công ty TNHH Tổ chức nhà quốc gia Hà Nội)….
– Các dự án đối ứng các dự án BT: Khu đô thị sinh thái Vân Nội (đối ứng tuyến đường Bắc Đầm Vân Trì – Sông Thiếp); Các khu đất đối ứng dự án BT tuyến đường Ba La – Xuân Mai (Công ty CP đầu tư Louis group); Dự án khu đô thị Tiên Dương, Uy Nỗ (Đối ứng tuyến đường Quốc lộ 3)…
– Các dự án về hạ tầng: Bến xe khách Đông Anh (CT CP đầu tư Hoàng Hà); đường ống tuyền dẫn nhà máy nước mặt sông Hồng, sông Đuống; Các dự án tuyến đường: mở rộng Quốc lộ 3, Vành đai 3, Bắc Đầm Vân Trì – sông Thiếp, dự án cầu Tứ Liên; dự án xây dựng hệ thống thoát nước, hồ điều hòa, Trạm bơm Vĩnh Thanh; dự án nâng cấp trạm bơm Phương Trạch….
– Các dự án nhỏ lẻ khác của địa phương (Trụ sở UBND, nhà văn hóa, trường học, trạm y tế, sân thể thao, khu đấu giá quỹ đất xen kẹt…
Đánh giá tiềm năng, lợi thế và thực trạng phát triển
Tiềm năng, lợi thế
– Về vị trí địa lý: Là đô thị cửa ngõ phía Bắc của Thủ đô, thuộc chuỗi đô thị mới Bắc sông Hồng, kết nối với đô thị qua tuyến quốc lộ 3, đường Bắc Thăng Long – Nội Bài, Nhật Tân – Nội Bài và các cầu Tứ Liên, Thượng Cát (theo dự kiến quy hoạch).
– Về điều kiện tự nhiên: Địa hình của huyện Đông Anh tương đối bằng phẳng. Cao độ trung bình 7 đến 8m, điểm cao nhất là 13m và thấp nhất là 4,5m, (cao độ trung bình của huyện cao hơn so với khu vực nội thành Hà Nội). Địa hình dốc dần từ Bắc xuống Nam và từ Tây sang Đông. Có ưu thế về cảnh quan môi trường, cùng với hệ thống mặt nước hồ đầm phong phú và quần thể các di tích lịch sử (Đầm Vân Trì, sông Thiếp, Di tích Cổ Loa, đền Sái…)
– Về tài nguyên đất đai: Quỹ đất khu vực phát triển đô thị có tiềm năng lớn, hầu hết là đất nông nghiệp, đất mặt nước, hồ đầm (chiếm khoảng 70%), thuận lợi để khai thác phát triển hình thành đô thị.
– Về phát triển công nghiệp – dịch vụ: Trong những năm gần đây, trên địa bàn huyện đã hình thành một số khu công nghiệp tập trung (khu công nghiệp Bắc Thăng Long, cụm công nghiệp Nguyên Khê, các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, cụm công nghiệp làng nghề… )
– Về kết cấu hạ tầng: Hệ thống HTKT đầu mối quan trọng của quốc gia đã định hình các tuyến: quốc lộ 3, đường Bắc Thăng Long – Nội Bài, Nhật Tân – Nội Bài, Quốc lộ 5 kéo dài, Cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên; kề cận và kết nối thuận lợi với quốc lộ 18 (là trục hành lang kinh tế xuyên Á Côn Minh – Hà Nội – Quảng Ninh); có các tuyến đường sắt quốc gia Hà Nội – Thái Nguyên, Hà Nội – Lào Cai đi qua. Về đường hàng không, nằm kề cận phía Nam cụm cảng hàng không Quốc tế Nội Bài – là cụm cảng lớn nhất và hiện đại nhất của miền Bắc, đồng thời là trung tâm giao lưu quốc tế của Thủ đô, của khu vực. Mạng lưới phân phối điện đã có trạm biến áp cùng các tuyến điện cao thế 110KV, 35KV đi Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Phả Lại, Chèm, Gia Lâm đã và đang xây dựng.
– Về cơ sở pháp lý: Hầu hết các đồ án Quy hoạch phân khu trên địa bàn huyện đã được cấp thẩm quyền phê duyệt là cơ sở pháp lý để triển khai các Quy hoạch chi tiết và dự án đầu tư xây dựng. Đặc biệt, năm 2016, thành phố Hà Nội phê duyệt đồ án Quy hoạch chi tiết hai bên trục Nhật Tân – Nội Bài kèm theo cơ chế đặc thù phát triển dự án hai bên tuyến và xây dựng hệ thống hạ tầng khung. Đây chính là động lực phát triển kinh tế – xã hội, văn hoá, văn hoá, thương mại, du lịch.. của khu vực Bắc sông Hồng; tạo một đô thị cửa ngõ kết nối Hà Nội, Việt Nam với thế giới.
Quy hoạch chi tiết hai bên tuyến đường Nhật Tân – Nội Bài (Đường Võ Nguyên Giáp)
Thực trạng phát triển
Năm 2000, UBND thành phố đã phê duyệt đồ án Quy hoạch chi tiết huyện Đông Anh tại quyết định số số 106/2000-QĐ-UB, theo đó khu vực phát triển đô thị Đông Anh có diện tích khoảng 8.989 ha (chiếm 49% diện tích toàn huyện), chia làm 8 khu đô thị với quy mô dân số đến năm 2020 khoảng 67,2 vạn người. Trong đồ án quy hoạch đã đưa ra những phân tích về lợi thế, tiềm năng và dự báo phát triển hình thành đô thị trên địa bàn huyện đến năm 2020.
Tuy nhiên, đến nay, quá trình phát triển đô thị tại huyện Đông Anh diễn ra tương đối chậm. Ngoài một số tuyến giao thông chính đã hình thành, hệ thống giao thông và hạ tầng kỹ thuật khung theo định hướng quy hoạch chung chưa được đầu tư xây dựng. Các dự án lớn hầu hết đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư, chưa được triển khai xây dựng. Các cơ sở kinh tế – xã hội, dịch vụ du lịch hầu hết có quy mô nhỏ, phát triển tự phát, chủ yếu phục vụ người dân trên địa bàn huyện; tập trung tại khu vực trung tâm huyện và kề cận Khu công nghiệp Bắc Thăng Long.Tốc độ tăng dân số chậm so với định hướng quy hoạch, chưa thu hút được dân cơ học (năm 1999 dân số toàn huyện là 26 vạn người, đến năm 2017, dân số toàn huyện khoảng 38 vạn người).
Ngày 27/12/2017, Hội thảo “Quy hoạch đô thị Hà Nội định hướng phát triển kiến trúc – Quy hoạch khu vực phía Bắc sông Hồng” đã được tổ chức tại Đông Anh. Tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Đình Toàn đã nhấn mạnh vị trí, vai trò của khu vực Bắc sông Hồng trong phát triển Thủ đô. Đông Anh là cơ hội tốt cho Hà Nội giải quyết việc dãn dân nội đô và hình thành một khu vực đô thị mới đồng bộ, hiện đại, sánh tầm quốc tế. Tuy nhiên, muốn đạt được mục tiêu, Đông Anh cần có những quyết sách mạnh mẽ để không làm lỡ cơ hội cho Hà Nội. Đông Anh được hoạch định phát triển là khu vực nội đô mới, có quỹ đất phát triển rộng rãi, địa hình thuận lợi cho phát triển nhưng mục tiêu đưa Đông Anh trở thành nội đô mới mở rộng đến nay phát triển còn chậm. Trong đồ án quy hoạch giãn dân, Hà Nội dự kiến sẽ giảm từ 1.2 triệu người xuống còn 800 nghìn trong nội đô. Khu vực ngoại thành như Đông Anh đóng vai trò quan trọng trong công tác giãn dân, tái định cư. Thứ trưởng Nguyễn Đình Toàn nhấn mạnh, hiện nay, giải pháp và chính sách dãn dân của Hà Nội chưa thật rõ ràng. Nhưng một đều thấy rõ, Hà Nội đang tăng mạnh dân số vào nội đô và tình trạng phát triển nhà cao tầng ngày một tăng. Hà Nội có các cây cầu bắc qua sông Hồng sang khu vực Đông Anh, cầu Nhật Tân nối với sân bay Nội Bài và tới đây có thêm cầu Tứ Liên… Sự kết nối Đông Anh – Hồ Tây – Khu vực trung tâm Hà Nội trở nên gần gũi, không còn xa lạ. Do vậy, việc dãn dân sang Đông Anh là hoàn toàn khả thi. Đông Anh có thể học cách làm của thủ đô Malina (Philipin) với việc hoạch định phát triển ở 2 khu vực mới và cũ. Một Malina mới hoàn toàn, hội tụ những tinh hoa, công trình hiện đại trên thế giới. Nhờ đó giá đất tăng cao, người dân đổ dồn vào ở khu mới, đất ở khu cũ vì vậy cũng giảm đi đáng kể. Mặt khác, trong một nguyên lý xã hội, người già không muốn di chuyển nhưng con cháu họ, những người trẻ họ di dời đi thì lập tức người già cũng sẽ di dời đi theo. Malina đã thành công trong việc dãn dân như vậy. Quỹ đất của Đông Anh hiện nay là quỹ đất vàng, là nguồn lực để xây dựng hạ tầng, xã hội. Theo Thứ trưởng, nếu không có chiến lược và quản lý hiệu quả đất đai sẽ gây lãng phí lớn. Đông Anh nếu không có một hoạch định và chiến lược phát triển tốt, nếu cấp đất manh mún cho các chủ đầu tư không đủ tiềm lực sẽ để mất cơ hội phát triển cho Hà Nội trong nay mai. |
Kiến nghị một số giải pháp thúc đẩy phát triển theo định hướng quy hoạch
– Trên cơ sở quy hoạch chung, quy hoạch phân khu được duyệt, xây dựng chương trình, mục tiêu phát triển, các dự án ưu tiên để tập trung đầu tư làm động lực và hạt nhân phát triển, tránh đầu tư dàn trải, không hiệu quả.
– Tập trung xây dựng khung giao thông và hạ tầng kỹ thuật:
+ Các tuyến giao thông kết nối với đô thị trung tâm: mở rộng quốc lộ 3, Vành đai 3, vành đai 2,5; xây dựng Cầu Tứ Liên, Cầu Thượng Cát. Ưu tiên xây dựng Cầu Tứ Liên và các tuyến đường kết nối 2 bên đầu cầu; xây dựng tuyến vành đai 3 thúc đẩy sự phát triển vành đai phía Bắc đô thị Đông Anh.
+ Các tuyến đường sắt đô thị số 2, số 4, số 6 kết nối với đô thị trung tâm. Trong đó, ưu tiên xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 2 kết nối Sân bay Nội Bài – khu đô thị Đông Anh – Trung tâm thành phố – Ga Hà Nội. Tuyến đường sắt này hình thành góp phần thúc đẩy phát triển đô thị hai bên tuyến đường Nhật Tân – Nội Bài nói riêng và đô thị Đông Anh nói chung.
+ Hoàn thiện khung giao thông trong khu đô thị Đông Anh: các tuyến đường đô thị kết nối theo hướng Đông – Tây, Bắc – Nam.
+ Xây dựng hoàn thiện các hệ thống hạ tầng kỹ thuật khung khác: Cấp điện, cấp nước, thoát nước …
+ Phát triển mạng lưới giao thông công cộng tiện nghi, thuận tiện trong sử dụng.
– Phát triển đô thị theo mô hình TOD gắn với các tuyến đường sắt đô thị số 2, 4, 6. Hình thành các khu chức năng đô thị “nén” tại các ga đường sắt nhằm khai thác tối đa hiệu quả quỹ đất, tận dụng ưu thế vận chuyển khối lượng lớn, tốc độ cao của các tuyến đường sắt đô thị. Tại khu vực ga đường sắt, ưu tiên tăng mật độ và hệ số sử dụng đất trong vòng bán kính đi bộ khoảng 400m.
– Khai thác lợi thế sân bay quốc tế Nội Bài và các tuyến giao thông đối ngoại, hành lang kinh tế xuyên Á Côn Minh – Hà Nội – Quảng Ninh để phát triển dịch vụ thương mại, logistic, dịch vụ khách sạn.
– Đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án Trung tâm Hội chợ triển lãm Quốc gia và các dự án hai bên tuyến đường Nhật Tân – Nội Bài (Trung tâm tài chính Phương Trạch, Công viên công nghệ phần mềm, Công viên Kim Quy, Khu chức năng đô thị hai bên tuyến…) làm hạt nhân kích thích, lan tỏa sự phát triển khu vực.
– Xây dựng cụ thể kế hoạch triển khai, thời gian, lộ trình thực hiện các dự án, cam kết thời điểm hoàn thành, đưa vào sử dụng, vận hành. Tránh hiện tượng đầu cơ đất đai, kéo dài thời gian thực hiện dự án; có biện pháp thu hồi dự án nếu chủ đầu tư không thực hiện đúng cam kết tiến độ thực hiện.
– Đẩy nhanh tiến độ hình thành các cụm công nghiệp với tính chất công nghệ cao, các trung tâm nghiên cứu và phát triển (Công viên công nghệ phần mềm, Khu công nghiệp Nguyên Khê…), làm động lực và tiền đề để phát triển đô thị. Phát triển công nghiệp song song với phát triển nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng cùng với sự phát triển của tài chính, thương mại có thể làm cho Đông Anh trở thành một trung tâm nghiên cứu & phát triển và giáo dục dựa trên tri thức trong tương lai, trọng tâm là công nghệ thông tin, năng lượng tái tạo mới và viễn thông.
Thực tế cho thấy sau khi hình thành các khu công nghiệp Bắc Thăng Long, Khu công nghiệp Quang Minh, tại khu vực phụ cận có tốc độ đô thị hóa nhanh chóng, thu hút một lượng lớn dân cơ học; góp phần bước đầu phát triển các khu ở mới với các công trình thương mại, dịch vụ đi kèm.
– Khai thác lợi thế cảnh quan Đầm Vân Trì và hệ thống hồ, đầm phong phú để phát huy tiềm năng du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí của Thành phố. Đẩy nhanh tiến độ và cam kết tiến độ thực hiện đối với các dự án: Công viên Kim Quy, Công viên sinh thái Vân Nội…
– Bảo tồn, tôn tạo, phát triển Khu di tích Cổ Loa, đây được coi là tâm điểm của trục văn hóa, lịch sử, du lịch kết nối với Hồ Tây, một biểu tượng phát triển mới trên tuyến kết nối sông Hồng, sông Đuống với hệ thống cây xanh và mặt nước của Đông Anh. Hơn nữa, Cổ Loa còn là điểm huyết mạch lịch sử xuyên suốt thành phố quá khứ – hiện tại và tương lai.
– Gìn giữ, kiểm soát phát triển các làng nghề truyền thống, làng cổ; giữ được đặc trưng truyền thống của khu vực Đông Anh, tránh tác động xấu trong quá trình đô thị hóa (múa rối nước Đào Thục, chạm trổ, sơn mài, đồ gỗ ở Vân Hà, Liên Hà, mây tre đan ở Vân Nội, Mai Lâm…). Thực tế cho thấy, các làng truyền thống trong khu vực nội đô mất dần bản sắc trong quá trình đô thị hóa (làng hoa Ngọc Hà, đào Nhật Tân…). Việc phát triển đô thị khu vực huyện Đông Anh đặt ra thách thức rất lớn trong việc bảo tồn các đặc trưng truyền thống và cần có ngay quy chế kiểm soát phát triển không gian kiến trúc cảnh quan để đưa ra các quy định cụ thể về bảo vệ các không gian, công trình kiến trúc đặc trưng, công trình kiến trúc có giá trị lịch sử, văn hóa; kiểm soát mật độ, tầng cao, hình thức kiến trúc đối với các công trình cải tạo xây dựng lại theo hướng kiến trúc truyền thống.
– Xây dựng mới các công trình hạ tầng xã hội như công cộng, dịch vụ, y tế, giáo dục, Trung tâm TDTT, Trung tâm giải trí và văn hoá chất lượng cao nhằm nâng cao điều kiện sống người dân bản địa, thu hút dân cư cơ học và nguồn nhân lực có chất lượng. Phát triển đô thị bền vững, đầy đủ dịch vụ tiện ích (mua sắm, giải trí, nghỉ ngơi…), có môi trường sống chất lượng. Tránh hiện tượng đầu cơ đất đai, hình thành các thành phố “ma” không có người sinh sống, lãng phí nguồn tài nguyên.
– Thu hút và đa dạng các nguồn vốn để đầu tư phát triển:
+ Vốn ngân sách trung ương và thành phố, vốn tài trợ nước ngoài, vốn vay các tổ chức tín dụng quốc tế: Cho các dự án hạ tầng kỹ thuật khung (tuyến giao thông cấp đô thị, đường sắt đô thị, Nhà máy cấp nước, Trạm xử lý nước…), các dự án giáo dục, y tế, văn hóa…. tạo tiền đề cần thiết khơi mào cho phát triển.
+ Đa dạng các nguồn vốn BT, BOT, PPP… để đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng, bám sát chương trình phát triển đô thị.
+ Những dự án Khu đô thị mới, trung tâm dịch vụ, thương mại… không đòi hỏi vốn lớn, có khả năng sinh lời: khuyến khích các nhà đầu tư triển khai thực hiện đảm bảo tiến độ, hiệu quả.
Kết luận
Đô thị Bắc sông Hồng (khu vực huyện Đông Anh) trong tương lai sẽ là khu vực phát triển đô thị quan trọng của Thủ đô Hà Nội, có đủ yếu tố để hình thành đô thị mới hiện đại, đồng bộ phía Bắc sông Hồng. Để xây dựng đô Thị khu vực Đông Anh phát triển bền vững, mang bản sắc riêng, cần bảo tồn môi trường tự nhiên, các giá trị truyền thống, di tích lịch sử văn hóa…Bên cạnh việc phát triển đô thị tuân thủ các định hướng Quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, cần có cơ chế chính sách phát triển đô thị và chương trình phát triển cụ thể. Thu hút các nguồn lực xã hội để từng bước hình thành đô thị khu vực huyện Đông Anh trở thành đô thị hiện đại, xứng tầm quốc tế. Góp phần xây dựng TP Hà Nội thành thành phố Xanh – Văn hiến – Văn minh – Hiện đại.
*Tài liệu tham khảo (1). PPJ, VIAP, HUPI (2011), Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. (2). HUPI (2012-2017) Các đồ án Quy hoạch phân khu đô thị N3, N4, N5, N6, N7, N8, N9, G(N), GN(DB), GN(A), GN(B), GN(C), R, R6. (3). HUPI (2016) Quy hoạch chi tiết hai bên tuyến đường Nhật Tân – Nội Bài, tỷ lệ 1/500; (4). SENA (2000) Quy hoạch chi tiết huyện Đông Anh, tỷ lệ 1/5000; (5). REMON, AS&P (2015) Giới thiệu nghiên cứu hành lang Bắc Hà Nội
TS.KTS. Nguyễn Trúc Anh – Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội
Ths.KTS. Thái Nhật Quang – Giám đốc Trung tâm Quy hoạch Kiến trúc 3 (HUPI)