(Xây dựng) – Đây là kinh nghiệm mà Bộ Xây dựng học tập được từ các quốc gia phát triển, có mô hình và công nghệ quản lý dự án đầu tư xây dựng tiên tiến, phù hợp với định hướng phát triển của ngành Xây dựng Việt Nam.
Cần cập nhật các yếu tố thị trường vào hệ thống định mức, giá xây dựng. |
Cần xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về định mức và giá xây dựng
Triển khai Đề án Hoàn thiện hệ thống định mức và giá xây dựng theo Quyết định số 2038/QĐ-TTg ngày 18/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ (Đề án 2038), Bộ Xây dựng đã chủ động học tập kinh nghiệm của của các quốc gia phát triển trong quản lý đầu tư xây dựng.
Tại Anh và Mỹ, Bộ Xây dựng đã tham khảo kinh nghiệm về xây dựng và quản lý hệ thống định mức và giá xây dựng. Ông Phạm Văn Khánh – nguyên Cục trưởng Cục Kinh tế xây dựng chia sẻ: Qua khảo sát cho thấy, các quốc gia đều quản lý vô cùng chặt chẽ các dự án đầu tư công, dự án sử dụng vốn Nhà nước.
Việc lập tổng mức đầu tư, dự toán xây dựng công trình được thực hiện bởi công chức, cán bộ quản lý Nhà nước chuyên trách nhằm cắt giảm công tác thẩm tra, thẩm định, rút ngắn thời gian thực hiện dự án qua đó nâng cao hiệu quả đầu tư dự án. Chủ đầu tư là người quản lý khai thác vận hành dự án.
Hợp đồng hầu hết theo phương thức ba bên (chủ đầu tư, tư vấn và nhà thầu), cùng chịu trách nhiệm, cùng chia lợi nhuận và cùng bồi thường khi vượt giá trị ban đầu. Chi phí dự án tính trên cả vòng đời dự án thay cho tính trên chi phí xây dựng như trước đây.
Quản lý dự án theo chi phí mục tiêu, do vậy số dự án không vượt tổng mức đã tăng lên 80% thay cho số dự án không vượt tổng mức 25% trước đây.
Kỹ sư định giá là người giúp chủ đầu tư xác định sơ bộ tổng mức đầu tư và cùng thiết kế, nhà thầu kiểm soát chi phí toàn bộ dự án đến khi xây dựng hoàn thành.
Ông Phạm Văn Khánh nhận định: Qua kinh nghiệm quản lý của các nước cho thấy việc xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về định mức và giá xây dựng để phục vụ quản lý Nhà nước, quản lý các dự án công là vô cùng quan trọng. Cơ sở dữ liệu là nền tảng cho Nhà nước nắm bắt, kiểm soát, điều tiết thị trường xây dựng, quản lý chi phí dự án theo mục tiêu, không vượt tổng mức đầu tư, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án và nâng cao năng suất ngành Xây dựng, góp phần tạo thị trường xây dựng minh bạch, cạnh tranh.
Dự kiến, trong năm 2020, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục triển khai các đoàn khảo sát tại Đức và Úc theo đúng kế hoạch triển khai của Đề án.
Cập nhật các yếu tố thị trường vào hệ thống định mức, giá xây dựng
Bên cạnh đó, thông qua các dự án hợp tác kỹ thuật, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục hợp tác với Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Cơ quan Hợp tác Nhật Bản (JICA) nhằm hỗ trợ hiệu quả quá trình triển khai Đề án 2038, cả về chất lượng và tiến độ.
Cụ thể, tại dự án hỗ trợ kỹ thuật “Nghiên cứu mô hình đầu tư, quản lý, vận hành có hiệu quả với phương pháp định giá phù hợp cho dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trong điều kiện Việt Nam” do ADB tài trợ, dự án sẽ đề xuất mô hình đầu tư, quản lý, vận hành dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt thích hợp thông qua hợp đồng PPP áp dụng vào điều kiện Việt Nam.
Dự án đồng thời đề xuất phương pháp định giá dịch vụ thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt đồng bộ, thống nhất, phù hợp với mô hình đầu tư, cơ cấu, tổ chức quản lý, vận hành dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trong điều kiện Việt Nam. Dự án dự kiến kết thúc vào tháng 6/2020.
Còn tại dự án hợp tác kỹ thuật “Tăng cường năng lực trong phát triển các công cụ quản lý Nhà nước đối với dự án đầu tư xây dựng công trình” do JICA tài trợ, các kết quả, mục tiêu mà dự án hướng đến là tăng cường năng lực trong xác định định mức chi phí trực tiếp đối với vật liệu, nhân công và máy móc thi công xây dựng; Tăng cường năng lực trong xác định đơn giá vật liệu, nhân công và máy móc thi công xây dựng; Tăng cường năng lực trong lập dự toán chi phí gián tiếp; Tăng cường năng lực trong xác định định mức khảo sát, thiết kế, giám sát thi công; Cải thiện hệ thống và quy trình lập dự toán dự án đầu tư xây dựng.
Ông Phạm Văn Khánh nhận định: Đây là một dự án quan trọng, góp phần hỗ trợ triển khai Đề án 2028 một cách hiệu quả thông qua việc lồng ghép, phát huy tối đa những kiến thức và kinh nghiệm quốc tế phù hợp vào quá trình hoàn thiện hệ thống định mức và giá xây dựng theo phương pháp mới, cũng như làm nền tảng cho việc xây dựng, quản lý và vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu về định mức và giá xây dựng quốc gia trong tương lai.
Dự án được triển khai trong 3 năm, từ năm 2020 đến năm 2023
Chia sẻ kinh nghiệm của Nhật Bản trong quản lý đầu tư xây dưng, đại diện JICA, ông Shuntaro Kawahara cho biết: Nhật Bản cập nhật thường xuyên yếu tố thị trường vào hệ thống định mức, đơn giá. Chẳng hạn, khi ngoài thị trường lần đầu tiên xuất hiện công nghệ mới trong khi hệ thống định mức, đơn giá chưa có, cơ quan chức năng của Nhật Bản sẽ yêu cầu nhà thầu và đơn vị cung cấp công nghệ mới làm mẫu, giải trình và mời các cơ quan liên quan quan sát. Sau đó, cơ quan chức năng có cách khuyến khích các nhà thầu khác cùng ứng dụng công nghệ mới.
Khi đã có vài ba nhà thầu ứng dụng công nghệ mới, cơ quan chức năng sẽ khảo sát, xây dựng định mức và đưa vào hệ thống định mức, đơn giá. Sau khi định mức, đơn giá được ban hành, các chủ đầu tư sẽ áp dụng định mức, đơn giá đó để tính toán dự toán.
Ông Shuntaro Kawahara chia sẻ: Trong quản lý chi phí đầu tư dự án công, cơ quan quản lý Nhà nước phải thường xuyên cập nhật các yếu tố thị trường vào hệ thống định mức, đơn giá.
Các công cụ quản lý Nhà nước phải phù hợp với thực tế, cập nhật yếu tố thị trường, bảo đảm cho các nhà thầu khi thực hiện áp dụng công nghệ mới phải có lãi. Bởi nếu hệ thống định mức, đơn giá không khuyến khích các nhà thầu áp dụng các công nghệ hiện đại và bảo đảm có lãi thì nhà thầu sẽ từ chối sử dụng công nghệ mới. Họ quay trở lại sử dụng công nghệ cũ. Như vậy, ngành Xây dựng sẽ không bao giờ được hiện đại hóa.
Do vậy, “trong dự án hỗ trợ kỹ thuật này, chúng tôi sẽ hỗ trợ Bộ Xây dựng phương pháp cập nhật các yếu tố thị trường vào hệ thống định mức, đơn giá”, ông Shuntaro Kawahara cho biết.
Theo Quý Anh/Báo Xây Dựng