(Xây dựng) – Có thể nói, năm 2019 là một năm khá ổn định của thị trường VLXD. Không còn các đợt “sốt” như những năm trước, sản xuất và tiêu thụ VLXD đang có bước tăng trưởng vững chắc. Có được điều đó là do công tác quản lý nhà nước về VLXD đã có nhiều đổi mới, góp phần dẫn dắt thị trường phát triển ổn định, lành mạnh.
Sản xuất kính tiết kiệm năng lượng của VIGLACERA.
Quy hoạch đồng bộ, phù hợp thực tiễn
Trong đó, điểm nổi bật nhất trong công tác quản lý nhà nước về VLXD là đã hoàn thiện, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật, các quy hoạch bảo đảm tính đồng bộ, chất lượng, phù hợp với thực tiễn. Cụ thể: Bộ Xây dựng đã xây dựng Nghị định sửa đổi Nghị định số 24a/2016/NĐ-CP về quản lý VLXD cho phù hợp với Luật Quy hoạch, Luật Xây dựng, Luật Khoáng sản và một số Luật khác liên quan; Hoàn thiện sửa đổi bổ sung Thông tư số 05/2018/TT-BXD về hướng dẫn xuất khẩu khoáng sản làm VLXD và đã được Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành tại Thông tư số 05/2019/TT-BXD.
Thực hiện Nhiệm vụ tại Quyết định số 995/QĐ-TTg ngày 09/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ, năm 2019 Vụ VLXD đã chủ trì xây dựng Nhiệm vụ lập “Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản làm VLXD thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050”; Chủ trì xây dựng “Chiến lược phát triển VLXD Việt Nam thời kỳ 2021 – 2030, định hướng đến năm 2050”; Đang nghiên cứu xây dựng Đề án “Lộ trình dừng sử dụng amiăng trắng để chấm dứt sản xuất tấm lợp amiăng vào năm 2023”.
Bên cạnh đó, công tác phổ biến pháp luật, các quy hoạch được thực hiện thường xuyên, liên tục, bảo đảm các văn bản quy phạm pháp luật được tuyên truyền, phổ biến kịp thời cho tất cả các bộ, ngành, địa phương, DN; qua đó tăng cường giám sát việc thực hiện pháp luật của các cơ quan quản lý nhà nước cũng như các chủ thể khác trong việc thực thi pháp luật.
Đánh giá những kết quả đạt được trong công tác chỉ đạo, điều hành, ông Phạm Văn Bắc – Vụ trưởng Vụ VLXD (Bộ Xây dựng) cho biết, năm 2019 Vụ VLXD đã thực hiện trên 350 văn bản giải đáp các thắc mắc, kiến nghị của các địa phương, tổ chức, cá nhân về lĩnh vực VLXD. Ngoài ra, nhiều quy hoạch quan trọng cũng được rà soát, điều chỉnh, bổ sung và quản lý thực hiện như: Quy hoạch tổng thể phát triển VLXD Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030; Quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030; Quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản làm xi măng; Quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản làm VLXD chủ yếu. Hiện nay, các quy hoạch này được tích hợp thành “Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản làm VLXD thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050…
Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng đã tích cực chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương tổ chức lập và kiểm soát chặt chẽ việc thực hiện các Chương trình phát triển vật liệu xây không nung (Quyết định 567), Đề án (Quyết định 452) và một số giải pháp (Quyết định 1696) xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, nhà máy hóa chất, phân bón làm nguyên liệu sản xuất VLXD; Đôn đốc kiểm tra, rà soát các cơ sở sản xuất VLXD có sử dụng amiăng thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật trong việc sử dụng amiăng trắng để sản xuất tấm lợp.
Tác động tích cực đến thị trường VLXD
Thực tế cho thấy, sự đổi mới trong công tác quản lý nhà nước về VLXD đã có tác động tích cực đến kết quả sản xuất và tiêu thụ VLXD. Cụ thể: Sản lượng xi măng sản xuất và tiêu thụ năm 2019 dự kiến 98 triệu tấn, tăng 1% so với năm 2018. Trong đó tiêu thụ trong nước khoảng 66 triệu tấn, tăng gần 2% so với năm 2018; xuất khẩu khoảng 32 triệu tấn, tương đương so với năm 2018.
Tổng sản lượng gạch không nung cả nước sản xuất ước đạt 6 tỷ viên (QTC), chiếm 30% tổng sản lượng gạch xây; gạch nung cả nước sản xuất ước đạt 20 tỷ viên (QTC), chiếm 70% tổng sản lượng gạch xây. Đến nay, đã có 55 tỉnh xây dựng và ban hành lộ trình xóa bỏ lò gạch thủ công, thủ công cải tiến, lò vòng sử dụng nhiên liệu hóa thạch và xây dựng Kế hoạch phát triển vật liệu xây không nung trên địa bàn; 25 địa phương đã xây dựng và ban hành Chỉ thị về tăng cường sử dụng vật liệu xây không nung, hạn chế sản xuất và sử dụng gạch đất sét nung.Về gạch ốp lát: Sản lượng sản xuất và tiêu thụ năm 2019 ước đạt gần 730 triệu m2, tăng khoảng 8% so với năm 2018. Sản lượng sản xuất và tiêu thụ sứ vệ sinh ước đạt 17,9 triệu sản phẩm, tăng khoảng 7% so với năm 2018…
Trong lĩnh vực sản xuất, một số đơn vị đã đầu tư nghiên cứu, sản xuất men phủ nano chống khuẩn, có khả năng làm sạch cao; đầu tư phát triển các phụ kiện đồng bộ hiện đại, góp phần tăng giá trị sử dụng, giá trị thẩm mỹ và giá trị của sản phẩm. Công nghệ và thiết bị sản xuất gạch ốp lát cũng ngày càng được đầu tư đồng bộ, tiên tiến, hiện đại với modul công suất lớn đủ năng lực để sản xuất các sản phẩm gạch ốp lát với chủng loại đa dạng như gạch ceramic, gạch granite, gạch cotto, gạch mosaic có kích thước lớn, sản phẩm mỏng, trọng lượng nhẹ; màu sắc hoa văn phong phú…
Từ những kết quả đã đạt được, năm 2020, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế, nâng cao chất lượng ban hành các văn bản pháp luật. Cụ thể: Phổ biến Nghị định sửa đổi Nghị định số 24a/2016/NĐ-CP về quản lý VLXD và “Chiến lược phát triển VLXD Việt Nam thời kỳ 2021 – 2030, định hướng đến năm 2050” sau khi được Thủ tướng Chính phủ ban hành.
Tổ chức lập Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản làm VLXD thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Nhiệm vụ lập Quy hoạch; xây dựng đề án An ninh kinh tế VLXD. Đồng thời, rà soát lại các tiêu chuẩn, quy chuẩn trong lĩnh vực VLXD để bổ sung, sửa đổi cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn trong công tác quản lý nhà nước.
Vân Anh