Sử dụng thạch cao: Góp phần giải quyết ô nhiễm môi trường

(Xây dựng) – Hiện nay, thạch cao làm phụ gia trong sản xuất VLXD của Việt Nam đa phần phải nhập khẩu. Nhưng giờ đây, với việc xử lý bã thải phốt pho của quá trình làm phân bón đã tạo ra một lượng lớn thạch cao nhân tạo với chất lượng tốt và giá thành rẻ. Không chỉ vậy, nó giúp giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường tại các điểm tập kết bãi thải của các nhà máy phân bón.

Thạch cao nhân tạo bị bỏ phí

Thạch cao FGD (Flue Gas Desulfurization) được thu hồi từ nhà máy nhiệt điện bằng công nghệ khử lưu huỳnh trong khí thải đốt than bằng đá vôi hoặc bằng nước biển.

Hiện nay, nước ta có 5 nhà máy nhiệt điện trang bị hệ thống thu hồi thạch cao FGD, tuy nhiên tình trạng tiêu thụ sản phẩm thạch cao FGD của các nhà máy này khác nhau. Nguyên nhân chính là do chất lượng thạch cao thu hồi chưa ổn định, chưa đáp ứng được yêu cầu làm phụ gia sản xuất xi măng nên một số nhà máy cho hệ thống hoạt động cầm chừng và chờ tiêu thụ sản phẩm. Có nhà máy có trang bị hệ thống thu hồi nhưng không đưa vào hoạt động. Có nhà máy có hệ thống nhưng không đầu tư công đoạn xử lý ẩm và kho chứa sản phẩm,…

Như tại Nhiệt điện Nghi Sơn, hệ thống thu hồi FGD đang hoạt động, gần đây tiêu thụ được thạch cao nhân tạo cho Cty Xi măng Nghi Sơn khoảng 13.000 tấn. Nhiệt điện Phả Lại 2, hệ thống hấp thụ lưu huỳnh FGD hoạt động cầm chừng, hiện lượng FGD còn tồn kho khoảng 2.000 tấn, không tiêu thụ được sản phẩm do chất lượng thạch cao còn thấp.

Nhà máy Nhiệt điện Hải Phòng 1, 2 đang hoạt động hệ thống thu hồi thạch cao FGD, chất lượng thạch cao chưa ổn định, vì vậy hầu như FGD đổ ra bãi thải lẫn cùng với tro xỉ của nhà máy.

Tương tự, tại Nhiệt điện Uông Bí, hệ thống đang hoạt động, tuy nhiên nhà máy không đầu tư hệ thống tách nước từ bùn thạch cao và kho chứa nên bùn thạch cao thu được đang được đổ cùng tro xỉ của nhà máy tại bãi chứa. Nhiệt điện Quảng Ninh, tuy có trang bị hệ thống thu hồi FGD nhưng chưa đưa vào hoạt động…

Đánh giá tình trạng trên, bà Trịnh Thị Châm – Trung tâm Xi măng và Bê tông, Viện VLXD (Bộ Xây dựng) cho biết: Trong số các nhà máy nhiệt điện ở nước ta đang vận hành, chỉ có một số ít các nhà máy có đầu tư hệ thống thu hồi thạch cao FGD và hầu hết các nhà máy đều hoạt động cầm chừng, lượng thạch cao thu được chưa nhiều, có độ ẩm cao, hàm lượng SO3 thấp, chưa đạt tiêu chuẩn làm phụ gia cho xi măng hoặc chế tạo tấm trần.

Theo bà Châm, để có thể sử dụng được thạch cao làm VLXD thì các nhà máy có trang bị hệ thống FGD phải vận hành theo đúng quy trình, thu hồi được thạch cao có hàm lượng SO3 đạt yêu cầu và ổn định; trang bị hệ thống tách nước của bùn thạch cao bằng phương pháp như ép lọc, ly tâm hoặc hệ thống sấy; đầu tư hệ thống kho bãi chứa thạch cao FGD…

Xử lý triệt để vấn đề môi trường

Thực tế cho thấy, thạch cao bã thải phospho-gyps (PG) hóa chất phân bón tiềm ẩn nguy cơ rất lớn với môi trường do chứa nhiều chất độc hại như axít HF, H2SO4, H3PO4 và các muối kim loại nặng, phóng xạ, do sự sói mòn, rửa trôi của nước mưa sẽ bị chiết tách, tích tụ lại trong đất và ngấm vào nguồn nước mặt hoặc nước ngầm xung quanh, gây hại khi hàm lượng axit dư trong bã PG rò rỉ ra môi trường và không được xử lý triệt để.

Hiện nay, tồn tại 3 nhà máy có phát sinh nguồn phế thải PG lớn bao gồm: Nhà máy DAP của Cty CP DAP Đình Vũ tại Hải Phòng, Cty CP DAP số 2 tại Lào Cai và tại Cty CP Hóa chất phân bón Đức Giang -Lào Cai. Tổng lượng phát sinh thạch cao phế thải PG hàng năm phát sinh khoảng 1,96 triệu tấn. Ước tính đến năm 2020, cả nước sẽ có trên 20 triệu tấn.

Việc biến bã thải PG độc hại với môi trường và sức khỏe thành phụ gia sản xuất VLXD (tấm trần, tấm tường, xi măng) không chỉ giảm ô nhiễm môi trường mà còn tiết kiệm được giá thành rẻ hơn so với thạch cao nhập khẩu. Tuy nhiên thực tế cho thấy, bã thải PG chưa được đầu tư nghiên cứu, sử dụng rộng rãi trong lĩnh vực sản xuất VLXD.

Nguyên nhân chính là do thạch cao thu hồi có chất lượng thấp (hàm lượng SO3 thấp, không ổn định, độ ẩm cao), chưa đáp ứng được yêu cầu làm phụ gia xi măng và làm nguyên liệu sản xuất tấm trần, tấm tường. Bã thải PG làm nguyên liệu sản xuất VLXD chưa được sử dụng phổ biến chưa có nghiên cứu sâu về ảnh hưởng của nó đến chất lượng, độ bền lâu của xi măng và bê tông. Hơn nữa, chưa có tiêu chuẩn, hướng dẫn sử dụng FGD và PG làm VLXD…

Theo phân tích từ các chuyên gia Viện VLXD (Bộ Xây dựng), các tính chất chủ yếu của FGD ảnh hưởng đến sản xuất tấm tường bao gồm: Độ ẩm, các tạp chất (cacbonat, tro bay, silic Oxit, canxi sunphit, muối hòa tan, các nguyên tố vết, các tạp chất hữu cơ). Để thỏa mãn yêu cầu làm thạch cao tấm cần phải giảm hàm lượng clo và tăng hàm lượng SO3 trong FGD. Bên cạnh đó, cũng cần tập trung xử lý các tính chất của PG như pH, hàm lượng photpho, florua, sulfate, kim loại nặng như đối với thành phần pH trong PG thường dao động từ 1 – 4, pH thấp làm vữa thạch cao đông kết chậm. Do đó, cần có biện pháp xử lý để pH của mẫu PG dao động từ 6 – 8.

Với hàm lượng Flo trong PG thường lớn, cần giảm hàm lượng Flo phải thấp hơn 0,4%; tăng hàm lượng CaSO4.2H2O bằng cách loại bỏ các tạp chất…

Nhiều nước trên thế giới đã sử dụng FDG để khử S trong các nhà máy nhiệt điện, nhà máy sản xuất hóa chất và thu được nguồn thạch cao nhân tạo có chất lượng cao, giải quyết có hiệu quả về vấn ô nhiễm môi trường từ chất thải khí và chất thải rắn, giải được bài toán nguồn nguyên liệu thạch cao của quốc gia.

Ở Việt Nam đã có một vài nhà máy đang thử vận hành hệ thống FGD nhưng theo các chuyên gia thì, thạch cao thu được có chất lượng chưa cao (về độ tinh khiết, độ ẩm), sản phẩm thu được chưa có tính thương mại cao do chúng ta sử dụng thiết bị thu FGD còn khá lạc hậu.

Vì vậy, để chủ động được nguồn nguyên liệu thạch cao trong nước cần tận dụng nguồn thạch cao nhân tạo trong quá trình sự khử S từ nhà máy nhiệt điện, nhà máy sản xuất hoá chất phân bón sử dụng than đốt. Đây là phương án đạt được nhiều mục tiêu, vừa giải quyết được nguồn nguyên liệu, vừa xử lý triệt để vấn đề môi trường. Đặc biệt, Nhà nước cũng cần có chính sách để các cơ sở sản xuất có nhu cầu sử dụng thạch cao dùng thạch cao nhân tạo từ các nhà máy nhiệt điện, nhà máy hoá chất phân bón trong nước…

Linh Đan

 

Tin Liên Quan