Thấy gì từ khoản lỗ hơn 31.000 tỷ đồng của EVN?

Cuối năm 2022, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thông tin ước tính lỗ hơn 31.000 tỷ đồng vì nhiều nguyên nhân và cho hay đã báo cáo Chính phủ, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và các bộ ngành cho phép điều chỉnh giá điện để giảm bớt khó khăn, có thể cân đối tài chính trong những năm tới.

Trước hết cần thấy rằng EVN là một doanh nghiệp hoạt động trong nền kinh tế thị trường, nên khi giá đầu vào sản xuất tăng và hoạt động thua lỗ thì đề xuất điều chỉnh giá bán lẻ là phản ứng bình thường và có thể hiểu được. Vấn đề còn lại, vì đây là doanh nghiệp nhà nước, lại hoạt động trong lĩnh vực đặc thù như thị trường điện lực, nên đề xuất của EVN cần được xem xét, rà soát kỹ lưỡng trước khi trình cấp có thẩm quyền quyết định.

Vì lý do trên, ở thời điểm hiện tại, chúng ta sẽ không bàn về quyết định điều chỉnh giá điện cũng như mức điều chỉnh, vì đây là điều chưa diễn ra. Tuy nhiên, áp lực tăng giá điện là hiện hữu. Bởi vậy, hàng chục triệu khách hàng sẽ quan tâm đến lý do vì sao EVN lại lỗ nặng và điều này cần được thể hiện chi tiết hơn trong báo cáo tài chính của tập đoàn. Hay nói cách khác, người dân – khách hàng có quyền đòi hỏi EVN giải trình cụ thể về các khoản lỗ của Tập đoàn này.

Thấy gì từ khoản lỗ hơn 31.000 tỷ đồng của EVN?
Công nhân ngành điện sửa chữa lưới điện theo kế hoạch (Ảnh: EVNSPC).

Vừa qua đại diện EVN giải thích rằng khoản lỗ chủ yếu do chi phí đầu vào tăng cao, dẫn đến đơn giá điện sản xuất tăng, và EVN phải mua điện với giá cao trong khi giá bán điện cho người dân chưa được tăng.

Báo cáo giải trình của EVN về khoản lỗ 31.000 tỷ đồng không chỉ là vấn đề minh bạch thông tin với khách hàng, quan trọng hơn, đây là cơ sở để cơ quan quản lý xem xét điều chỉnh hay không với giá điện, điều chỉnh ở mức nào. Rõ ràng để có một chính sách điều chỉnh phù hợp thì cơ quan quản lý cần phải xuất phát từ những con số chính xác, đúng, đầy đủ và chi tiết. Sự minh bạch ở đây cũng để nhận diện lý do chủ quan (bên cạnh lý do khách quan là chi phí đầu vào tăng) nếu có trong công tác quản trị doanh nghiệp, năng lực tổ chức sản xuất, kinh doanh và từ đó đề ra giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của tập đoàn.

Ở một khía cạnh khác, như EVN chia sẻ là từ đầu năm 2022, do biến động giá nhiên liệu (than, dầu, khí) thế giới làm cho chi phí sản xuất điện và mua điện của EVN tăng. Trong khi đó Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam (TKV) lại cho rằng họ đang chịu trách nhiệm trong những hợp đồng cung ứng nhiên liệu dài hạn thấp hơn giá thị trường. Đây là yếu tố càng khiến cho cấu thành giá điện cần được phân tích và đánh giá đầy đủ, từ đó mới có thể định giá chính xác.

Với những mặt hàng thiết yếu như điện, nước sạch…, giá cả biến động lên xuống có thể ít nhiều ảnh hưởng đến mức tiêu thụ của khách hàng nhưng nhu cầu cơ bản thì vẫn thế. Hay nói cách khác dù giá điện, giá nước sạch có tăng thì khách hàng vẫn phải tiêu thụ ở mức cơ bản để đáp ứng yêu cầu cơ bản trong cuộc sống cũng như hoạt động sản xuất, kinh doanh. Chính vì vậy, nếu không thiết lập một cơ chế rõ ràng, minh bạch thì đơn vị kinh doanh những mặt hàng thiết yếu sẽ không bị áp lực về tính hiệu quả của doanh nghiệp (họ luôn yên tâm là sẽ bán được hàng), và khi kinh doanh thua lỗ chỉ cần tăng giá là đủ.

Cơ chế quản lý hiệu quả sẽ không cho phép chuyển khoản lỗ của các doanh nghiệp do làm ăn yếu kém sang thành gánh nặng cho người tiêu dùng. Từ cách tiếp cận này, chúng ta thấy rằng quá trình xem xét điều chỉnh giá một mặt hàng nào đó cũng là dịp để rà soát công tác quản trị của đơn vị liên quan.

Nhân đây, nhìn từ góc độ kinh tế học thì giao dịch mua bán điện giữa EVN và khách hàng tiêu thụ dẫn đến những ngoại tác (tác động đến bên thứ ba) không liên quan trực tiếp người mua và người bán. Đó có thể là những ngoại tác tiêu cực như phát thải từ nhà máy nhiệt điện ra môi trường; cũng có thể là những ngoại tác tích cực, khi giá điện thấp thúc đẩy người dân sử dụng nhiều thiết bị điện hơn, giúp cho chất lượng cuộc sống tốt hơn, đời sống người dân trở nên văn minh hơn…

Trong quản trị thị trường điện lực, để hạn chế những ngoại tác tiêu cực và thúc đẩy ngoại tác tích cực thì chính sách can thiệp bằng giá phải đảm bảo tính hiệu quả, công bằng, khả thi và linh hoạt.

Cũng nhìn từ góc độ kinh tế học, việc điều chỉnh giá điện sẽ tạo nguồn lực cung cấp đủ điện cho nhu cầu của nền kinh tế; tuy nhiên khi điều chỉnh sẽ tạo áp lực lên lạm phát do tăng chi phí sản xuất và chi tiêu dùng cuối cùng, đồng thời làm giảm tăng trưởng kinh tế.

Tất cả những vấn đề nêu trên sẽ được cơ quan quản lý đặt lên “bàn cân” và tin tưởng sẽ có quyết định đúng trong thời gian tới.

Theo Vũ Ngọc Bảo/Dantri.com.vn

Tin Liên Quan