Biến không thành có, biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể
Sáng 12/2, tại TP Hạ Long, Quảng Ninh, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh Vùng Đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Xúc tiến đầu tư Vùng với chủ đề “Liên kết phát triển – Đổi mới sáng tạo – Xanh và Bền vững”.
Thủ tướng Phạm Minh Chính
Thủ tướng và các đại biểu đã dành nhiều thời gian phân tích về vị trí, vai trò, tiềm năng, thế mạnh của Vùng Đồng bằng sông Hồng gồm 11 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, chiếm 6,42% diện tích cả nước với khoảng 21.278 km.
Hệ thống giao thông kết nối đồng bộ với đầy đủ 5 phương thức vận tải (đường bộ, đường sắt, đường sông, hàng không và cảng biển) kết nối với 4 tuyến hành lang kinh tế liên vùng và quốc tế, tạo thuận lợi phát triển các loại hình dịch vụ, đặc biệt là logistics, là điểm trung chuyển hàng hóa cho các tỉnh phía bắc. Trong đó, vùng biển có diện tích lớn có tiềm năng lớn phát triển các ngành công nghiệp, nông nghiệp, thủy sản và dịch vụ.
Kết cấu hạ tầng giao thông, vận tải phát triển nhanh, đồng bộ, hiện đại, tốt so với các vùng trên cả nước, hội tụ đủ 5 phương thức vận tải. Đến năm 2020, toàn vùng có 496 km đường cao tốc, 2.133 km quốc lộ, có mật độ đường cao tốc và quốc lộ cao nhất cả nước.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Thủ tướng và các đại biểu cũng phân tích những tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức của Vùng, như kết cấu hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu; Hạ tầng giao thông thiếu kết nối, chủ yếu đường bộ; Hạ tầng du lịch còn yếu; Hệ thống đô thị phát triển chưa đồng bộ; thiếu liên kết; Phát triển nhà ở xã hội chưa đáp ứng yêu cầu…
Nhấn mạnh tầm quan trọng của hạ tầng chiến lược và vấn đề liên kết, Thủ tướng lấy ví dụ, trước đây Nam Định có ưu thế phát triển hơn Hà Nam và Ninh Bình, nhưng hiện nay Hà Nam và Ninh Bình phát triển nhanh hơn, nguyên nhân quan trọng là hạ tầng giao thông kết nối của hai tỉnh này tốt hơn. Một ví dụ khác, khi Hải Phòng triển khai các công trình giao thông kết nối với Quảng Ninh và các tỉnh khác thì Hải Phòng phát triển bứt phá.
Thủ tướng chỉ ra một số nguyên nhân như nhận thức về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của Vùng còn chưa đầy đủ; tư duy, thể chế về liên kết chậm đổi mới. Chưa có chính sách đủ mạnh để tạo đột phá cần thiết cho vùng và một số địa phương trọng điểm. Chất lượng quy hoạch còn thấp, thiếu liên kết, đồng bộ.
Nguồn lực đầu tư chưa đáp ứng yêu cầu, cơ cấu chưa hợp lý, còn dàn trải, hiệu quả chưa cao. Nguồn lực bố trí thực hiện các công trình, dự án có tính liên kết vùng gặp khó khăn. Phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương còn chưa kịp thời, thiếu chặt chẽ, hiệu quả chưa cao. Phân cấp, phân quyền cho các địa phương chưa triệt để. Năng lực của một bộ phận cán bộ có mặt còn hạn chế, tính năng động, sáng tạo chưa cao…
“Phân tích như vậy để thấy chúng ta còn rất nhiều việc phải làm. Đội ngũ cán bộ phải dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì dân, vì nước, vì lợi ích chung để biến không thành có, biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng đề nghị vùng Đồng bằng sông Hồng đầu tư, nâng cấp các tuyến cao tốc, quốc lộ, đường sắt tốc độ cao, đường sắt kết nối nội vùng, cảng biển
Đặc biệt quan tâm tập trung phát triển hạ tầng giao thông
Nhấn mạnh 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, Thủ tướng giao các bộ, ngành liên quan và 11 địa phương trong Vùng khẩn trương xây dựng chương trình, kế hoạch hành động cụ thể để thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Nghị quyết 30 của Bộ Chính trị và Chương trình hành động của Chính phủ.
Thứ hai, tiếp tục rà soát, hoàn thiện quy định pháp lý, cơ chế, chính sách liên kết vùng đồng bộ, nhất quán, hiệu quả. Làm tốt công tác quy hoạch giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 để điều phối, quản lý thống nhất, bảo đảm tính liên kết, đồng bộ, thống nhất, hiệu quả và phát triển bền vững; sớm hoàn thành Quy hoạch Vùng trong năm 2023.
Thứ ba, đẩy mạnh phát triển kinh tế vùng, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển kinh tế biển. Cơ cấu lại ngành công nghiệp theo hướng hiện đại, công nghệ cao, ứng dụng nền tảng số, thân thiện với môi trường. Phân bố không gian công nghiệp hợp lý theo các hành lang kinh tế; hành lang công nghiệp, gắn với các cảng biển, các tuyến cao tốc, tuyến quốc lộ kết nối với các vùng lân cận.
Thứ tư, về phát triển hệ thống đô thị và kết cấu hạ tầng KT-XH, Thủ tướng yêu cầu phát triển hệ thống đô thị hiện đại, thông minh, bền vững, theo mạng lưới và thích ứng với biến đổi khí hậu. Hình thành các chuỗi đô thị, chuỗi đô thị thuộc các hành lang kinh tế gắn với phát triển công nghiệp, dịch vụ logistics.
Ưu tiên nguồn lực xây dựng hệ thống giao thông đồng bộ, hiện đại, kết nối nội vùng, liên vùng và quốc tế; phát triển vận tải đa phương thức. Đầu tư, nâng cấp các tuyến cao tốc, quốc lộ, đường sắt tốc độ cao, đường sắt kết nối nội vùng, cảng biển; cải tạo, nâng cấp, mở rộng, nâng cao hiệu quả khai thác đường thủy nội địa, cảng hàng không, cảng biển quốc tế.
Thứ năm, về phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, Thủ tướng yêu cầu phát triển vùng trở thành trung tâm khoa học – công nghệ (KHCN) gắn với đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số hàng đầu của cả nước. Đẩy mạnh đào tạo, phát triển nguồn nhân lực KHCN. Khuyến khích doanh nghiệp liên kết, đầu tư, phát triển KHCN.
Thứ sáu, Thủ tướng yêu cầu phát huy vai trò là trung tâm hàng đầu cả nước về giáo dục, đào tạo, phát triển nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Đẩy mạnh xã hội hóa và tự chủ đại học. Tăng cường nguồn lực đầu tư cho đào tạo nghề. Phát triển thị trường lao động hiện đại, hội nhập, hiệu quả; tăng cường kết nối cung cầu lao động nội vùng, liên vùng.
Thứ bảy, về phát triển văn hóa – xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, Thủ tướng nhấn mạnh “văn hóa soi đường cho quốc dân đi”, “văn hóa còn thì dân tộc còn”. Cần phát triển văn hóa ngang tầm với phát triển kinh tế, chính trị, xã hội; khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường, sức sáng tạo, khát vọng phát triển phồn vinh. Phát triển các sản phẩm, dịch vụ gắn với bảo tồn, phát huy giá trị di sản, bản sắc văn hóa.
Thứ tám, Thủ tướng yêu cầu sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là đất đai, nước. Đẩy mạnh liên kết trong bảo tồn, khai thác sử dụng tài nguyên, đa dạng sinh học; tăng cường kiểm soát chặt chẽ chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Tăng cường công tác phối hợp trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, xử lý rác thải, chất thải, nước thải gắn với thích ứng biển đổi khí hậu và nước biển dâng.
Thứ chín, về quốc phòng, an ninh, đối ngoại, Thủ tướng đề nghị thực hiện tốt các nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, bảo vệ chủ quyền biên giới, biển, đảo, không để bị động, bất ngờ. Giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; tăng cường trấn áp các loại tội phạm. Chủ động ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống.
Thứ mười, về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu giữ vững đoàn kết, thống nhất, huy động sức mạnh tổng hợp; xây dựng đội ngũ lãnh đạo, quản lý các cấp bảo đảm chất lượng, số lượng, cơ cấu hợp lý, có chuyển giao, kế thừa. Không ngừng củng cố khối đại đoàn kết các dân tộc, góp phần bảo đảm “phên dậu” về quốc phòng, an ninh. Đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
Theo Phùng Đô/Báo Giao thông