(Xây dựng) – Đây là tư duy đổi mới của Nghị định số 68/2019/NĐ-CP về quản lý chi phí đầu tư xây dựng (thay thế Nghị định số 32/2015/NĐ-CP) và 10 Thông tư hướng dẫn.
Chi phí đầu tư xây dựng được tính đúng, tính đủ, phù hợp với thực tiễn triển khai và thông lệ quốc tế. |
Tư duy đổi mới
Thực hiện Đề án Hoàn thiện hệ thống định mức và giá xây dựng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 18/12/2017, tại Quyết định số 2038/QĐ-TTg (Đề án 2038), riêng trong năm 2019, Bộ Xây dựng đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 68/2019/NĐ-CP về quản lý chi phí đầu tư xây dựng, đồng thời ban hành 10 Thông tư hướng dẫn.
Trong đó, Nghị định số 68/2019/NĐ-CP là một hành lang pháp lý cơ bản cho việc triển khai, áp dụng các quy định về quản lý chi phí đầu tư xây dựng phù hợp với thực tiễn triển khai và thông lệ quốc tế.
Những quy định của Nghị định số 68/2019/NĐ-CP đã được đúc kết trên nền tảng kinh nghiệm quản lý Nhà nước trong nhiều năm cùng với sự hỗ trợ kỹ thuật từ các tổ chức quốc tế, kết hợp với kiến thức thu được thông qua những chuyến khảo sát tại các quốc gia có thị trường xây dựng phát triển, phù hợp với định hướng của Đảng và Chính phủ về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập sâu rộng.
Tại hội nghị triển khai công tác ngành Xây dựng năm 2020, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà đã đánh giá cao tư duy đổi mới trong xây dựng Nghị định số 68/2019/NĐ-CP: “Chi phí quản lý đầu tư xây dựng được tính đúng, tính đủ, phù hợp với cơ chế thị trường, với từng loại nguồn vốn, tiến tới công khai minh bạch, phòng chống thất thoát tham nhũng trong đầu tư xây dựng…”.
Để thực hiện và hướng dẫn Nghị định số 68/2019/NĐ-CP, Bộ Xây dựng cũng đã ban hành 10 Thông tư hướng dẫn. Đó là Thông tư 09/2019/TT-BXD hướng dẫn xác định và quản lý chi phí đầu tư xây dựng; Thông tư 10/2019/TT-BXD về định mức xây dựng; Thông tư 11/2019/TT-BXD hướng dẫn xác định giá ca máy và thiết bị thi công xây dựng; Thông tư 12/2019/TT-BXD hướng dẫn xây dựng và quản lý hệ thống cơ sở dữ liệu về định mức, giá xây dựng và chỉ số giá xây dựng; Thông tư 13/2019/TT-BXD quy định việc quản lý chi phí đầu tư xây dựng các công trình xây dựng thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới; Thông tư 14/2019/TT-BXD hướng dẫn xác định, quản lý chỉ số giá xây dựng; Thông tư 15/2019/TT-BXD hướng dẫn xác định đơn giá nhân công xây dựng; Thông tư 16/2019/TT-BXD hướng dẫn xác định chi phí quản lý dự án và tư vấn đầu tư xây dựng; Thông tư 17/2019/TT-BXD hướng dẫn đo bóc khối lượng xây dựng công trình; Thông tư 18/2019/TT-BXD hướng dẫn quy đổi vốn đầu tư xây dựng.
Những điểm nổi bật
Đề cập đến những điểm nổi bật của Nghị định số 68/2019/NĐ-CP và 10 Thông tư hướng dẫn, Bộ Xây dựng cho biết: Hành lang pháp lý và công cụ quản lý nói trên quy định cụ thể hơn việc áp dụng phương pháp xác định tổng mức đầu tư đối với trường hợp dự án thực hiện theo hình thức hợp đồng EPC nhằm khắc phục một số tồn tại trong việc thực hiện hợp đồng EPC trong thời gian qua.
Giá nhân công xây dựng được phân thành 11 nhóm thay cho 2 nhóm trước đây, để đảm bảo nguyên tắc tính đúng, tính đủ. |
Nghị định và thông tư đồng thời hoàn thiện phương pháp xác định dự toán xây dựng, trong đó quy định về cơ cấu chi phí dự toán cho phù hợp với thực tiễn của xây dựng và thông lệ quốc tế; bổ sung chi phí quản lý mua sắm thiết bị cho nhà thầu; Bổ sung phương pháp lập dự toán gói thầu khi dự án đã có kế hoạch đấu thầu để đáp ứng yêu cầu thực tế quản lý và hội nhập quốc tế.
Bổ sung phương pháp xác định định mức cơ sở, định mức chi phí gián tiếp, định mức chi phí tư vấn… theo phương pháp điều tra, khảo sát thị trường xây dựng. Theo đó, thông tư hướng dẫn phân loại danh mục định mức theo loại công trình, nhóm công trình, công trình, bộ phận công trình, công tác xây dựng với các điều kiện thực hiện khác nhau; mã hóa toàn bộ các công tác, các định mức chi phí để số hóa việc xây dựng cơ sở dữ liệu, áp dụng mô hình thông tin công trình, trí tuệ nhân tạo phục vụ việc nắm bắt thông tin thị trường xây dựng phục vụ quản lý nhà nước và quản lý chi phí dự án, thống nhất việc lập, thẩm tra, thẩm định định mức, giá, tổng mức đầu tư, dự toán xây dựng công trình, tiến tới việc thẩm tra, thẩm định dự toán xây dựng không sử dụng hồ sơ giấy như hiện nay.
Hoàn thiện phương pháp xác định đơn giá nhân công xây dựng, nghị định và thông tư hướng dẫn đã bổ sung phương pháp xác định đơn giá nhân công tư vấn xây dựng để phục vụ việc lập dự toán chi phí tư vấn, phân nhóm đơn giá nhân công xây dựng thành 11 nhóm thay cho 2 nhóm trước đây để đảm bảo nguyên tắc tính đúng, tính đủ.
Hoàn thiện phương pháp xác định giá vật liệu, giá ca máy bảo đảm nguyên tắc quản lý theo thị trường, nghị định và thông tư hướng dẫn quy định giá vật liệu phải phù hợp với tiêu chuẩn vật liệu, xuất xứ và điều kiện thương mại, bổ sung hướng dẫn xác định giá ca máy theo giờ.
Nghị định và các thông tư hướng dẫn đồng thời bổ sung việc xác định chỉ số giá xây dựng của loại vật liệu xây dựng chủ yếu để đáp ứng yêu cầu quản lý chi phí và hợp đồng xây dựng; Bổ sung nội dung lập và quản lý cơ sở dữ liệu về định mức và giá xây dựng. Đây là công cụ rất quan trọng trong việc cung cấp thông tin phục vụ quản lý Nhà nước về thị trường xây dựng, nâng cao năng suất ngành xây dựng, tạo thị trường xây dựng minh bạch, cạnh tranh, góp phần chống thất thoát, lãng phí trong đầu tư xây dựng.
Đặc biệt, cơ chế quản lý định mức được đổi mới, từ việc công bố sang ban hành nhằm thống nhất quản lý, tránh lợi dụng làm tăng chi phí và áp dụng chung các phần mềm phục vụ quản lý để thực hiện mục tiêu số hóa ngành Xây dựng. Nhà nước chủ động rà soát hệ thống định mức theo định kỳ 02 năm nhằm sớm loại bỏ công nghệ lạc hậu; có cơ chế khuyến khích áp dụng công nghệ mới mang lại hiệu quả cho dự án đầu tư xây dựng.
Bên cạnh Nghị định số 68/2019/NĐ-CP và 10 Thông tư hướng dẫn nói trên, Bộ Xây dựng cũng đã dự thảo và trình Chính phủ Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 37/2015/NĐ-CP ngày 22/4/2015 của Chính phủ quy định chi tiết về hợp đồng xây dựng.
Hiện dự thảo Nghị định đã lấy ý kiến các thành viên Chính phủ, đã giải trình, tổng hợp, trình Chính phủ ban hành. Sau khi Nghị định được Chính phủ ban hành (dự kiến trong quý I/2020), Bộ Xây dựng sẽ phối hợp với các cơ quan hữu quan khẩn trương xây dựng và hoàn thiện dự thảo các thông tư hướng dẫn để tạo hành lang pháp lý trong thực tiễn triển khai các quy định mới về hợp đồng xây dựng.
Với những nỗ lực không ngừng trong công tác đổi mới, hoàn thiện cơ chế chính sách và các công cụ, phương pháp xây dựng hệ thống định mức và giá xây dựng, Bộ Xây dựng kỳ vọng sẽ mang lại những tác động tích cực trong công tác quản lý Nhà nước lĩnh vực kinh tế xây dựng nói riêng và ngành Xây dựng nói chung.
Quý Anh