Liên quan đến một số “lùm xùm” gần đây tại Tổng Công ty xi măng Việt Nam (Vicem), đang được dư luận quan tâm. Mới đây, dư luận trong ngành Xây dựng lại nổi lên thông tin về việc ông Dương Phan Anh, hiện đang công tác tại Công ty CP Vicem thương mại xi măng; trú tại nhà 32 tập thể Quân Y, khu tập thể Nguyễn Công Trứ, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, tố cáo một số vấn đề thuộc Công ty CP Vicem thương mại xi măng và cá nhân ông Đặng Phúc Tân – Phó Giám đốc Công ty.
Trụ sở Tổng Công ty xi măng Việt Nam |
Một số nội dung tố cáo chính như sau: Thứ nhất, liên quan đến việc ông Đặng Phúc Tân – Phó Giám đốc Công ty CP Vicem thương mại xi măng sử dung bằng thạc sĩ không hợp pháp kê khai vào hồ sơ để làm cơ sở để cấp có thẩm quyền bổ nhiệm cán bộ. Cụ thể, tố cáo ông Đặng Phúc Tân, sinh ngày 01/09/1972, hiện là thành viên HĐQT, người được giao quản lý vốn Nhà nước tại Công ty, Phó Giám đốc Công ty CP Vicem thương mại xi măng, Trưởng ban Thu hồi công nợ công ty. Trong các văn bản bổ nhiệm và bổ nhiệm lại cán bộ, theo yêu cầu của Tổng Công ty xi măng Việt Nam và Công ty CP Vicem thương mại xi măng thì việc kê khai hồ sơ lý lịch theo mẫu 2C, trong đó có yêu cầu sao các văn bằng chứng chỉ của cán bộ, để làm cơ sở bổ nhiệm.
Trong hồ sơ kê khai để bổ nhiệm, theo yêu cầu kê khai lý lịch của Công ty CP Vicem thương mại xi măng thì trong kê khai để bổ nhiệm ông Đặng Phúc Tân đã kê khai và sao bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh do nước ngoài cấp. Nhưng, theo yêu cầu của Tổng Công ty xi măng Việt Nam và Công ty CP Vicem thương mại xi măng thì những văn bằng do nước ngoài cấp phải có công nhận của Bộ Giáo dục và đào tạo Việt Nam mới được coi là hợp pháp. Tuy nhiên, trong việc sao bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh đã không có xác nhận của Bộ Giáo dục và đào tạo. Ông Dương Phan Anh cho rằng, đây là văn bằng không hợp pháp. Về việc này, cá nhân ông Dương Phan Anh đã gửi đơn đến Công ty CP Vicem thương mại xi măng, Tổng Công ty xi măng Việt Nam, nhưng Tổng Công ty xi măng Việt Nam vẫn tiếp tục bổ nhiệm chức vụ Phó Giám đốc lần thứ 3 đối với ông Đặng Phúc Tân.
Thứ hai, ông Dương Phan Anh tố cáo ông Đặng Phúc Tân cố tình chiếm đoạt 20 cây vàng 9999 mà bố đẻ của ông là Dương Đoàn Công, sinh năm 1956, trước là nhân viên lái xe thuộc công ty, cho ông Đặng Phúc Tân vay. Cụ thể, ông Dương Đoàn Công làm tại Phòng hành chính của công ty; Năm 2010 có cho ông Đặng Phúc Tân vay 20 cây vàng 9999 (có giấy biên nhận) để mua đất ở khu đô thị mới Hoàng Thạch làm nhà ở. Lúc đầu ông Tân hỏi vay tiền, nhưng do không có tiền, nên bố ông cho ông vay bằng vàng như nêu trên. Trong thời gian từ năm 2018 đến 2019 do cụ bị bệnh nặng, phải điều trị tại bệnh viện, gia đình khó khăn; Cụ đã nhiều lần đòi số vàng đã cho vay, nhưng ông Đặng Phúc Tân cũng nhiều lần khất lần chưa trả. Đến gần cuối năm 2019, nhận thấy sức khỏe quá yếu, không qua khỏi nên ông Phan Anh được bố đưa cho giấy biên nhận nợ vàng do ông Tân ký để tiếp tục đòi nợ. Sau nhiều lần đòi, ông Đặng Phúc Tân vẫn không chịu trả vàng cho gia đình và có hành vi trốn tránh, chây ì không muốn trả. Ông Anh cho rằng, đây là biểu hiện của việc lợi dụng tín nhiệm nhằm chiếm đoạt tài sản của gia đình ông.
Thứ ba, liên quan đến việc đấu thầu vận chuyển xi măng có “dấu hiệu” lợi ích nhóm. Cụ thể, để tiếp giảm chi phí, công ty đã tự thuê tổ chức vận tải bán giá trực tiếp đến cửa hàng. Nhưng cũng chính để tiếp giảm chi phí, công ty lại dừng không vận tải xi măng nữa, không bán vào trực tiếp cửa hàng. Vậy phương án nào là tiết giảm chi phí? phương án nào mới làm tăng chi phí?. Bởi, khi công ty vận tải xi măng bán đến từng cửa hàng thì công ty có thông báo giá bán đến cửa hàng (cao hơn vì bao gồm giá vận chuyển cao +VAT) để buộc các cửa hàng phải mua giá đó. Nhưng khi công ty dừng không vận tải bán đến cửa hàng thì công ty lại không thông báo (giá này thấp hơn với giá có vận tải, có VAT vận tải). Ngoài ra, công ty có Hội đồng giá, có Ban tổ chức đấu thầu vận tải xi măng bao, có Tổ thẩm định đấu thầu vận tải xi măng bao nhưng toàn bộ khối lượng vận tải xi măng bao từ ngày 25/7/2020 đến 31/10/2021 công ty không chào thầu công khai, không thông báo thầu, tự ý chỉ định đơn vị các đơn vị vận tải (ví dụ: Công ty vận tải An Thành là công ty em gái ông Tổ trưởng Tổ đấu thầu) báo giá vận chuyển làm quân xanh, quân đỏ. Trong nhóm đó, có đơn vị vận tải báo giá vận tải cao hẳn để công ty có cớ bỏ giá đó đi, có đơn vị vận tải giá thấp và lấy mức này làm căn cứ ký thấp để ký hợp đồng. Đã có kiến nghị của Ban kiểm soát về việc đề nghị Ban lãnh đạo điều hành công ty tổng hợp, đánh giá và phân tích hiệu quả của phương án tổ chức tiêu thụ xi măng tại địa bàn quận Long Biên, huyện Gia Lâm. Tại sao Ban lãnh đạo điều hành công ty không làm báo cáo phân tích này? Ông Dương Phan Anh cho rằng, những việc làm trên của công ty là có nhóm lợi ích, làm thất thoát tiền của Nhà nước.
Với các hành vi của ông Đặng Phúc Tân, ông Anh đã nhiều lần gửi đơn tới: Công ty CP Vicem thương mại xi măng, Tổng Công ty xi măng Việt Nam, Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) và một số cơ quan. Sau đó, Cục Cảnh sát hình sự đã có văn bản chuyển đơn đến Bộ Xây dựng và Bộ Xây dựng đã có văn bản chuyển đơn đến Công ty CP Vicem thương mại xi măng. Ông Dương Phan Anh cho rằng, việc cơ quan chủ quản chuyển đơn đến Công ty CP Vicem thương mại xi măng là chưa đúng thẩm quyền và đến nay tất cả đều rơi vào in lặng. Ông không biết kêu ai nên phải nhờ các cơ quan báo chí nói giúp việc này.
Qua nghiên cứu đơn của ông Dương Phan Anh, chúng tôi thấy rằng, trong thời gian gần đây có một số cá nhân đã sử dụng những bằng cấp bất hợp pháp để “leo” vào các cương vị của các cơ quan hành chính, doanh nghiệp nhà nước. Đối với việc sử dụng bằng cấp, chứng chỉ giả để thăng tiến, Đảng, Chính phủ đã đặc biệt quan tâm, chỉ đạo phải kiên quyết làm sạch các gian lận. Việc sử dụng bằng không hợp pháp để bổ nhiệm xảy ra tại Công ty CP Vicem thương mại xi măng là việc cụ thể, có người phát hiện tại sao không được xem xét xử lý mà lại “làm ngơ”. Trách nhiệm này, trước hết thuộc về Tổng Giám đốc Tổng Công ty xi măng Việt Nam là người trực tiếp ký bổ nhiệm như đơn đã nêu. Tổng Giám đốc Tổng Công ty xi măng Việt Nam phải có trách nhiệm kiểm tra và trả lời trước công luận; làm rõ trách nhiệm của cá nhân đương sự…
Đối với việc vay và trả vàng, chúng tôi cho rằng, trên cương vị lãnh đạo, ông Đặng Phúc Tân phải xem lại tư cách và trách nhiệm của cá nhân mình. Việc vay, mượn đã kéo dài nhiều năm, khi người cho vay bị bệnh tật, trong khi cá nhân ông hoàn toàn có đủ khả năng trả nợ, nhưng không chịu trả, đến đến mức người bệnh mất, phải trăng trối lại cho con trai tiếp tục đòi. Vấn đề này cần phải xem xét tư cách, đạo đức và vai trò nêu gương của người lãnh đạo. Việc ông Dương Phan Anh cho rằng, hình vi của ông Đặng Phúc Tân trong sự việc này là lợi dụng tín nhiệm nhằm chiếm đoạt tài sản. Vụ việc rất cần các cơ quan bảo vệ pháp luật vào cuộc làm rõ.
Nhóm phóng viên/Báo Xây dựng