Vốn cho phát triển nhà ở xã hội: Khó khăn khi triển khai thực tế

(Xây dựng) – Hiện, cả nước đã và đang triển khai hàng loạt các chương trình phát triển nhà ở bao gồm: Chương trình nhà ở cho người có công với cách mạng, chương trình hỗ trợ nhà ở cho các hộ nghèo khu vực nông thôn, chương trình tôn nền vượt lũ đồng bằng sông Cửu Long, chương trình nhà ở xã hội (NƠXH) cho người thu nhập thấp đô thị và công nhân khu công nghiệp… đạt hiệu quả bước đầu. Tuy nhiên, theo đánh giá của lãnh đạo Bộ Xây dựng, việc triển khai các chương trình này còn gặp nhiều khó khăn, chủ yếu vẫn là thiếu nguồn vốn để thực hiện.


Các dự án NƠXH còn rất thiếu so với nhu cầu.

Trong đó, theo thống kê của Bộ Xây dựng, chương trình NƠXH đã hoàn thành đầu tư xây dựng 186 dự án với quy mô khoảng 75.500 căn, tương đương với 5,81 triệu m2 nhà ở. Dự kiến quý 2/2018 sẽ hoàn thành thêm 1.000 căn hộ. Đến năm 2020, các khu vực đô thị cả nước có hơn 1,7 triệu người khó khăn về nhà ở (diện tích bình quân dưới 5m2/người).

Bên cạnh đó, hiện cả nước đã phát triển nhiều khu công nghiệp tập trung, khoảng 1,7 triệu công nhân có nhu cầu ổn định chỗ ở và để đáp ứng nhu cầu nhà ở cần phải xây dựng khoảng 700.000 căn hộ. Do đó, việc đảm bảo nhà ở cho công nhân cũng là vấn đề lớn cần được quan tâm.

Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay mà chương trình này gặp phải là gói tín dụng cho vay ưu đãi các dự án NƠXH với lãi suất thấp 30.000 tỷ đồng kết thúc từ năm 2016 khiến nhiều người thu nhập thấp có nhu cầu mua nhà chưa tiếp cận được vốn vay, nhiều dự án phải dừng triển khai, ảnh hưởng không nhỏ đến cả chủ đầu tư lẫn người mua. Ngay cả với dự án do chủ đầu tư có tiềm lực cam kết hỗ trợ lãi suất, khả năng bán hàng cũng giảm đáng kể.

Hơn nữa, mặc dù phát triển NƠXH đã được gắn với chiến lược nhà ở quốc gia, thể hiện được vai trò đòn bẩy giúp thị trường bất động sản vượt qua khủng hoảng và tạo cơ hội cho nhiều người dân hiện thực hóa giấc mơ có nhà ở.

Nhưng để tăng nguồn cung và tiếp cận nguồn vốn vay vẫn khó khăn, cùng đó là sự thờ ơ của doanh nghiệp… đang đặt ra những yêu cầu mới đối với việc phát triển phân khúc nhà ở này.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết: Sau thời gian tập trung tích cực, quyết liệt, chương trình NƠXH mới đạt khoảng 4,2 – 4,5 triệu m2 trên tổng số 10 triệu m2 (nghĩa là mới giải quyết được 40% yêu cầu) và các dự án NƠXH hiện đang rất thiếu.

Luật Nhà ở năm 2014 và Nghị định số 100/2015/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển và quản lý NƠXH đã đưa ra đầy đủ quy định, chính sách về phát triển và quản lý NƠXH (Nghị định 100). Chương trình NƠXH trọng điểm tuy đã đạt kết quả bước đầu nhưng trong quá trình thực hiện vẫn còn bộc lộ những bất cập, hạn chế cần phải được khắc phục.

Đó là trước đây, chúng ta có gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng nhằm giải cứu thị trường bất động sản, đặc biệt tập trung kích thích phát triển NƠXH. Tuy nhiên, sau khi kết thúc gói vay này, thì xảy ra tình trạng một số doanh nghiệp đang được vay và chưa thực hiện xong dự án không thể tiếp tục triển khai nữa, gây ra khiếu kiện, tranh chấp giữa người mua nhà và chủ đầu tư.

Trong giai đoạn 2016 – 2020, dự kiến kế hoạch nguồn vốn hỗ trợ từ nguồn ngân sách Trung ương để cấp bù lãi suất cho các ngân hàng thương mại và bổ sung vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội để thực hiện cho vay ưu đãi đối với NƠXH tại khu vực đô thị và các khu công nghiệp khoảng 19.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, đến nay mới chỉ bố trí được 1.262 tỷ đồng/9.000 tỷ đồng (đạt khoảng 13%) so với yêu cầu của Ngân hàng Chính sách Xã hội. Ngoài ra, nguồn vốn cấp bù lãi suất cho các ngân hàng thương mại theo quy định của Luật Nhà ở và Nghị định số 100/2015/NĐ-CP của Chính phủ chưa được bố trí. Nếu không có giải pháp tháo gỡ vướng mắc trên thì việc thực hiện chương trình phát triển NƠXH sẽ còn khó khăn…

Theo thông tin mới đây từ Ngân hàng Chính sách xã hội, nguồn vốn 1.000 tỷ đồng (vốn Nhà nước cấp 500 tỷ đồng, ngân hàng tự huy động 500 tỷ đồng) đã được phân giao về các địa phương triển khai cho vay.

Trong đó, Hà Nội và TP Hồ CHí Minh được phân nguồn vốn lớn nhất, mỗi nơi 50 tỷ đồng. Còn lại là các thành phố khác như Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An… được phân bổ khoảng từ 10 tỷ đồng trở xuống, tùy theo điều kiện của từng địa phương. Như vậy, nguồn vốn cho vay hiện nay là quá ít so với nhu cầu.

Chưa kể, nguồn vốn này chỉ dành cho người dân thuộc đối tượng được vay vốn theo quy định, không dành cho vay với các doanh nghiệp xây dựng NƠXH, nên rất khó thể thu hút các doanh nghiệp tham gia phát triển NƠXH.

Đề cập đến chương trình phát triển NƠXH, Bộ Xây dựng cho rằng, hiện các doanh nghiệp xây dựng NƠXH được hỗ trợ qua nhiều hình thức như: Không thu tiền sử dụng đất; Nhà nước đầu tư hạ tầng ngoài khu vực hàng rào; giảm thuế thu nhập doanh nghiệp…

Tuy nhiên, cũng cần phải cân nhắc hỗ trợ nhưng vẫn đảm bảo tính minh bạch; đồng thời tạo được nguồn tín dụng, nguồn vốn lâu dài cho phát triển NƠXH. Một khi đã giải quyết được nguồn cung nhà ở, giải quyết được nguồn vốn thì phát triển NƠXH sẽ thuận lợi và hiệu quả…

Linh Đan

Tin Liên Quan