Xuất khẩu xi măng và clinker tăng: Nên buồn hay nên vui?

(Xây dựng) – Xuất khẩu xi măng (XM) và clinker 7 tháng đầu năm 2018 vẫn giữ nhịp độ tăng trưởng cao cả về lượng và giá trị. Trong bối cảnh thị trường XM trong nước dư cung cao thì xuất khẩu được coi là kênh quan trọng giúp giảm áp lực cho doanh nghiệp về tiêu thụ sản phẩm. Nhưng nhìn con số xuất khẩu XM và clinker gia tăng, nhìn sang nước láng giềng Trung Quốc thì các chuyên gia trong ngành cho rằng: Đã đến lúc ngành XM nước ta cần bước vào giai đoạn mới để phát triển theo chiều sâu toàn diện và chất lượng hơn.


Ảnh minh họa.

Xuất khẩu XM tăng cả về lượng và giá

Kể từ đầu năm 2018, thông tin Trung Quốc đóng cửa những nhà máy XM không đủ điều kiện tiêu chuẩn để giảm thiểu ô nhiễm môi trường đã tác động đến thị trường xuất khẩu XM nước ta và thế giới.

Hiệp hội Xi măng Trung Quốc đặt mục tiêu sẽ giảm 392,7 triệu tấn xi măng, chiếm 1/10 tổng sản lượng cả nước, đến năm 2020. Từ nước xuất khẩu clinker số 1 thế giới, Trung Quốc trở thành nước nhập khẩu clinker.

Điều này đã tác động đến thị trường xuất khẩu XM của nước ta, từ đối thủ cạnh tranh trong xuất khẩu XM, nay Trung Quốc trở thành nước nhập khẩu nhiều XM và clinker thứ 2 sau Bangladesh, góp phần đưa XM trở thành nhóm hàng xuất khẩu có mức tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ năm 2017, tăng 63,2% về lượng và tăng 73,4% về kim ngạch, đạt 17,65 triệu tấn, tương đương 656,3 triệu USD trong 7 tháng đầu năm 2018. Giá xi măng, clinker xuất khẩu tăng 6,3%, đạt trung bình 37,2 USD/tấn.

Mức tăng xuất khẩu ở thị trường Trung Quốc được cho là đột biến, gấp 80 lần về lượng và tăng gấp 90 lần về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2017, đạt 4,52 triệu tấn, tương đương 158,35 triệu USD, chiếm 25,6% trong tổng lượng và chiếm 24,1% trong tổng kim ngạch. Giá xuất khẩu sang Trung Quốc tăng 12,6%, đạt trung bình 35 USD/tấn.

Đứng đầu thị trường tiêu thụ nhiều XM, clinker của Việt Nam vẫn là Bangladesh. 7 tháng đầu năm 2018, thị trường này chiếm 26,9% trong tổng lượng và 23,3% trong tổng kim ngạch xuất khẩu xi măng của cả nước, với 4,75 triệu tấn, tương đương 152,8 triệu USD, tăng 4,9% về lượng và tăng 15,8% về kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái. Giá xuất khẩu sang thị trường này cũng tăng 10,4%, đạt trung bình 32,2 USD/tấn.

Tiếp sau đó là thị trường Philippines tăng 3,8% về giá, đạt trung bình 45,3 USD/tấn, tăng 23,5% về lượng, đạt 3,49 triệu tấn và tăng 28,1% về kim ngạch, đạt 159,73 triệu USD.

Đã đến lúc phát triển chiều sâu, không xuất clinker bằng mọi giá

Có thể nói xuất khẩu XM và clinker 7 tháng đầu năm 2018 tương đối thuận lợi. Cửa xuất khẩu rộng hơn đã khiến các doanh nghiệp XM trong nước “dễ thở” khi mà nguồn cung XM trong nước đang ở mức cao.

Nhìn lại chặng đường qua, ngành XM đã hoàn thành xuất sắc xứ mệnh lịch sử, từ một nước nhập khẩu XM chúng ta vươn lên sản xuất đủ nhu cầu XM trong nước và trở thành nước xuất khẩu XM. Hiện ngành XM đang tái cấu trúc mạnh mẽ và đã đến lúc ngành kết thúc phát triển theo chiều rộng bước sang một giai đoạn mới: tập trung phát triển chiều sâu.

“Trông người mà ngẫm đến ta”, tài nguyên các nước đang cạn kiệt dần đi, môi trường ô nhiễm hơn là tiếng chuông cảnh báo cần kết thúc thời kỳ phát triển theo chiều rộng trong ngành XM – nơi mà mục tiêu sản lượng đặt lên đầu, để bước vào thời kỳ mới phát triển theo chiều sâu – đảm bảo hài hòa lợi ích kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường.

Tổng Cty Công nghiệp Xi măng Việt Nam – VICEM – thương hiệu XM hàng đầu Việt Nam, doanh nghiệp lớn của ngành XM cũng đang tập trung giải quyết các nút thắt công nghệ và bảo vệ môi trường ở các nhà máy XM. Tổng giám đốc VICEM Bùi Hồng Minh cho biết: “VICEM đang tập trung tối ưu hóa hoạt động sản xuất, nâng cao chất lượng quản lý, kỹ thuật; đầu tư giải quyết các nút thắt công nghệ; đầu tư chiều sâu giảm tác động đến môi trường”.

Không chỉ VICEM tập trung bắt tay vào phát triển chiều sâu, mà để ngành XM phát triển theo chiều sâu mạnh mẽ, cần sự vào cuộc chung tay của hàng loạt các doanh nghiệp ngành Xi măng để ngành sản xuất xanh hơn, hạn chế tối đa việc tiêu tốn nguyên nhiên liệu và tìm thay thế nguyên nhiệu nhân tạo trong sản xuất XM…

Cuộc cách mạng 4.0 đang đi vào đời sống và hy vọng bước vào cuộc cách mạng này, ngành XM sẽ tìm ra lời giải cho bài toán phát triển sâu bền vững, tìm được nguyên liệu nhân tạo để sản xuất thay thế đá vôi và các nguyên liệu tự nhiên khác.

Vũ Huyền

Tin Liên Quan