BĐS du lịch, biến “nguy” thành “cơ”!

(Xây dựng) – Cho dù nhắm mắt lại thì ai cũng dễ dàng thấy rằng, đại dịch Covid-19 đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hoạt động kinh tế – xã hội nước nhà.

Ảnh minh họa (Nguồn: Internet).

Trong cuộc họp báo thường kỳ của Chính phủ mới đây, ngành du lịch được đánh giá là một trong những ngành bị thiệt hại nặng nề nhất. Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, lượng lưu trú khách sạn giảm 60%, số lượng du khách giảm hai con số, ngành du lịch ước tính thiệt hại khoảng 7 tỷ USD. Một số DN, nhất là DN nhỏ và vừa phải tạm ngừng hoặc thu hẹp hoạt động.

Con số thống kê cho hay, các điểm đến nghỉ dưỡng trọng điểm như Sa Pa, Đà Nẵng, Cam Ranh, Nha Trang hay các công ty lữ hành tại TP.HCM, vịnh Hạ Long cũng đều ghi nhận sụt giảm khoảng 50% công suất so với trước khi dịch xảy ra…

Có lẽ trong nhiều năm trở lại đây, ngành du lịch Việt Nam chưa khi nào đứng trước một thách thức lớn như giai đoạn này.

Tuy nhiên, nhiều hy vọng vẫn mở ra trong tương lai.

Thứ nhất, sự thành công bước đầu chống nạn dịch lây lan của Việt Nam trước những nỗ lực của Chính phủ và sự ủng hộ của đông đảo người dân đã tạo nên một hình ảnh đẹp đẽ và đáng tin cậy về một đất nước an toàn, hiếu khách và đầy trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Đây sẽ là một tài sản lớn mà không phải quốc gia nào cũng dễ dàng xây dựng được.

Thứ hai, du lịch Việt Nam vẫn đang là thị trường tiềm năng và phát triển ổn định trong nhiều năm. Chẳng hạn như năm 2019, Việt Nam đã đón 18 triệu lượt khách quốc tế, tăng 16% so với năm 2018. Với khách nội địa là 85 triệu lượt người, tăng 6%. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt hơn 720 nghìn tỷ đồng, tăng trên 16%.

Như vậy, nhu cầu du lịch của người dân vẫn tăng trưởng theo thời gian. Tuy nhiên, nay vì lý do đại dịch nên bị dồn ép lại, tương lai có khả năng sẽ bùng nổ trở lại khi nạn dịch bị chế ngự.

Thứ ba, đã trải qua dạn dày sương gió, ngành BĐS du lịch nghỉ dưỡng của Việt Nam đã lớn mạnh hơn bao giờ hết, nhiều lĩnh vực đã thành danh trên thị trường quốc tế. Chỉ trong năm 2019, Việt Nam đã nhận được nhiều giải thưởng toàn cầu, như Điểm đến Di sản hàng đầu thế giới; Điểm đến Golf tốt nhất thế giới 2019, Điểm đến hàng đầu châu Á trong 2 năm liên tiếp; Điểm đến ẩm thực hàng đầu châu Á…

Cùng với đó, năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam liên tục được cải thiện trong bảng xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), xếp hạng 63/140 nền kinh tế.

Nhắc lại đôi nét về thành tựu của lĩnh vực du lịch nói chung và BĐS du lịch nghỉ dưỡng nói riêng, chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng rằng, việc biến “nguy” thành “cơ” trong lĩnh vực này của du lịch Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành hiện thực.

Nguyễn Hoàng Linh

Tin Liên Quan