VICEM tăng trưởng trong thế khó

(Xây dựng) – Xây dựng kịch bản đóng góp 7-10%, hướng đến hoạt động sản xuất kinh doanh tiết kiệm tài nguyên, hiệu quả và giảm tác động môi trường; tái cấu trúc Tổng Cty, kiểm soát tốt dòng tiền khắc phục nợ nội bộ và tăng năng suất lao động từ 7-10%; nghiên cứu và xây dựng chiến lược phát triển ngành Xi măng (XM) Việt Nam là 3 nhiệm vụ trọng tâm mà VICEM đang tích cực thực hiện theo sự chỉ đạo của Chính phủ. Trong thế khó của ngành XM cung vượt cầu, VICEM đã nỗ lực vươn lên nâng cao năng lực sản xuất, cạnh tranh phát huy tối đa nội lực và 6 tháng đầu năm 2018 kết quả sản xuất kinh doanh của toàn VICEM rất khả quan.

Ảnh minh hoạ.

Tăng trưởng 9% trong thế khó

Mặc dù, tình trạng XM cung vượt cầu vẫn tiếp tục bị đẩy cao, giá nguyên nhiên liệu đầu vào cho sản xuất XM tiếp tục tăng nhưng bằng các giải pháp hiệu quả như: Nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh, năng lực cạnh tranh, tối ưu hóa sản xuất, phát huy tối đa nội lực, 6 tháng đầu năm 2018 tình hình sản xuất kinh doanh của toàn VICEM đạt kết quả khả quan.

Tổng giám đốc VICEM Bùi Hồng Minh vui mừng cho biết: Dự kiến 6 tháng đầu năm 2018, VICEM sản xuất và tiêu thụ trên 10 triệu tấn clinker, tổng sản phẩm đạt 14,5 triệu tấn, tăng 12% , trong đó XM tăng 9%. Tiêu thụ XM nội địa tăng 8,3%; xuất khẩu tăng 238%, trong đó cơ cấu xuất khẩu là 70% xi măng và chỉ xuất 30% clinker.

Lợi nhuận đạt 1.350 tỷ đồng, đạt trên 50% kế hoạch năm 2018. Tình hình sản xuất kinh doanh toàn VICEM trong 6 tháng đầu năm tương đối ổn định, nhiều nhà máy chạy hết công suất.

“VICEM xác định việc tăng trưởng sản lượng doanh thu đóng góp vào tăng trưởng của ngành Xây dựng nói riêng và tăng trưởng kinh tế nói chung dựa trên 2 trụ cột là phát huy tối đa nội lực và tận dụng năng lực sản xuất xã hội. VICEM đã và đang tiếp tục áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ, kết hợp với cải tiến chiều sâu, xử lý các nút thắt trong dây chuyền công nghệ để tối ưu hóa sản xuất, cải thiện năng suất thiết bị, nâng cao chất lượng sản phẩm; sản xuất clinker vượt so với công suất thiết kế từ 5-6%. VICEM thực hiện gia công thêm tại một số nhà máy ngoài VICEM, đảm bảo theo tiêu chuẩn của VICEM nhằm tạo thêm giá trị gia tăng và giá trị tăng trưởng” – Tổng giám đốc VICEM Bùi Hồng Minh nhấn mạnh.

Trong thế khó, cung vượt cầu quá cao của toàn ngành XM mà VICEM vẫn đạt mức tăng trưởng 9%; tiêu thụ XM nội địa và xuất khẩu đều tăng cho thấy sự nỗ lực, cố gắng của tập thể lãnh đạo, cán bộ, công nhân viên toàn VICEM. Bản lĩnh của một doanh nghiệp lớn hàng đầu của ngành XM Việt Nam tiếp tục được khẳng định.

Đẩy mạnh tái cấu trúc

Theo Tổng giám đốc Bùi Hồng Minh, VICEM đang tích cực thực hiện 3 nhiệm vụ trọng tâm mà Thủ tướng Chính phủ và Tổ công tác của Thủ tướng giao: Đó là xây dựng kịch bản đóng góp 7-10%, hướng đến hoạt động sản xuất kinh doanh tiết kiệm tài nguyên, hiệu quả và giảm tác động môi trường; tái cấu trúc Tổng Cty, kiểm soát tốt dòng tiền khắc phục nợ nội bộ và tăng năng suất lao động từ 7-10%; VICEM đang nghiên cứu và xây dựng chiến lược phát triển ngành XM Việt Nam.

Trong tái cấu trúc Tổng Cty, VICEM tiếp tục xử lý 2 tồn tại trước đây. Một là nợ nội bộ, hai là những lĩnh vực đầu tư không sinh lời, không hiệu quả sẽ tiếp tục tái cấu trúc lại; chiến lược phát triển chỉ tập trung năng lực cốt lõi là sản xuất kinh doanh XM, không đầu tư kinh doanh ngoài ngành. Chính sách nợ đang được siết chặt và xử lý công nợ, nợ nội bộ một cách nghiêm túc.

Là doanh nghiệp đầu tàu, đóng vai trò quan trọng trong tái cấu trúc ngành XM, VICEM đã tái cấu trúc thành công nhiều nhà máy XM làm ăn thua lỗ. Gần đây nhất là Xi măng Hạ Long và Sông Thao được Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà khen ngợi: Bộ Xây dựng và một số bộ ngành liên quan đánh giá cao VICEM trong tái cơ cấu xi măng Hạ Long và Sông Thao, VICEM đã thực hiện tốt, chứng tỏ bản lĩnh, khả năng và sức mạnh lớn.

Trong khi VICEM còn đang phải tháo gỡ khó khăn về tái cấu trúc tài chính ở XM Hạ Long thì mới đây Bộ Công thương lại có văn bản đề xuất Chính phủ cho phép chuyển giao nguyên trạng Cty TNHH MTV Xi măng Quang Sơn từ Tổng Cty CP Xây dựng công nghiệp Việt Nam (Vinaincon) sang VICEM.

Toàn bộ tài sản trong báo cáo tài chính của Xi măng Quang Sơn tại thời điểm bàn giao sẽ giao cho Vicem tiếp nhận và thực hiện nghĩa vụ trả nợ đối với các khoản nợ mà Vinaincon đã vay cho Xi măng Quang Sơn.

Theo báo cáo Bộ Công thương gửi Thủ tướng Chính phủ, đến thời điểm này, vốn vay của Cty Xi măng Quang Sơn đã lên đến 95% tổng mức đầu tư, nên chi phí tài chính của Cty quá cao. Vinaincon không có vốn để tăng vốn điều lệ cho XM Quang Sơn và Vinaincon không có khả năng hỗ trợ vốn cho Xi măng Quang Sơn trả nợ vay đầu tư. Tính đến ngày 31/12/2017, lỗ lũy kế của Xi măng Quang Sơn là 1.145 tỷ đồng.

Trao đổi với phóng viên Báo Xây dựng về việc VICEM có tiếp nhận XM Quang Sơn hay không? Ông Lương Quang Khải – Chủ tịch Hội đồng Thành viên VICEM cho biết: VICEM đang cử đoàn khảo sát, đánh giá nhà máy XM Quang Sơn. Sau khi khảo sát, VICEM sẽ tính toán các phương án và cũng chờ các phương án tái cấu trúc, đặc biệt là tái cấu trúc tài chính XM Quang Sơn từ Chính Phủ và các Bộ: Bộ Công thương, Bộ Xây dựng.

Ông Khải cũng bày tỏ sự lo lắng khi XM Quang Sơn đang gánh trên vai khoản nợ khổng lồ (vốn vay lên đến 95% tổng mức đầu tư), nhà máy lại nằm ở vị trí không thuận lợi cho giao thông và vận chuyển sản phẩm cũng như thị trường tiêu thụ, chi phí giá thành cao…. VICEM cũng đang căng mình nỗ lực giải quyết khó khăn tài chính của VICEM Hạ Long và Sông Thao, nếu nhận thêm khoản nợ từ XM Quang Sơn thì doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn.

Vũ Huyền

Tin Liên Quan