Xi măng Quang Sơn có về với VICEM?

(Xây dựng) – Bộ Công Thương vừa có văn bản đề xuất Chính phủ cho phép chuyển giao nguyên trạng Cty TNHH MTV Xi măng (XM) Quang Sơn từ Tổng Cty CP Xây dựng công nghiệp Việt Nam (Vinaincon) sang Tổng Cty Công nghiệp XM Việt Nam (VICEM). Làm ăn thua lỗ, số nợ cả gốc và lãi vay lên đến con số nhiều nghìn tỷ đồng trong khi sản xuất kinh doanh rất kém khiến cho XM Quang Sơn đứng bên bờ vực phá sản.


Ảnh minh họa.

Cách đây khoảng hơn 10 năm về trước, nhiều doanh nghiệp (DN) “rẽ ngang” đầu tư xây dựng nhà máy XM và hàng loạt các nhà máy XM khác như: XM Cẩm Phả của Vinaconex, XM Sông Thao của HUD, XM Hạ Long của Tổng Cty Sông Đà và Xây lắp Dầu khí, XM Quang Sơn của VINAINCON… được ghi vào bản đồ ngành công nghiệp XM Việt Nam.

Nhưng vài năm sau khi đi vào hoạt động trong thời điểm thị trường XM dư cung cao, vốn vay đầu tư nhà máy lớn, quản trị DN kém hiệu quả… hàng loạt nhà máy XM đứng bên bờ vực phá sản, phải tái cơ cấu.

XM Cẩm Phả của Vinaconex được chuyển về cho Vietel, XM Sông Thao của HUD, Xi măng Hạ Long của Tổng Cty Sông Đà và Xây lắp Dầu khí về với VICEM.

Các DN đã dốc tâm, dốc lực vực dậy nhà máy, tái cơ cấu toàn bộ từ sản xuất đến kinh doanh tiêu thụ sản phẩm. Kết quả là các nhà máy nêu trên đều tái cấu trúc thành công và bắt đầu “sống khỏe”.

Trong khi VICEM còn đang phải tháo gỡ khó khăn về tái cấu trúc tài chính ở XM Hạ Long, mới đây Bộ Công Thương lại có văn bản đề xuất Chính phủ cho phép chuyển giao nguyên trạng Cty TNHH MTV Xi măng Quang Sơn từ Tổng Cty CP Xây dựng công nghiệp Việt Nam (Vinaincon) sang VICEM.

Toàn bộ tài sản trong báo cáo tài chính của XM Quang Sơn tại thời điểm bàn giao sẽ giao cho VICEM tiếp nhận và thực hiện nghĩa vụ trả nợ đối với các khoản nợ mà Vinaincon đã vay cho XM Quang Sơn.

Theo báo cáo Bộ Công Thương gửi Thủ tướng Chính phủ, đến thời điểm này, vốn vay của Cty XM Quang Sơn đã lên đến 95% tổng mức đầu tư, nên chi phí tài chính của Cty quá cao.

Vinaincon không có vốn để tăng vốn điều lệ cho XM Quang Sơn và Vinaincon không có khả năng hỗ trợ vốn cho XM Quang Sơn trả nợ vay đầu tư. Tính đến ngày 31/12/2017, lỗ lũy kế của XM Quang Sơn là 1.145 tỷ đồng.

Trao đổi với phóng viên Báo Xây dựng về việc VICEM có tiếp nhận XM Quang Sơn hay không? Ông Lương Quang Khải – Chủ tịch Hội đồng Thành viên VICEM cho biết: VICEM đang cử đoàn khảo sát, đánh giá nhà máy XM Quang Sơn. Sau khi khảo sát, VICEM sẽ tính toán các phương án và cũng chờ các phương án tái cấu trúc, đặc biệt là tái cấu trúc tài chính XM Quang Sơn từ Chính Phủ, Bộ Công thương và Bộ Xây dựng.

Ông Khải cũng bày tỏ sự lo lắng khi XM Quang Sơn đang gánh trên vai khoản nợ khổng lồ (vốn vay lên đến 95% tổng mức đầu tư), nhà máy lại nằm ở vị trí không thuận lợi cho giao thông và vận chuyển sản phẩm cũng như thị trường tiêu thụ, chi phí giá thành cao…. VICEM cũng đang căng mình nỗ lực giải quyết khó khăn tài chính của VICEM Hạ Long và Sông Thao, nếu nhận thêm khoản nợ từ XM Quang Sơn thì DN sẽ gặp khó khăn.

Cty Xi măng Quang Sơn, tiền thân là Cty XM Thái Nguyên do Vinaincon làm chủ đầu tư. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 3.500 tỷ đồng, công suất thiết kế 1,51 triệu tấn xi măng/năm.

Ngày 22/3/2003, dự án được khởi công, nhưng đến cuối năm 2009, mới được khánh thành và đưa vào chạy thử. Tháng 7/2011, nhà máy đi vào sản xuất chính thức với nhãn hiệu XM Quang Sơn.

Vũ Huyền

Tin Liên Quan